26/06/2015 00:10 GMT+7

​Bảo tồn loài tê tê trước nguy cơ tuyệt chủng

Nguồn: UBND TP.Đà Nẵng
Nguồn: UBND TP.Đà Nẵng

Các chuyên gia, tổ chức quốc tế và đại diện 29 quốc gia trên thế giới đã cam kết thực hiện điều này tại hội nghị các nước có loài tê tê phân bố lần thứ I diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Hội nghị được tổ chức từ ngày 24 đến 26-6 nhằm đánh giá hiện trạng tê tê và cùng xây dựng kế hoạch bảo tồn tê tê - một trong những loài động vật có vú bị buôn bán trái phép lớn nhất thế giới hiện nay.

Theo các chuyên gia, tê tê có 8 loài trong họ Manidae, trong đó có 4 loài sinh sống chủ yếu ở 17 nước châu Á và 4 loài sinh sống ở 31 nước châu Phi.

Theo đánh giá mới đây của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cả 8 loài tê tê này đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó 4 loài tê tê ở châu Á được dự đoán sẽ giảm từ 50-90% trong 3 thế hệ con tê tê (tức là khoảng 21 năm), 4 loài tê tê phân bố ở châu Phi được dự báo sẽ giảm từ 30-40% trong 3 thế hệ con tê tê.

Hiện nay, tất cả các loài tê tê đều được liệt kê trong phụ lục II của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp-Công ước CITES. Trong đó, hoạt động buôn bán thương mại quốc tế các loài tê tê châu Á đã bị cấm tuyệt đối theo quy định của CITES và nhiều quốc gia đã ban hành luật nghiêm cấm việc bắt giữ, buôn bán trong nước loài động vật này.

hinh-2-1435305118.jpg

Tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép tê tê vẫn đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới do nhu cầu về thịt và vảy tê tê cao. Thịt tê tê được coi là một thực phẩm cao cấp và vảy được dùng như một thành phần trong các loại thuốc truyền thống châu Á để điều trị các loại bệnh.

Theo IUCN, ước tính có hơn 1 triệu con tê tê hoang dã đã bị săn bắt, bán đi trong hơn thập kỷ qua để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Tê tê được bán chủ yếu là tê tê sống hoặc vảy, da, thịt, tập trung chủ yếu ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Do vậy, thương mại quốc tế đang là mối đe dọa lớn đối với sự sống còn của tất cả các loài tê tê.

IUCN cho biết đang đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ loài này ở châu Á và châu Phi, hai khu vực đang bùng phát nạn buôn lậu nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường chợ đen ở khu vực châu Á.

Bà Claire Pierangelo, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhấn mạnh Hoa Kỳ tự hào được làm đối tác Việt Nam trong việc hướng các nỗ lực quốc tế vào việc bảo vệ loài tê tê.

Tuy nhiên, để ngăn chặn nạn buôn bán động thực vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, rất cần có sự nỗ lực của nhiều hơn 2 nước với những hành động mạnh tay để ngăn chặn tội phạm buôn lậu hoạt động xuyên biên giới.

Ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp tê tê không chỉ là vấn đề bảo tồn động thực vật hoang dã mà còn liên quan tới ngăn chặn các tổ chức tội phạm quốc tế sử dụng việc buôn người, ma túy và vũ khí.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm các quy định, cam kết quốc tế về bảo tồn, phát triển loài tê tê và các loài động vật hoang dã nguy cấp khác.

Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để cùng các nước, các tổ chức chung tay đối phó với các vấn nạn buôn bán, khai thác bất hợp pháp tê tê cũng như các loài động vật hoang dã có tính chất xuyên quốc gia như hiện nay.

Theo kế hoạch, trong 3 ngày, đại diện các quốc gia cùng các chuyên gia và tổ chức quốc tế sẽ thảo luận và thống nhất kế hoạch hành động chung bảo tồn loài tê tê. Mục tiêu là tăng cường hợp tác giữa các nước có tê tê phân bố, các nước nhập khẩu tê tê và các nước khác nhằm ngăn chặn sự suy giảm số lượng tê tê do vấn nạn săn trộm và buôn bán trái phép cũng như nạn khai thác quá mức để phục vụ cho các hoạt động thương mại quốc tế hiện nay. 

Nguồn: UBND TP.Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên