Ở rất nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia tại Đắk Lắk, nạn bán thịt thú rừng công khai sát bìa rừng vẫn diễn ra - Ảnh: CTV |
Ông Đỗ Quang Tùng - giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn - giãi bày như thế trong hội nghị giao ban các khu bảo tồn, vườn quốc gia năm 2015 do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức tại Đắk Lắk. Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều lãnh đạo các vườn quốc gia, khu bảo tồn (rừng đặc dụng) trong hội nghị này.
Theo các đại biểu, diện tích rừng được giao tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn rất lớn, trách nhiệm nặng nề nhưng biên chế kiểm lâm, hỗ trợ tài chính luôn thiếu trước hụt sau nên các đơn vị mướt mồ hôi, không còn thời giờ nghĩ đến việc bảo tồn đa dạng sinh học, thiên nhiên sinh thái. Ngoài ra, các đại biểu cũng phản ảnh nhiều chính sách về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên hiện nay còn quá bất cập...
Ông Tùng nói nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị - với hơn 200 kiểm lâm - là đi ngăn chặn nạn phá rừng, lấn chiếm đất xảy ra gay gắt trong lâm phần Vườn quốc gia Yok Đôn nhiều năm gần đây. Kiểm lâm viên không còn thời giờ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Thế nhưng mỗi lần rừng bị mất, dư luận chỉ tập trung chỉ trích chủ rừng mà phần lớn gỗ, lâm sản được đưa ra tiêu thụ ngoài địa phận vườn, do các cơ quan chức năng địa phương quản lý.
Ông Tùng nói thêm không chỉ căng sức ra ngăn chặn nạn phá rừng, kiểm lâm các khu bảo tồn, vườn quốc gia cũng không được đào tạo bài bản về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
“Năm 1991 khi còn làm công tác bảo tồn, chúng tôi thực hiện dự án này để trang bị kiến thức, kỹ năng cho kiểm lâm trong việc tuần tra, bảo tồn sinh cảnh, bảo tồn thiên nhiên trong lâm phần mình quản lý. Tuy nhiên, từ đó đến nay kiểm lâm viên ở các khu rừng đặc dụng (chiếm khoảng một nửa tổng số kiểm lâm cả nước) cũng được đào tạo như những kiểm lâm viên công chức khác. Đây là lỗ hổng trong việc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên” - ông Tùng nhận định.
Ông Cao Chí Công - tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp - thừa nhận nhiều năm liền tổng cục chưa có những dự án đào tạo tổng thể trên cả nước cho các kiểm lâm viên về đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên vì kinh phí eo hẹp.
“Tuy nhiên ở một số vườn quốc gia, khu bảo tồn vẫn nhận những dự án đào tạo của các tổ chức phi chính phủ, đó là những dự án đơn lẻ. Tổng cục Lâm nghiệp sẽ nghiên cứu xem xét việc mở lại các khóa đào tạo này cho kiểm lâm các khu rừng đặc dụng” - ông Công cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận