Phóng to |
Người dân đốn tràm sát khu bảo tồn - Ảnh: Trường Giang |
Khu bảo tồn có rừng tràm rộng hơn 100ha và vùng đệm 1.800ha được thành lập vào năm 2000 tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Đến nay tại đây đã dẫn dụ được 27 loài động vật hoang dã với hàng chục ngàn con, trong đó có năm loài quý hiếm là: giang sen, cò ngàn, điên điển, diệc xám và diệc lửa.
Không còn vùng đệm
Chim về khu bảo tồn ít hơn trước đây Theo người dân sống ở gần khu bảo tồn, gần đây họ nhìn thấy chim bay về buổi chiều và tối ít hơn một năm trước đây. Nguyên nhân có lẽ do con người đã tiến đến sát khu bảo tồn. Sự có mặt của con người hằng ngày ở đây cùng với máy móc, thậm chí đốt đồng đã khiến chim, cò sợ. Chúng tôi đến khu bảo tồn liên hệ với những người có trách nhiệm ở đây để xác minh phản ảnh của người dân về việc động vật hoang dã ở đây bỏ đi khá nhiều do không được an toàn. Tuy nhiên, những cán bộ ở đây không cho chúng tôi vào và cũng không trả lời phỏng vấn. |
Giữa tháng 1-2012, chúng tôi đến đây chứng kiến cảnh nông dân đốn tràm sát khu bảo tồn. Khoảng cách vùng đệm từ nơi người dân đang đốn tràm đến ranh đất khu bảo tồn chỉ còn khoảng 500m. Hỏi vì sao lại đốn tràm sát khu bảo tồn như vậy, một người dân nói: “Tràm của dân thì dân khai thác. Không đốn tràm bán thì lấy gì mua gạo ăn. Nếu Nhà nước muốn mua đất thì chúng tôi sẽ bán nếu thấy hợp lý”.
Ông Nguyễn Hoài Thanh, ở ấp 4, xã Thạnh Tân, cho biết trước đây cây tràm là nguồn kinh tế chính, nhưng do giá tràm quá thấp nên ông chuyển sang trồng hoa màu. Ông Thanh giải thích thêm: “Cây tràm trồng đến bảy năm mới thu hoạch, nhưng giá rất thấp. Bán tràm xong cũng chẳng mua được gì, không ai trồng tràm mà sống được, nên người dân đốn bỏ tràm để trồng hoa màu là bình thường”. Cũng vì mọi người đua nhau đốn bỏ tràm trong vùng đệm của khu bảo tồn nên hiện nay khu này nằm chơ vơ giữa đồng khóm bạt ngàn.
Chờ mua thêm đất mở rộng khu bảo tồn
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, khu bảo tồn hiện nay chỉ có hơn 100ha nên khó có thể bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học lâu dài được. Nếu khu bảo tồn này không giữ được thì mọi công sức, tiền của đổ vào 12 năm qua sẽ tan thành mây khói. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn lập dự án mở rộng diện tích khu bảo tồn bằng cách mua lại đất của dân trong vùng đệm để trồng tràm, tạo vành đai an toàn bảo vệ cho hệ sinh thái động vật, thực vật ở trung tâm.
Theo dự án đã được lập, từ nay đến năm 2015 sẽ mở rộng khu bảo tồn từ 107ha lên 250ha. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn chưa làm xong. Ông Lê Văn Hưởng, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết chủ trương mua đất là có, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch làm dự án trình UBND tỉnh phê duyệt, nhưng chờ hoài không thấy ai trình. “UBND tỉnh cũng dự định yêu cầu hai sở này báo cáo xem công việc làm tới đâu rồi. Việc này tỉnh bức xúc mà dân cũng trông chờ, cần phải làm nhanh” - ông Hưởng nói.
Song song với việc mở rộng khu bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái ngập nước độc đáo của vùng Đồng Tháp Mười, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cũng đã triển khai dự án đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch tại đây. Ông Nguyễn Tấn Phong, phó giám đốc sở, cho biết hiện đã đầu tư xong đường giao thông dẫn vào khu bảo tồn, đường nội bộ, cầu tàu nhỏ, nhà đón tiếp... Trong giai đoạn từ năm 2013-2015 sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với các hạng mục như đường nội bộ, nhà nghỉ mát, đài quan sát để du khách ngắm chim, cò ở đây. Ngoài ra, còn kết hợp với Trúc Lâm thiền viện đang được xây dựng gần khu bảo tồn (rộng tới 30ha) để mở thêm tuyến du lịch độc đáo tại vùng Đồng Tháp Mười còn hoang sơ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận