15/05/2012 18:04 GMT+7

Kiến làm "vệ sĩ" cho cây nắp ấm

THIÊN NHIÊN
THIÊN NHIÊN

TTO - Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện trường hợp cộng sinh độc đáo giữa côn trùng và thực vật ăn thịt tại khu đầm lầy than bùn nghèo dinh dưỡng ở đảo Borneo, đó là kiến Camponotus schmitzi và cây nắp ấm Nepenthes bicalcarata.

vBhJ5SXU.jpgPhóng to
Cây nắp ấm Nepenthes bicalcarata - Ảnh: Vincent Bazile/Live Science

Theo đó, kiến sẽ hết mình làm “vệ sĩ ” cho cây nắp ấm, ngược lại chúng được hưởng lợi dịch mật được tiết ra trong bình nắp ấm và các chất dinh dưỡng từ xác con mồi còn lại trong bình này, trích thông tin trên tạp chí khoa học Mỹ Live Science.

Kiến làm “vệ sĩ” cho cây nắp ấm như thế nào? Chúng làm sạch vành miệng nắp ấm, tạo cho vành luôn trơn trượt để dễ “bẫy” con mồi, tấn công những bọ cánh cứng nhỏ chuyên cắn và phá hoại cây nắp ấm. Ngoài ra, phân và nước thải của kiến còn được xem là những chất dinh dưỡng cho cây.

Một đàn kiến “vệ sĩ” Camponotus schmitzi còn biết hợp sức kéo xác con mồi lớn ra khỏi chiếc bình nắp ấm và sau đó sẽ “xử lý” xác này. Những xác con mồi này cung cấp chất dinh dưỡng cho kiến, ngược lại nếu không có những đồng minh kiến, những xác này sẽ bị thối rửa dưới đáy bình.

Gj1fBm1P.jpgPhóng to
Đàn kiến Camponotus schmitzi đang cố gắng kéo xác con mồi ra khỏi bình nắp ấm - Ảnh: Vincent Bazile/Live Science

Theo scienceray.com, kiến Camponotus schmitzi xứng đáng được gọi là côn trùng táo bạo nhất, có thể tồn tại ở môi trường sống nguy hiểm nhất - dưới vành miệng của chiếc bình tiêu hóa của cây nắp ấm Nepenthes bicalcarata, bởi các loài côn trùng khác, kể cả chim và động vật có vú nhỏ, có thể “mất mạng” ngay sau khi bị trượt xuống đáy bình và bị tiêu hóa thành dịch lỏng nơi đây.

“Những con kiến sống cộng sinh này rất quan trọng cho sự tồn tại của cây nắp ấm” - nhà sinh thái học Vincent Bazile, tác giả nghiên cứu, làm việc tại ĐH Montpellier 2 (Pháp) nói trên Live Science.

okiChqo0.jpgPhóng to

Kiến chúa Camponotus schmitzi - Ảnh: Vincent Bazile/Live Science

Kết quả các nghiên cứu thực hiện ở trường hợp cộng sinh kiến - cây nắp ấm cho thấy, nhờ kiến “bón phân” cho cây và xua đuổi bọ cánh cứng nhai chồi bình nắp ấm mới nhú lên nên cây có nhiều lá và nhiều chiếc bình nắp ấm, đồng thời lá và chiếc bình nắp ấp cũng to hơn bình thường.

Những chú kiến “vệ sĩ” này có thể giải thích lý do tại sao cây nắp ấm Nepenthes bicalcarata có vòng đời sinh sống “thọ” và tăng trưởng chiều cao đặc biệt - đến 20m so với các loài cây nắm ấm khác cùng chi Nepenthes, trích kết luận của nhà sinh thái học Laurence Gaume, đồng tác giả nghiên cứu tại ĐH Montpellier 2.

THIÊN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên