01/07/2018 11:28 GMT+7

Khuyến khích 'nhường ghế' có khả thi không?

H.KHÁ - Đ.CƯỜNG - M.HOA - Đ.BÌNH - L.THANH  thực hiện
H.KHÁ - Đ.CƯỜNG - M.HOA - Đ.BÌNH - L.THANH thực hiện

TTO - Một số địa phương có chính sách khuyến khích lao động cao tuổi, không đủ sức khỏe và năng lực nghỉ hưu trước tuổi để tinh giản biên chế, tạo điều kiện cho lớp trẻ có cơ hội tiếp cận công việc. Chính sách này đang được đón nhận ra sao?

Khuyến khích nhường ghế có khả thi không? - Ảnh 1.

Cần phải tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Trong ảnh: làm thủ tục tại bộ phận một cửa Trung tâm hành chính Đà Nẵng - Ảnh: T.LỰC

35.767 tỉ đồng là số tiền chi để cải cách tiền lương và tinh giản biên chế trong năm nay, theo dự toán ngân sách năm 2018. Trong đó ngân sách trung ương là 9.400 tỉ đồng, ngân sách địa phương 26.367 tỉ đồng.

Mới nhất, Sở Nội vụ Đà Nẵng dự thảo chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để "nhường chỗ" cho cán bộ trẻ. Dự kiến nghị quyết này sẽ trình tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vào ngày 9-7.

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến khác nhau của các cơ quan chức năng và các chuyên gia về vấn đề này.

Ông Võ Ngọc Đồng (giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng): Cơ hội cho cán bộ trẻ

vo-ngoc-dong-anh-100-8read-only-15304132834891826221832

Để hình thành được chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm rất kỹ.

Trước đó, sở đã phát phiếu khảo sát khoảng 300 trường hợp nằm trong độ tuổi, đảm bảo theo các tiêu chí thụ hưởng chính sách hỗ trợ trên và đa số họ ủng hộ chủ trương của TP.

Sau đó, sở đã tổ chức lấy ý kiến của bảo hiểm xã hội, các sở ngành liên quan cho ý kiến, thẩm định để đảm bảo chính sách này vừa tạo được sự ủng hộ của cán bộ, công chức toàn TP và đúng quy định pháp luật hiện hành.

Chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để sớm bổ nhiệm cán bộ trẻ có năng lực vào các vị trí chủ chốt.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ được áp dụng rất chặt chẽ, có định hướng rõ ràng chứ không phải ai muốn xin nghỉ để hưởng chính sách cũng được.

Lãnh đạo Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính: Thực hiện sớm, tiền địa phương phải tự lo

Bộ Tài chính ủng hộ chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính cho những người về hưu trước tuổi. Được biết Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ nghị định về tinh giản biên chế, trong đó có nội dung xử lý tài chính cho người nghỉ hưu trước tuổi. Các địa phương có thể đẩy nhanh hơn lộ trình và mở rộng hơn đối tượng.

Tuy nhiên, muốn thực hiện việc này địa phương phải dùng ngân sách trung ương để chi trả toàn bộ. Ngân sách trung ương không hỗ trợ việc này. Bởi theo quyết định 46 về định mức chi thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp địa phương ban hành thêm chính sách chi thì phải căn cứ vào khả năng cân đối nguồn của mình.

Trước khi thực hiện phương án hỗ trợ tài chính cho cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, các địa phương phải xin ý kiến của Bộ Nội vụ, rồi Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH. Khi tiếp cận các phương án đề xuất của địa phương, các bộ sẽ nghiên cứu, tham gia để chính sách đưa ra phù hợp nhất, đảm bảo hài hòa công bằng quyền lợi giữa người về hưu trước và về hưu sau.

Ông Trương Văn Lắm (giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM): Đẩy nhanh lộ trình tinh giản biên chế

truong-van-lam-d4t2445-8read-only-15304135083371866600485

Việc khuyến khích cho cán bộ công chức về hưu trước tuổi đối với TP.HCM không phải là vấn đề mới đặt ra.

Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM tháng 12-2017 đã ra nghị quyết về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, nghị định số 108/2014 của Chính phủ.

Chính sách này ngoài ghi nhận sự cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của TP đối với những cán bộ tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc, sẽ góp phần đẩy mạnh tiến độ tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo lộ trình giảm 10% biên chế năm 2015 đến năm 2021.

Theo ý kiến cá nhân của tôi, trước khi có chính sách này, một số cán bộ chưa đến tuổi hưu nhưng vì điều kiện hoàn cảnh nào đó cũng có ý nghĩ muốn về trước tuổi, nhưng cũng chưa dứt khoát. Chính sách này là sự động viên về kinh tế, đồng thời cũng cho thấy chủ trương của TP.HCM khuyến khích, tạo điều kiện cho lớp trẻ, khiến họ dứt khoát hơn.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân (nguyên cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH): Tôi đồng tình

mrs nguyenthihaivan-nguyen ct cuc vieclam 6(read-only)

Việc này không phải là mới. Trước đây Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết về tinh giản biên chế, và cũng đã có những địa phương, đơn vị rất tích cực trong việc triển khai thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy.

Đây là ý tưởng tốt, cũng giống như việc luân chuyển cán bộ, nhưng quan trọng là triển khai, thực hiện ý tưởng này như thế nào. Liệu đây sẽ là cơ hội để "đẩy đuổi" nhau về hay không?

Nhưng đây là chính sách khuyến khích, nên cán bộ, công chức hoàn toàn được chủ động. Cái chính là liệu họ có muốn về nghỉ hưu trước tuổi?

Tôi ủng hộ và đồng tình với chủ trương này. Chắc chắn khi thực hiện, cơ quan chuyên môn sẽ phải có những tính toán thỏa đáng, hợp lý để người tự nguyện xin nghỉ trước tuổi sẽ được bảo đảm quyền lợi về lương hưu, bảo hiểm.

Ông Phạm Văn Chung (trưởng phòng bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Kon Tum): Cần thiết!

untitled-2-copy-15304135974021276142443

Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để bố trí cán bộ trẻ là chính sách cần thiết, đúng đắn. 

Bởi vì việc triển khai công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức nghỉ hưu sớm, thôi việc không mang lại kết quả, do họ cảm thấy bị thiệt thòi.

Hiện nay một số cán bộ, công chức lớn tuổi không còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về chuyên môn lẫn sức khỏe nhưng vẫn cố giữ "ghế", rất khó tinh giản nếu họ không tự nguyện. 

Điều này làm trì trệ công việc cơ quan, đơn vị, nhất là "cản trở", lấy mất cơ hội phát triển, cống hiến của người trẻ tuổi, người tài cho đất nước.

Một lãnh đạo Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH): Tôi sốc

Tôi sốc khi địa phương, đơn vị nào đưa ra chủ trương này. Khuyến khích cán bộ nghỉ, rồi hỗ trợ họ 100-200 triệu đồng, tiền đấy lấy ở đâu ra? Nếu lấy từ ngân sách thì thật vô lý.

Trong khi công chức, viên chức lương và thu nhập còn thấp, những cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý lại hưởng lương cao, thu nhập hơn hẳn. Giờ khuyến khích họ nghỉ, lại phải hỗ trợ họ đến 200 triệu đồng là vô lý. 

Họ, nếu có năng lực, kinh nghiệm mà không sử dụng thì rất lãng phí. Rất nhiều cơ quan, đơn vị tư nhân mong muốn những người có kinh nghiệm như vậy về làm, vì họ không phải mất công đào tạo...

Việc tinh giản biên chế là cần thiết, nhưng để tinh giản cũng phải rà soát, đánh giá rất kỹ để đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, dành chỗ cho những người trẻ đủ năng lực, giỏi giang. Tinh giản, sắp xếp bộ máy là việc cần và nên làm, là dịp để sàng lọc giữ lại người tốt, người giỏi.

Chính sách khuyến khích này nếu đưa ra phải tính toán cho kỹ cái được, cái mất, phải có tiêu chí hẳn hoi, nếu không e rằng có nhiều người giỏi thực sự nhân chính sách này xin ra ngoài để làm cho tư nhân, vừa có thu nhập cao, lại vừa được nhận hỗ trợ một khoản tiền không nhỏ. Như vậy chưa chắc đây đã là việc tốt.

Ông Nguyễn Văn Lượng (phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế, Bộ Nội vụ): Bộ Nội vụ ủng hộ chủ trương

untitled-1-copy-1530413615634643134725

Bộ Nội vụ ủng hộ chủ trương các địa phương có nghị quyết hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ trước tuổi, đảm bảo theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quan điểm của Bộ Nội vụ là các địa phương làm gì có ích cho quốc gia, cho dân tộc là ủng hộ và tạo điều kiện.

Bộ Nội vụ ủng hộ chủ trương này nhằm tạo điều kiện cho địa phương sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế theo nghị quyết trung ương.

Còn cách làm cụ thể thế nào sẽ phải phụ thuộc vào ngân sách địa phương, do HĐND quyết dựa trên việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật - mà cụ thể ở đây là căn cứ vào Luật ngân sách và nghị định hướng dẫn thực hiện Luật ngân sách của Chính phủ.

Tuy nhiên, cần lưu ý là đối với những trường hợp tinh giản biên chế đã được hưởng chế độ theo nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế và nghị định 26 quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ thì sẽ không được hưởng thêm chính sách này của địa phương.

Điều này nhằm đảm bảo công bằng và cân đối chung với những người đã được hưởng các chính sách khác kể trên trong phạm vi cả nước nói chung và ở địa phương nói riêng.

doanmaudiep-tt-bo-ld-5read-only-15304136397871324648746

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp: Chủ trương đúng, nên thực hiện

Chủ trương tinh giản biên chế là đúng, nên thực hiện.

Việc khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức là lãnh đạo, quản lý nghỉ việc trước tuổi ở các địa phương, đơn vị khi thực hiện cần phải có rà soát, đánh giá thật kỹ lưỡng dựa trên nguyện vọng của họ.

Cán bộ, công chức, viên chức là lãnh đạo, quản lý nếu tự nguyện xin nghỉ việc trước tuổi thì phải đảm bảo các chế độ cho họ theo đúng quy định của pháp luật.

NGỌC HÀ ghi

Hà Nội ban hành cơ chế "nghỉ tự nguyện"

Theo giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, từ cuối năm 2017, để đẩy mạnh tinh giản biên chế làm cơ sở cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, UBND TP Hà Nội đã hoàn thành xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích nghỉ tự nguyện, tinh giản biên chế.

Theo đó, các nhóm được dự kiến tự nguyện tinh giản biên chế gồm cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ trong một năm, năng lực hạn chế; các trưởng, phó đơn vị do sắp xếp tổ chức bộ máy đã thôi giữ chức vụ lãnh đạo, có thời gian công tác còn dưới 3 năm...

Những người trong diện tự nguyện tinh giản biên chế có thể được trợ cấp 3 tháng tiền lương đang hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Hiện cơ chế này đã được báo cáo Thủ tướng và Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét.

LÂM HOÀI

Đà Nẵng khuyến khích lãnh đạo tự nghỉ việc, hỗ trợ đến 200 triệu Đà Nẵng khuyến khích lãnh đạo tự nghỉ việc, hỗ trợ đến 200 triệu

TTO - Cán bộ xin thôi việc sẽ được hưởng chế độ chung và chế độ, chính sách hỗ trợ theo chức danh đang giữ, có vị trí lên đến 200 triệu đồng.

H.KHÁ - Đ.CƯỜNG - M.HOA - Đ.BÌNH - L.THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên