![]() ![]() |
Người viết kịch bản các phim như Mãi theo bóng em (trái), Bao la tình mẹ và nhiều phim khác đều... đổ xô khai thác đề tài đi tìm con ruột bị thất lạc - Ảnh tư liệu |
Tất cả những phim vừa kể cùng nhiều bộ phim truyền hình dài tập nữa có kịch bản chỉ xoay quanh chủ đề “con nuôi - tìm con ruột thất lạc - tranh giành gia tài”!
Hơn một năm trở lại đây, khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam đã bị bội thực bởi những bộ phim có cùng kịch bản trên. Người xem chỉ cần xem vài tập đầu là đoán được nội dung tập sau, đoán luôn ai là con nuôi, ai là con ruột. Thậm chí đoán đúng cả kết thúc phim. Nhưng không phải khán giả tài giỏi gì, mà đơn giản là kịch bản các phim có quá nhiều điểm giống nhau.
Với các phim này, cũng không thể nói là kịch bản không hay. Nếu ai đó chỉ xem một bộ thôi thì thậm chí sẽ khóc vì những khổ cực mà nhân vật chính phải gánh chịu (thường là sự đau khổ dằn vặt mà người mẹ phải trải qua trong thời gian mất con, sự cực khổ mà người con thất lạc gặp phải...). Rồi phẫn nộ vì những nhân vật phản diện bất chấp thủ đoạn (thường là tranh giành gia tài). Và vui mừng khi gia đình đoàn viên. Nhưng nếu là “fan của phim Việt”, theo dõi phim này sang phim khác, lúc đầu bạn sẽ ngỡ như mình đã xem phim này ở đâu đó, nhưng về sau bạn sẽ ồ lên: “Làm sao lại có hai phim giống nhau thế, giống từ kịch bản đến diễn viên”!?
Như diễn viên Hoàng Trinh, có đến ba bộ phim vào vai người mẹ mất con (phim Mãi theo bóng em, Thời gian để yêu, Bao la tình mẹ). Vẫn biết rằng diễn viên diễn xuất tốt thì đạo diễn mời tham gia, nhưng lẽ thường sự trùng lặp sẽ mang lại cảm giác chán. Nếu ai đó vô tình xem diễn viên Hoàng Trinh trong phim Bao la tình mẹ, rồi xem bà diễn một tập ở Thời gian để yêu thì rất khó để không nhầm hai phim là một. Diễn viên không đổi, hoàn cảnh không đổi, giọng nói và tâm trạng cũng không đổi. Ai dám chắc khán giả sẽ không chuyển kênh?
Hoặc như phim Tiếng tơ đồng và phim Bao la tình mẹ có chung kịch bản là người con trai thất lạc ở quê, lên thành phố học rồi tự xin việc. Cô con gái của mẹ anh ta với người chồng sau vô tình gặp rồi yêu anh ta mà không biết. Cứ cho là ngoài đời có nhiều câu chuyện giống nhau đi, nhưng khi vừa xem phim này xong đến xem phim kia cũng như thế, người xem ắt phải đặt câu hỏi: Hai phim có kịch bản giống nhau, diễn viên giống nhau, tình tiết y chang... vậy là trùng hợp, là “ăn cắp ý tưởng” hay chỉ đơn giản là ý tưởng đang cạn kiệt?
Việc xã hội hóa truyền hình đã giúp khán giả có cơ hội tiếp xúc với hàng chục kênh truyền hình, tương ứng với đó là khoảng chừng ấy bộ phim chiếu hằng ngày trên tivi. Các nhà sản xuất cũng được tiếp cận với những phương thức làm phim tiên tiến nhất và đội ngũ diễn viên hùng hậu. Những tưởng với điều kiện như thế thì khán giả sẽ được xem những bộ phim hay với kịch bản phong phú. Nhưng nhiều người đã phải chuyển kênh xem phim nước ngoài vào “giờ vàng” chỉ vì chán kịch bản. Sau môtip con nuôi - con đẻ, các nhà làm phim có tìm ra “công thức” nào mới cho kịch bản là điều khán giả đang... tò mò.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận