04/11/2014 10:37 GMT+7

Kiểm tra hai vòng với người về từ vùng dịch Ebola

LAN ANH
LAN ANH

TT - Nếu người về từ vùng có dịch Ebola khi qua cửa khẩu không sốt nhưng ra ngoài cộng đồng bị sốt thì nguy cơ Ebola sẽ lây lan nếu người này bị nhiễm Ebola?

Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, ngày 1-11 Bệnh viện Ðà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân Chu Văn Chung - người về từ vùng có dịch Ebola - nhưng khi qua sân bay Tân Sơn Nhất máy đo thân nhiệt không ghi nhận bệnh nhân sốt. Sau đó bệnh nhân này sốt và được kết luận bệnh sốt rét.

Thông tin này khiến dư luận đặt vấn đề nếu người về từ vùng có dịch Ebola khi qua cửa khẩu không sốt nhưng ra ngoài cộng đồng bị sốt thì nguy cơ Ebola sẽ lây lan nếu người này bị nhiễm Ebola.

Khi người qua máy không sốt

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam đào tạo kỹ thuật viên xét nghiệm Ebola

Chương trình này do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, với các giảng viên đến từ Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, Viện Y học nhiệt đới, ĐH Nagasaki và Tổ chức Y tế thế giới.

Trong khóa học kéo dài một tuần, bảy kỹ thuật viên xét nghiệm của bốn viện, Bệnh viện Vệ sinh dịch tễ và nhiệt đới lớn nhất VN sẽ được đào tạo kiến thức xét nghiệm chẩn đoán virút Ebola, chuẩn bị cho kịch bản Ebola xâm nhập VN.

L.ANH

Hiện tại, theo cơ quan chức năng, các cửa khẩu chính cả đường bộ và hàng không đều đã có máy đo thân nhiệt từ xa.

Nguyên tắc hoạt động của máy là “soi” người đi qua máy và có chỉ điểm bằng màu khi có người bị sốt, khi đó cán bộ kiểm dịch sẽ phát hiện và giám sát hành khách có bất thường.

Tuy nhiên, điều khó khăn là với những hành khách không sốt thì kiểm soát bằng cách nào?

Trong trường hợp máy không phát hiện được, hệ thống kiểm dịch y tế có thể để lọt người bệnh trong giai đoạn ủ bệnh vào nội địa, như trường hợp anh Chu Văn Chung đã đi trót lọt qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, nghỉ khách sạn gần sân bay trước khi bay tiếp ra Ðà Nẵng và phải vào viện ngay sau khi đến Ðà Nẵng một ngày.

Theo ông Trần Ðắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), “Người nhập cảnh đi trót lọt qua máy soi nhiệt độ có thể báo cho cơ quan y tế địa phương nếu thấy có bất thường về sức khỏe”.

Nhưng như vậy rõ ràng có nguy cơ lây lan khi người bệnh di chuyển trên các phương tiện giao thông.

Sẽ giám sát 21 ngày

Trước nguy cơ kể trên, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3-11, đại diện Bộ Y tế cho biết dự kiến Bộ Y tế sẽ có ngay công văn gửi Bộ Công an, đề nghị sau khi người nhập cảnh đi qua máy soi thân nhiệt (không phát hiện có sốt) đi vào khu vực làm thủ tục nhập cảnh, công an cửa khẩu sẽ xem lại hộ chiếu và gửi tất cả hành khách từ vùng có dịch Ebola, từng đi/đến vùng dịch Ebola chưa qua 21 ngày quay lại kiểm dịch y tế cửa khẩu kiểm tra lại lần hai.

Lúc này nhân viên y tế sẽ kiểm tra, thăm khám kỹ sức khỏe, kể cả người khỏe mạnh không phát hiện bệnh lý trong cuộc kiểm tra lần hai này cũng được cơ quan y tế địa phương giám sát trong 21 ngày tính từ khi nhập cảnh.

Kể từ khi vụ dịch Ebola nổi lên đến giữa tháng 10 vừa qua, ông Trần Ðắc Phu cho biết có 270 người từ vùng dịch Ebola nhập cảnh VN.

Trong đó, chủ yếu vào VN qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, một số ít còn lại về VN qua cửa khẩu Nội Bài và cảng Vũng Tàu.

Từ giữa tháng 10 đến nay, hãn hữu mới có người từ vùng dịch về VN, chủ yếu là người lao động VN về nước, còn công dân Liberia, Nigeria, Guinea và Sierra Leone đến VN chủ yếu là các nhà ngoại giao.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là cơ quan quản lý lao động ngoài nước hiện chưa thống kê chính xác được số người lao động VN đang làm việc ở bốn quốc gia này, do số lao động đi theo diện tự do (tương tự anh Chu Văn Chung) chưa kiểm soát được.

Bệnh nhân Chu Văn Chung kể chuyện về từ vùng dịch Ebola - Ảnh: Tr.Trung
Bệnh nhân Chu Văn Chung kể chuyện về từ vùng dịch Ebola - Ảnh: Tr.Trung

Bệnh nhân Chu Văn Chung đã tiếp xúc với người bên ngoài

Sáng 3-11, sau hai ngày bị cách ly nghiêm ngặt tại Bệnh viện Ðà Nẵng, bệnh nhân Chu Văn Chung đã được tiếp xúc với người bên ngoài. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, đi lại bình thường.

Trao đổi với các phóng viên, anh Chung cho biết anh qua làm cho một hiệu ảnh tại thủ đô Conakry (Guinea) từ đầu năm 2013. Ðầu năm 2014, ở nước này anh nghe rất nhiều thông tin về dịch Ebola nhưng tại thủ đô nơi anh sống vẫn là vùng an toàn. Nơi xảy ra dịch bệnh chủ yếu là ở các làng hẻo lánh giáp biên giới giữa ba nước: Liberia - Sierra Leone - Guinea.

Theo anh Chung, do máy bay bị delay nhiều chặng nên phải mất năm ngày, anh và một người bạn cùng công ty mới về tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào ngày 30-10.

“Từ Guinea, trước khi xuất cảnh lên máy bay qua các nước Morocco, Qatar tôi đều được y tế sân bay dùng súng bắn nhiệt kiểm tra để đo thân nhiệt. Tại sân bay ở Qatar, việc kiểm tra cũng được tiến hành rất kỹ vì nước này là nơi quá cảnh của khu vực Tây Phi đi các nơi.

Về sân bay Tân Sơn Nhất thì y tế ở đây cũng kiểm tra nhiệt độ và hành trình đi của tôi, nhưng lúc đó thân nhiệt tôi chưa nóng nên không phát hiện được” - anh Chung cho biết.

Theo anh Chung, hiện nay người Việt tại Guinea còn khoảng 30-40 người, chủ yếu làm nghề thủy sản.

Phần anh, khi nào được xuất viện sẽ về quê làm ăn chứ không trở lại Guinea nữa. Theo các bác sĩ, hiện nay tình trạng sốt rét của anh Chung đã hạ xuống mức độ 1+ và có thể bình phục trong tuần này.

TRƯỜNG TRUNG

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên