15/10/2011 07:50 GMT+7

Kiến nghị đổi "tướng" trong phòng chống tham nhũng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chiều 14-10, trong phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2011, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh kiến nghị thí điểm việc để bí thư, chủ tịch HĐND các tỉnh thành trực thuộc trung ương làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thay vì chủ tịch UBND như quy định hiện hành.

Luật chưa cho phép

Đề xuất “xếp hạng tham nhũng” các tập đoàn, Tổng công ty 91

Người dân đang có tâm lý chấp nhận tham nhũng, sống chung với tham nhũng và bộ phận bị tác động nhiều nhất là những người nghèo, người yếu thế, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết tại hội thảo dự thảo chiến lược truyền thông về phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 14-10 tại Hà Nội.

Theo ông Trần Ngọc Tiếp - phó chánh thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông, thông tin về tham nhũng cần được công khai minh bạch, phải có giải pháp cụ thể bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Ông Tiếp cũng đề xuất hiện nay dư luận nêu tham nhũng, tiêu cực trong các tập đoàn, Tổng công ty 91 nên có thể Thanh tra Chính phủ cần thực hiện “xếp hạng tham nhũng” tại các tập đoàn, tổng công ty này để nâng cao trách nhiệm, vai trò phòng chống tham nhũng.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hỏi: “Đề xuất thí điểm như trên trái với quy định của luật, các đồng chí đã thảo luận trong Chính phủ và xin ý kiến cấp có thẩm quyền chưa?”.

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời: “Theo luật, chủ tịch UBND cấp tỉnh là trưởng ban chỉ đạo, nhưng qua khảo sát thì khoảng một nửa số tỉnh thành đề nghị trưởng ban phải là bí thư hoặc chủ tịch HĐND để tách hẳn ra khỏi công tác quản lý điều hành ở địa phương. Vấn đề này cũng đã thảo luận ở thường trực Chính phủ, ở Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, sau đó chúng tôi xin ý kiến Ban Bí thư thì đồng chí Trương Tấn Sang (lúc đó là thường trực Ban Bí thư) kết luận là báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chủ trương cho thí điểm rồi tiến hành tổng kết”.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đọc báo cáo của Chính phủ không thấy đánh giá bộ máy chỉ đạo hoạt động thế nào, có tốt không, đã đúng luật chưa? Phương hướng hoạt động cũng không nêu. Bây giờ kiến nghị bí thư, chủ tịch HĐND mà không nêu căn cứ gì thì rất khó để Quốc hội quyết.

“Chắc gì tổ chức như hiện tại đã xấu, mà chắc gì bí thư làm đã tốt. Cần đánh giá rõ xem hiện nay nó thế nào, thiếu cái gì, làm sao cho nó tốt hơn” - ông Hùng yêu cầu. Và Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu năm 2012 tổng kết năm năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng thì mới tính đến việc đổi “tướng” như kiến nghị của Chính phủ.

Tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi

Vẫn như nhiều năm nay, báo cáo của Chính phủ cho thấy rõ quyết tâm phòng chống tham nhũng cũng như việc hoàn thiện thể chế trong công tác này nhưng “tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi”. Tổng thanh tra Chính phủ cho biết từ ngày 1-10-2010 đến 30-7-2011, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 183 vụ án với 349 bị can về các tội thuộc nhóm tội tham nhũng; viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 194 vụ với 391 bị can. Từ tháng 8-2010 đến tháng 7-2011, thiệt hại do tham nhũng gây ra khoảng 11.400 tỉ đồng, đã thu nộp ngân sách 300 tỉ đồng. Theo ông Tranh, các biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, đến nay vẫn chưa quy định một số biện pháp đặc biệt trong điều tra hành vi tham nhũng; chưa quy định nghĩa vụ phải chứng minh khối lượng tài sản tăng lên bất thường đối với những người có chức vụ, quyền hạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng thiệt hại do tham nhũng gây ra tới 11.400 tỉ đồng nhưng thu được có 300 tỉ (2,6%) là quá ít. Có vụ án khởi tố nhiều năm nhưng rồi lại đình chỉ vì đã khắc phục hậu quả, có vụ khởi tố nhiều năm rồi đình chỉ do hết thời hạn nhưng chưa xác minh được thiệt hại. Dư luận nói rằng trộm cắp một vài triệu thì xử lý triệt để, nhưng tham nhũng nhiều tỉ đồng, hàng trăm hecta đất thì có vụ chỉ rút kinh nghiệm là xong.

“Báo cáo chưa vẽ ra được bức tranh phòng chống tham nhũng thế nào. Bỏ rất nhiều công sức để phòng chống tham nhũng nhưng tình hình chuyển biến rất chậm và kết quả chưa rõ nét. Các biện pháp thực hiện thì hiệu quả chưa cao” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét.

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Các đồng chí viết là tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Nhưng đẩy lùi, ngăn chặn là mục tiêu đến năm nào? Sang năm có ngăn chặn được không? Rất nghiêm trọng thì sang năm có đỡ nghiêm trọng không? Cần phải đưa ra kế hoạch hành động thì tính chiến đấu của báo cáo mới rõ”.

“Nhức nhối”

Bức xúc không kém nạn tham nhũng, Ủy ban Tài chính - ngân sách đã dùng từ “nhức nhối” để chỉ tình trạng thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển. Đó là việc triển khai quá nhiều dự án, công trình với tổng mức đầu tư lớn, trong điều kiện ngân sách có hạn dẫn đến phải chuyển nguồn, kéo dài thời gian thi công; nhiều dự án, công trình khác đã hoàn thành nhưng phải tạm dừng việc mua sắm, trang bị nên chậm phát huy hiệu quả, nhất là với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế; công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, kỹ thuật và dự toán còn nhiều sai sót, không sát thực tế, phải thay đổi biện pháp thi công hoặc không phù hợp với nhu cầu sử dụng, làm tăng tổng mức đầu tư hoặc phá đi làm lại.

Năm 2012 giám sát lĩnh vực đất đai

Bàn về chương trình giám sát năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội thực hiện giám sát tối cao hai trong ba vấn đề sau: việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên