Kỳ 1: Đi tìm phong cách
Phóng to |
Anh Lê Quốc Phong (trái) và anh Nông Việt Yên - Ảnh: Q.L. |
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số bí thư các tỉnh, thành đoàn khi tiếp nhận và bàn cách triển khai chỉ thị này.
"Tôi tin rằng cán bộ Đoàn các cấp đều đồng thuận và quyết tâm cao thực hiện chỉ thị này để tạo nên hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ Đoàn. Đó cũng là cách cán bộ Đoàn thể hiện vai trò xung kích, gương mẫu; đi đầu đảm nhận việc mới, việc khó; sẵn sàng đến những nơi gian khổ, góp phần đưa công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ngày càng phát triển" Chị HÀ THỊ ANH THƯ (bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi) |
* Anh LÊ QUỐC PHONG (bí thư Thành đoàn TP.HCM):
Cơ hội để mỗi cán bộ Đoàn tự soi xét
TP.HCM đã triển khai cuộc vận động xây dựng phong cách cán bộ Đoàn trong đội ngũ cán bộ Đoàn TP nhiều tháng qua nên rất chủ động khi tiếp cận chỉ thị của Trung ương Đoàn về rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác. Tám điều nên và tám điều không nên làm rất gần gũi với những tiêu chí mà đội ngũ cán bộ Đoàn TP đang đăng ký rèn luyện. Dựa vào đó, mỗi cán bộ Đoàn sẽ tự nhận diện hạn chế và có cách làm cụ thể để khắc phục, thay đổi hạn chế ấy của mình.
Điều nên làm là cơ hội để mỗi cán bộ Đoàn từ cấp thấp nhất đến cao nhất tự soi xét, điều chỉnh quá trình công tác của mình, là mục tiêu hướng đến hình ảnh người cán bộ Đoàn tương lai ngày càng hoàn thiện hơn. Còn điều không nên làm chính là việc mỗi người cần lưu tâm hơn, cách để tự nhắc nhở nhau rèn luyện thường xuyên nhằm tránh những biểu hiện không hay, làm xấu hình ảnh người cán bộ Đoàn trong mắt thanh niên, cái nhìn của xã hội, nhất là khi chúng ta vừa thực hiện xong việc kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết T.Ư 4.
Tôi cho rằng ý thức tự thân của mỗi cán bộ là quan trọng, song việc kiểm tra, giám sát cũng quan trọng không kém để có thể đánh giá kịp thời cũng như thường xuyên nhắc nhở nhau thì việc thực hiện chỉ thị mới đạt kết quả mong muốn. Trung ương Đoàn cũng cần phát hiện kịp thời những tấm gương sáng, cán bộ Đoàn làm hay để giới thiệu không chỉ trong hệ thống Đoàn mà còn với xã hội về kết quả rèn luyện của họ. Việc này nên được làm thường xuyên, song song với việc thanh niên, xã hội cùng giám sát cán bộ Đoàn rèn luyện tác phong, xây dựng phong cách.
* Anh NÔNG VIỆT YÊN (bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái):
Bàn sâu về yếu kém cần khắc phục
Ngay khi Ban bí thư Trung ương Đoàn có chủ trương phát động cuộc vận động xây dựng phong cách, lề lối làm việc của cán bộ Đoàn, chúng tôi đã thảo luận về những điều nên - không nên làm đối với cán bộ Đoàn. Nên khi chỉ thị được ban hành, Tỉnh đoàn đã chuyển tải các nội dung tới cán bộ Đoàn chủ chốt và các cấp bộ Đoàn thông qua tọa đàm, trao đổi, trong đó đi sâu bàn về những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cần khắc phục.
Dù mỗi khu vực, vùng miền có đặc điểm riêng nhưng hầu hết cán bộ Đoàn đều có tác phong và luôn nhiệt huyết trong công việc. Hạn chế cần khắc phục đó là kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội chưa nhiều nên trước nhiều vấn đề xã hội quan tâm, thanh niên mong muốn nhưng cán bộ Đoàn chưa thật sự đủ kiến thức, kinh nghiệm để có thể giải quyết những điều đó. Chưa kể tác động của đời sống xã hội, sự thiếu gương mẫu của không ít người lớn cũng tác động không nhỏ đến nhận thức của đội ngũ cán bộ Đoàn.
Do vậy, chỉ thị này sẽ là cơ hội để mỗi cán bộ Đoàn tự nhìn nhận, đánh giá và chỉnh đốn bản thân. Tiếp tục phát huy việc làm tốt, điều chưa được thì cố gắng thay đổi, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Thực hiện chỉ thị cũng là từng bước xây dựng phong cách người cán bộ Đoàn thời kỳ mới, giúp nâng cao hình ảnh, uy tín trong thanh niên cũng như với xã hội.
Có thể mới bắt đầu sẽ gặp những khó khăn nhất định, nhưng tôi tin cán bộ Đoàn thống nhất cao với cuộc vận động này. Ban thường vụ Tỉnh đoàn sẽ kiểm tra, giám sát việc rèn luyện theo tinh thần của chỉ thị và cụ thể hóa thành một trong những tiêu chuẩn bắt buộc khi đánh giá, nhận xét cán bộ Đoàn.
Các bạn trẻ đã nói * Giá mà có những anh chị cán bộ Đoàn sẵn sàng la cà quán cóc vỉa hè chứ không chỉ lúc nào cũng mời đi sinh hoạt, tham gia hoạt động thì Đoàn sẽ gần gũi hơn TRẦN NAM (chuyên viên thiết kế đồ họa) * Thời buổi của thông tin, nếu cán bộ Đoàn cứ khệnh khạng với các cuộc họp, không giao tiếp được với thế giới mạng thì sẽ ngày càng xa giới trẻ LÊ HUYỀN TRÂN (Q.10, TP.HCM) * Tôi không nghĩ cán bộ Đoàn phải giỏi hơn, nhưng ít ra là phải giỏi bằng nếu muốn nói chuyện được với thanh niên. Thanh niên trình độ đại học nhưng cán bộ Đoàn chưa tốt nghiệp đại học e cũng khó ăn nói với nhau. ĐINH XUÂN MAI (Đồng Nai) * Làm bạn thân thiết tức là có thể chia sẻ với nhau nhiều thứ, nhưng tôi chưa thấy nhiều cán bộ Đoàn làm được vậy nên mong các anh chị đừng để khoảng cách nào trong việc làm bạn với thanh niên. PHAN THÀNH HIỆP (Vĩnh Long) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận