Cuối tháng 12-2020, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện nhiều vụ hàng lậu gồm váy, áo, túi xách, giày, dép... được vận chuyển xe khách để tuồn vào nội địa - Ảnh: Quản lý thị trường Lạng Sơn cung cấp
Nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu.
Cụ thể, đối tượng áp dụng là hàng hóa nhập khẩu, là hàng bách hóa, hàng tiêu dùng theo loại hình nhập kinh doanh tiêu dùng có mã loại hình A11, A12.
Hải quan áp dụng tiêu chí phân luồng kiểm tra 100% thực tế đối với danh mục hàng bách hóa, hàng tiêu dùng nhập khẩu có rủi ro cao trên cơ sở kết quả đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro đối với doanh nghiệp và danh sách doanh nghiệp trọng điểm nhập khẩu hàng bách hóa, tiêu dùng có rủi ro cao từ kết quả phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm.
Cơ quan hải quan chỉ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan sau khi người khai hải quan nộp, xuất trình đầy đủ bộ hồ sơ theo quy định. Trường hợp chưa gửi các chứng từ kèm tờ khai hải quan qua hệ thống thì yêu cầu người khai hải quan gửi bổ sung trước khi kiểm tra hồ sơ hải quan.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho hay thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng việc không phải khai thông tin trước về hàng hóa để tập kết hàng hóa tại cửa khẩu biên giới đường bộ chờ vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa.
Năm 2020, cơ quan hải quan phát hiện gần 17.000 vụ vi phạm pháp luật về hải quan, khởi tố gần 47 vụ. Điển hình nhóm buôn bán vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới. Ma túy không đi qua đường mòn lối mở vào Việt Nam mà đi tất cả các khu vực cửa khẩu từ đường biển, đường bộ, đường hàng không.
Hơn nữa, do kiểm soát chặt ở các đường mòn lối mở để ngăn chặn nhập cảnh trái phép, hàng hóa vi phạm ngang nhiên đi qua cửa khẩu chính.
Thực tế, cơ quan hải quan đã phát hiện và bắt giữ 100 xe hàng lậu ở khu vực cửa khẩu của tỉnh Lào Cai với khoảng 5.000 tấn quần áo, giày dép, túi xách, hóa mỹ phẩm… xuất xứ Trung Quốc.
"Tất nhiên là việc kiểm tra sẽ theo diện rủi ro. Rất có thể một số doanh nghiệp sẽ kêu tình trạng chậm thông quan hàng hóa" - ông Cẩn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận