Run tay, cử động chậm chạp, rối loạn thăng bằng là các triệu chứng điển hình của căn bệnh Parkinson.
Bệnh diễn tiến nặng dần theo thời gian. Tại Việt Nam, hiện có những phương pháp nào điều trị căn bệnh này?
Ông M.H.L. bị run tay lúc ông chưa đến 40 tuổi. Sau đó, ông đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson. Ông phải dùng thuốc hơn 20 năm qua. Khoảng 15 năm nay, bệnh trở nặng gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.
Đàn hát, sinh hoạt bình thường trở lại
Trong thời gian điều trị bằng thuốc, cứ 2 giờ ông L. phải uống thuốc một lần nhưng triệu chứng cải thiện không nhiều, chưa kể ông gặp nhiều tác dụng phụ của thuốc. Người thân của ông phải hỗ trợ ông hoàn toàn trong sinh hoạt hằng ngày.
Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trường hợp của ông được hội chẩn nhiều lần bởi các chuyên gia về nội thần kinh, ngoại thần kinh. TS.BS Phạm Anh Tuấn - trưởng bộ môn ngoại thần kinh Trường đại học Y dược TP.HCM, trưởng khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cùng êkip các bác sĩ của bệnh viện đã quyết định phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho ông.
'Hai vi điện cực được đưa vào các nhân não ở sâu và kết nối với một máy kích thích để điều chỉnh các triệu chứng của bệnh. Giống như máy tạo nhịp tim, khi kích thích, dòng điện sẽ theo dây dẫn vào điện cực, tác động vào nhân não. Sau mổ, các triệu chứng run, chậm chạp và cứng đờ của bệnh nhân đã cải thiện rất tốt' - TS.BS Anh Tuấn cho biết.
Sau phẫu thuật, ông L. đã trở lại cuộc sống bình thường. Ông có thể thực hiện lại các hoạt động hằng ngày, có thể ôm cháu nội... và đặc biệt có thể đàn và hát. Ông từng rất say mê đàn hát, những năm mắc căn bệnh này ông tưởng sẽ không thể nào đàn hát thêm một lần nào nữa.
TS.BS Phạm Anh Tuấn và TS.BS Trần Ngọc Tài chia sẻ về các liệu pháp ít xâm lấn trong điều trị bệnh Parkinson.
TS.BS Trần Ngọc Tài, phó khoa nội thần kinh, trưởng đơn vị rối loạn vận động Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển. Tiến triển tức là bệnh ngày càng nặng dần, còn thoái hóa tức là khi tế bào trong não bị teo đi. Trong não có rất nhiều loại tế bào, trong đó có một nhóm gọi là tế bào sản xuất chất dopamine.
Trong bệnh Parkinson, tế bào sản xuất chất này sẽ bị teo đi và hậu quả là nó sẽ giảm chất dopamine ở trong não. Chất dopamine là một trong những chất quan trọng làm cho con người vận động một cách nhẹ nhàng, nhịp nhàng giống như một người bình thường.
Thiếu chất này sẽ làm con người trở lên chậm chạp, đi lại khó khăn, ngoài ra còn xuất hiện những triệu chứng của run. Như vậy, trong bệnh Parkinson do sự thoái hóa não, teo não nó giảm chất dopamine mà người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng kinh điển như chậm (đi chậm), run, đặc biệt khi nghỉ ngơi vẫn run, ngoài ra còn có những triệu chứng khác như đơ cứng, phản xạ, tư thế khó khăn, dễ bị té ngã.
TS.BS Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh giai đoạn khởi đầu bệnh Parkinson có những triệu chứng thể hiện kín đáo nên đôi khi dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Triệu chứng kinh điển thường thấy là người bệnh sẽ bị chậm vận động, đơ cứng, có dáng đi chậm lại, có tư thế nghiêng về một bên, nghiêng về phía trước... Còn triệu chứng run thì không phải tất cả người bệnh đều có. Còn những dấu hiệu kín đáo, sớm hơn là người bệnh sẽ cảm thấy chữ viết của mình không còn mềm mại như trước, khó ký tên. Có những bệnh nhân có triệu chứng khởi đầu là cứng cơ, cứng vùng cơ vai xuống tay đã được chẩn đoán nhầm thành bệnh thoái hóa cột sống cổ, thoát vị cột sống cổ...
Phương pháp ít xâm lấn
Theo TS.BS Phạm Anh Tuấn, hiện chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh Parkinson. Những bệnh nhân Parkinson lúc đầu sẽ được điều trị bằng thuốc, đến khi bệnh nhân không còn đáp ứng với thuốc nữa hoặc có biến chứng của việc dùng thuốc thì lúc này sẽ có những biện pháp khác hỗ trợ cùng với thuốc để kiểm soát triệu chứng của bệnh nhân, giúp bệnh nhân cải thiện được chất lượng cuộc sống. Tại Việt Nam, bên cạnh phương pháp điều trị bằng thuốc, có một phương pháp nổi trội để điều trị bệnh Parkinson ở giai đoạn tiến triển là phẫu thuật kích thích não sâu.
Theo TS.BS Anh Tuấn, phẫu thuật kích thích não sâu hỗ trợ cải thiện các triệu chứng run, chậm chạp và cứng đờ của bệnh nhân.
Tại khu vực phía Nam, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM là đơn vị đầu tiên của Việt Nam thực hiện kỹ thuật này, sau đó Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng triển khai thực hiện kỹ thuật này. Năm 2012, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương bắt đầu đặt điện cực não cho 2 bệnh nhân Parkinson không còn đáp ứng với trị liệu bằng thuốc, với sự giúp đỡ của bác sĩ phẫu thuật thần kinh Pháp.
Các bệnh nhân Parkinson được giảm liều thuốc 60 - 80% và quan trọng là các biến chứng vận động hay loạn động ở giai đoạn tiến triển của bệnh giảm hẳn. Còn bệnh nhân loạn trương lực và bệnh run cũng cải thiện rất tốt. Việc điều chỉnh và theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật hoàn toàn do các bác sĩ thần kinh của bệnh viện thực hiện.
TS Ngọc Tài lưu ý, những năm gần đây có nhiều người trẻ tuổi nhận ra triệu chứng sớm, đi khám bệnh và được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson. Theo thống kê, có từ 5-10% bệnh nhân Parkinson khởi phát bệnh trước 40 tuổi. Người trẻ là một lực lượng lao động trong gia đình, nên khi mắc rất quan tâm đến bệnh này.
'Những người trẻ khi mắc bệnh này cần giữ tinh thần tốt, phải lạc quan yêu đời. Nên tìm hiểu Parkinson bằng nhiều cách như tự tìm hiểu, tạo ra một nhóm người bệnh để chia sẻ về bệnh, tập thể dục đều, có một bác sĩ chuyên ngành để tư vấn lúc cần đến... Tìm hiểu về căn bệnh này giúp người trẻ càng hiểu về bệnh, càng tự tin khi hiểu rằng hoàn toàn có thể kiểm soát được căn bệnh này. Những người được phát hiện bệnh Parkinson ở độ tuổi 30-40 vẫn có thể sống 30-40 năm nữa', TS Ngọc Tài khuyên.
Theo các bác sĩ, khi thấy những dấu hiệu như dạo gần đây đi lại chậm, đi khó khăn, loạng choạng mà không bị đau nhức khớp hoặc có triệu chứng run thì người bệnh nên đi khám sớm để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận