18/05/2011 07:33 GMT+7

Kiên nhẫn chống lạm phát

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Ngày 17-5, nhóm các nhà kinh tế trẻ thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã công bố “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011: nền kinh tế trước ngã ba đường”.

DZASwbcG.jpgPhóng to
Lãi suất quá cao hiện nay là một trong những gánh nặng cho doanh nghiệpẢnh: N.bình

Theo TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc VEPR, qua nghiên cứu VEPR dự báo hai kịch bản cho nền kinh tế. Thứ nhất là kịch bản với chính sách tiền tệ được thắt chặt một cách kiên nhẫn (có thể kéo dài đến hết năm) đi liền với cắt giảm đầu tư công mạnh mẽ, lạm phát năm 2011 có thể ở mức 15,5%, trong khi tăng trưởng đạt khoảng 6,2%.

Trong trường hợp giá nguyên liệu thô trên thế giới giảm mạnh, lạm phát có thể giảm nhiều hơn vào cuối năm, giúp kìm đà tăng giá của cả năm.

Kịch bản thứ hai dự báo mức lạm phát năm 2011 có thể trên 18% nếu không có đủ sự quyết liệt trong việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh nghiệm những năm trước cho thấy sự nới lỏng tiền tệ thường diễn ra trong quý 3, dưới sức ép của khu vực doanh nghiệp hoặc sự thiếu kiên nhẫn trong thắt chặt chính sách tiền tệ.

Mặc dù việc nới lỏng giúp tăng trưởng theo kịch bản thứ hai cao hơn một chút, khoảng 6,5%, nhưng so với các năm trước hiệu ứng tăng trưởng không còn đáng kể vì sự bất ổn trong năm 2011 đã trực tiếp tác động đến chất lượng tăng trưởng.

Bình luận về báo cáo của VEPR, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng tăng trưởng kinh tế ở nước ta luôn chứa đựng nguy cơ lạm phát, bên cạnh đó cần tránh điều hành chính sách tiền tệ giật cục.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, mức lãi suất trên thị trường hiện nay là cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, lãi suất càng cao thì vốn chảy vào khu vực công càng nhiều vì khu vực này sử dụng vốn “không chấp” lãi suất, đã có những tiền lệ là nếu xuất hiện nợ xấu thì được khoanh, được giãn..., đồng thời lãi suất càng cao thì vốn càng chảy vào khu vực phi sản xuất.

“Có chủ doanh nghiệp nói với tôi hiện nay một là sa thải công nhân, hai là đi buôn lậu chứ lãi suất này không làm gì được” - ông Nghĩa cho biết.

Ông Nghĩa nói cần giảm gánh nặng thuế đối với doanh nghiệp hơn nữa, mặc dù đã giảm từ 35,7% năm 2006 còn 25,1% năm 2010 (thuế thu từ khu vực doanh nghiệp trong tổng thu ngân sách) nhưng vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực (chỉ khoảng 14%). “Chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng chưa bao giờ trong ngành ngân hàng có hai hệ thống kế toán như hiện nay, đơn giản vì trần lãi suất huy động 14% nhưng thực tế ngân hàng trả cao hơn nên mới sinh ra chuyện méo mó như vậy” - ông Nghĩa cho hay.

Một trong những khuyến nghị chính sách hàng đầu của VEPR là về mô hình tăng trưởng, cần thay đổi tư duy cho rằng các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ là trụ cột cho phát triển kinh tế trong lâu dài. Điều này sẽ liên tục mâu thuẫn với sự phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu.

Trong điều kiện các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn chi phối một cách đáng kể nhiều lĩnh vực sản xuất quan trọng, bước đầu tiên là cần hình thành tư duy cải cách để những tập đoàn này trở thành đầu tàu nâng đỡ khu vực tư nhân, tạo dựng thị trường cho khu vực tư nhân trong lĩnh vực đó, với những quy định và giám sát cụ thể của Nhà nước.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo của VEPR, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có báo cáo lên Chính phủ kiến nghị không sử dụng trần lãi suất huy động.

Trước ý kiến e ngại việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ dẫn đến cuộc đua lãi suất, nhất là ở các ngân hàng, ông Nghĩa nói phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân vì sao các ngân hàng tăng lãi suất, nếu không sẽ là nói oan cho họ. Bởi có một số ngân hàng có rất nhiều nguồn vốn giá rẻ như: tiền gửi kho bạc, tài khoản tiền gửi của các tập đoàn kinh tế nhà nước...

Trong khi một số ngân hàng, ngoài số tiền gửi của người dân với đòi hỏi về lãi suất khá cao trong bối cảnh hiện nay, họ chỉ có thêm một vài tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, theo ông Nghĩa, trong điều hành của ngân hàng trung ương cần rót vốn đúng nơi đang có khó khăn về thanh khoản.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên