Bụi bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi qua khu vực vòng xoay An Lạc, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
“Mùi hôi thối không trực tiếp gây ra bệnh tật nhưng khiến người ta căng thẳng, bệnh tật lại từ căng thẳng, stress mà ra |
Ông DOÃN NGỌC HẢI (viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường) |
Hít bụi, ngửi mùi hôi mỗi ngày có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Đi ngủ phải đeo khẩu trang
Tại phòng khám tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thời gian qua tiếp nhận rất nhiều người đến khám bệnh hô hấp do thường xuyên phải tiếp xúc với các loại ô nhiễm.
Chị N.C.T., 43 tuổi, ngụ ở Q.2, kể với bác sĩ nhà chị nằm ngay mặt tiền đường, hằng ngày chị phải tiếp xúc liên tục với khói bụi xe tải. Hơn một tháng trước, con đường trước nhà chị nâng cấp, sửa chữa nên càng nhiều khói bụi.
Trước khi đến bệnh viện khám khoảng một tuần, chị T. bị nghẹt mũi, nhức đầu, đàm nhớt chảy từ mũi xuống họng nhiều, nhất là khi tiếp xúc với khói bụi. Chị T. được bác sĩ chẩn đoán bị phù nề, xung huyết niêm mạc hốc mũi, dịch tiết dày đặc tiết ra từ các khe mũi và sàn mũi hai bên.
Chị T. đã được điều trị bằng thuốc và được bác sĩ tư vấn các biện pháp hạn chế tác hại của khói bụi.
Bà Phạm Thị Lan, 60 tuổi, ở ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết dạo này bà phải mua thuốc về uống vì mùi hôi từ bãi rác khiến bà nhức hết cả đầu, chịu không nổi. Nhà bà ở cách bãi rác chỉ chừng 150m nên mùi càng nặng.
Từ nhiều năm nay, bà cùng con trai đã phải sống chung với mùi rác. Trước thì đỡ hơn, khi hôi khi không, nhưng dạo gần đây lúc nào cũng phải ngửi mùi hôi nồng nặc. Cả nhà bà đi ngủ phải đeo khẩu trang.
Người dân phản ảnh nhiều về việc một số khu vực bị bốc mùi hôi khủng khiếp như cụm dân cư ở khu New Saigon, Nhà Bè, mùi hôi theo người dân khi ăn lẫn khi ngủ.
Theo các bác sĩ, người dân bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối phát tán từ các bãi rác dễ gặp tình trạng khó ngủ, căng thẳng thần kinh, stress và kéo theo sau đó là nhiều loại bệnh tật phát sinh... vì mùi.
Mùi hôi ảnh hưởng gì?
BS Phan Quốc Bảo cho biết nhiều người hít phải mùi hôi có các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng. Cùng với mùi hôi đó là hàng triệu thứ khuếch tán ra ngoài không khí như virút, vi khuẩn, mầm bệnh...
Tác động đến sức khỏe do nhiễm khuẩn hay nhiễm độc còn tùy thuộc vào nguồn gốc của mùi hôi. Tác động lớn nhất của mùi hôi có lẽ là ảnh hưởng đến tâm lý.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, các chất hữu cơ trong quá trình phân giải tạo ra tổng hợp các loại khí độc hại như NH3, H2S..., những loại khí này có mùi hôi thối rất khó chịu và gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Người hít phải những loại khí này có thể bị ngộ độc với các biểu hiện thường thấy là chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn, khó thở... Mùi khó ngửi cũng tác động xấu đến các cơ quan thần kinh, hô hấp.
Có nhiều người sau một thời gian dài hít phải những khí độc có mùi hôi xuất hiện hiện tượng thích ứng, khứu giác không phát hiện ra mùi hôi đó nữa mặc dù những loại khí gây mùi vẫn còn. Điều này rất nguy hiểm vì sức khỏe vẫn bị ảnh hưởng xấu nhưng người bị tác động lại không hay biết.
Tác động ra sao?
Theo GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu, trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, những người sống, tiếp xúc với các chất ô nhiễm sẽ chịu tác động trực tiếp qua đường hô hấp gồm hô hấp trên (niêm mạc mũi họng) và hô hấp dưới (niêm mạc khí phế quản), qua kết mạc và qua da.
Không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe ngắn hạn và lâu dài. Một số cơ địa đặc biệt như cao tuổi, có bệnh hen suyễn, tim và phổi thường chịu ảnh hưởng nhiều và xấu hơn từ các tác động của ô nhiễm không khí.
Mức độ mà một cá nhân bị tổn thương do các chất ô nhiễm trong không khí sẽ phụ thuộc vào tổng số tiếp xúc của người đó với các hạt bụi và các chất hóa học, hay nói cách khác là thời gian tiếp xúc và nồng độ của các chất gây ô nhiễm gây tác động ngắn hạn và dài hạn lên sức khỏe.
Một số tác động ngắn hạn như phản ứng dị ứng (da, kết mạc, viêm dị ứng), viêm mũi và họng, lên cơn hen suyễn, viêm phế quản co thắt, viêm phổi, khó thở, đau đầu và buồn nôn.
Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn có các tác động lâu dài như các bệnh đường hô hấp mãn tính, ung thư phổi, bệnh tim mạch, tâm phế mạn, thiệt hại cho não và dây thần kinh, thiệt hại cho cơ quan nội tạng như gan, thận.
Các biện pháp bảo vệ GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu khuyến cáo một số biện pháp nhằm hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí trong môi trường bên ngoài nhà như đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi mỗi khi ra đường, hạn chế ra đường trong giờ cao điểm. Khi về nhà cần thay quần áo và tắm gội ngay. Sau đó, rửa sạch mũi với nước muối sinh lý dạng phun sương hay dạng dung dịch pha rồi bơm trực tiếp vào mũi, sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt. Để hạn chế ô nhiễm không khí trong nhà cần hạn chế mở cửa nhà, cửa sổ nếu khu vực sống gần đường sá đông đúc, gần nhà máy có thải nhiều khói bụi. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, không hút thuốc lá, không khởi động xe máy bên trong nhà. Nơi đun nấu cần thoáng khí để hạn chế khói than, khói bếp khi đun nấu thoát ra tích tụ trong nhà. Khi xuất hiện các triệu chứng như ho, khó thở, đau ngực, ho khạc đờm... người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị kịp thời. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận