16/10/2015 10:07 GMT+7

Kiến nghị một cơ quan chuyên trách việc bồi thường nhà nước

TÂM LỤA (tamlua@tuoitre.com.vn)
TÂM LỤA (tamlua@tuoitre.com.vn)

TT - Sáng 15-10 tại TP Hải Phòng, Bộ Tư pháp và Chương trình đối tác tư pháp (JPP) tổ chức hội thảo Định hướng trong việc sửa đổi, bổ sung Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Anh Trần Văn Đỡ - một trong 7 người bị cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng gây oan sai nhận tiền bồi thường - Ảnh: Tịnh Ngọc

Báo cáo của Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp cho thấy sau hơn năm năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan nhà nước các cấp đã giải quyết xong 228 vụ việc với tổng số tiền bồi thường hơn 65,4 tỉ đồng.

Tuy nhiên, phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng cho rằng những con số nêu trên chưa phản ánh đúng thực chất tình hình cán bộ, công chức có hành vi trái pháp luật trong khi thi hành công vụ.

Nếu cứ để cơ quan có hành vi sai trái thương lượng với người bị thiệt hại là không nên. Phải có cơ quan nằm ngoài cơ quan đó thỏa thuận và chi trả tiền bồi thường cho dân

Ông HOÀNG THẾ LIÊN  (nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp)

“Vừa đá bóng vừa thổi còi”

Theo ông Trần Việt Hưng, thực tế cho thấy hiện nay rất nhiều cơ quan luôn tìm cách đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không chịu bồi thường cho người bị thiệt hại.

Sở dĩ có tình trạng nêu trên bởi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại.

Theo quy định này thì trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có thể phát sinh phân tán ở cơ quan nhà nước cả bốn cấp: trung ương, tỉnh, huyện và xã.

Đồng thời, quy định này đã dẫn đến tình trạng các cơ quan phải bồi thường không khách quan trong quá trình giải quyết, né tránh, bao che cho công chức của mình đã có hành vi sai trái.

Ông Mai Văn Thùy, chuyên viên Ban nội chính Thành ủy Hải Phòng, ví von luật quy định cơ quan nhà nước làm sai đồng thời là cơ quan phải bồi thường giống như việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” làm người dân rất ấm ức.

Riêng PGS.TS Hoàng Thế Liên (nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp) cho rằng chính quy định này là nguyên nhân làm nảy sinh rất nhiều vấn đề rối rắm trong công tác bồi thường nhà nước.

Theo ông Liên, trong công tác bồi thường nhà nước thì giữa người dân - Nhà nước phải bình đẳng.

“Nếu cứ để cơ quan có hành vi sai trái thương lượng với người bị thiệt hại là không nên. Phải có cơ quan nằm ngoài cơ quan đó thỏa thuận và chi trả tiền bồi thường cho dân. Dù là tòa án, viện kiểm sát, thi hành án hay cơ quan hành chính thì việc bồi thường đều nhân danh nhà nước.

Phát hiện sai trái thì phải bồi thường, ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm thế nào thì nội bộ nhà nước xử lý với nhau, sau đó báo cáo để dân biết. Chứ như quy định hiện nay, dân phải chờ xem ai chịu trách nhiệm bồi thường rồi mới đi kiện là không được” - ông Liên nhấn mạnh.

Để khắc phục vướng mắc nêu trên, Bộ Tư pháp đề xuất quá trình sửa luật sắp tới sẽ quy định chuyển mô hình cơ quan giải quyết bồi thường từ phân tán như hiện nay sang mô hình một cơ quan chuyên trách giải quyết bồi thường.

Cơ quan giải quyết bồi thường được tổ chức theo hai cấp gồm cơ quan ở trung ương thực hiện chức năng quản lý và giải quyết bồi thường trong một số trường hợp phức tạp, cơ quan khu vực thực hiện chức năng bồi thường trong phạm vi khu vực mình được giao.

Đề xuất này của Bộ Tư pháp được đa số đại biểu đồng tình bởi sẽ khắc phục được tình trạng “không ai muốn tự nhận mình sai”.

Nhà nước mỗi năm phạt hành chính rất nhiều, riêng phạt vi phạm giao thông mỗi năm thu 3.000 tỉ đồng. Chúng ta không có lý do gì dân sai thì phạt của dân, Nhà nước sai lại cứ viện cớ không có tiền để trả

Ông PHẠM XUÂN THƯỜNG  (trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình)

Thành lập quỹ bồi thường

Nhiều đại biểu nhận định bên cạnh ý thức trách nhiệm của cơ quan nhà nước thì việc chậm trễ trong công tác bồi thường còn do trình tự, thủ tục cấp phát kinh phí chi trả bồi thường có nhiều bất cập.

Luật hiện hành quy định kinh phí bồi thường nhà nước tập trung ở hai cấp ngân sách là trung ương (Bộ Tài chính) và địa phương (sở tài chính) mà không được cấp theo dự toán của cơ quan phải bồi thường.

Theo đó, khi có vụ việc phải bồi thường thì hồ sơ yêu cầu cấp kinh phí được chuyển qua một loạt bộ phận tài chính cấp cục, cấp tỉnh, cấp bộ... Tuy nhiên đến nay chỉ có một vụ việc được thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời hạn thẩm định, cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường.

Lý do vì pháp luật quy định thời hạn cấp phát kinh phí là rất ngắn, kinh phí bồi thường khi được cơ quan tài chính có thẩm quyền chấp thuận thì lại không được tiến hành chi trả ngay cho người bị thiệt hại mà được trả về cơ quan có trách nhiệm bồi thường, sau đó cơ quan này mới trả cho dân.

Từ vướng mắc nêu trên, Bộ Tư pháp đề xuất thành lập quỹ bồi thường nhà nước từ việc trích một phần tiền xử lý vi phạm hành chính, thu tiền hoàn trả của người thi hành công vụ và từ ngân sách nhà nước.

Cơ quan được phân công giải quyết bồi thường sẽ quản lý, chi trả và quyết đoán quỹ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Hằng năm cơ quan tài chính, Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám sát theo quy định của pháp luật. Căn cứ hồ sơ, kết quả giải quyết bồi thường, cơ quan quản lý quỹ bồi thường chịu trách nhiệm thực hiện chi trả tiền bồi thường.

Đồng tình với phương án này, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phạm Xuân Thường cho rằng nên nghiên cứu và giao cho một cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong tất cả lĩnh vực.

“Nhà nước mỗi năm phạt hành chính rất nhiều, riêng phạt vi phạm giao thông mỗi năm thu 3.000 tỉ đồng. Chúng ta không có lý do gì dân sai thì phạt của dân, Nhà nước sai lại cứ viện cớ không có tiền để trả” - ông Thường nói.

TÂM LỤA (tamlua@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên