17/04/2009 08:13 GMT+7

Không xếp hàng: thói quen bỏ được!

LÊ GIANG (legiang1905@...)
LÊ GIANG (legiang1905@...)

TT - Hàng chục bạn đọc đã gửi ý kiến về tòa soạn tỏ thái độ đồng tình với nhận xét của cô sinh viên Hàn Quốc Yoon Sun Ae, tác giả bài “Sao không xếp hàng!” (Tuổi Trẻ ngày 16-4-2009). Trong đó có ý kiến của nhiều người trong cuộc…

BHIXQhJZ.jpgPhóng to
Xếp hàng ăn phở Bát Đàn ở Hà Nội - Ảnh: T.T.D.

* Ý kiến của bạn Yoon Sun Ae làm tôi nhớ về một chuyện. Cách đây một thời gian, khi tham gia một khóa học ở Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM), một bạn nữ từ nhà vệ sinh đi ra với thái độ rất ấm ức. Bạn hỏi tôi, lúc ấy đang ngồi ở ghế đá gần đó: “Sao mọi người không xếp hàng? Mình vào từ lâu rồi mà mọi người cứ chen lấn lên trước khiến mình không thể vào nổi”.

Rồi bạn kể: “Mình là du học sinh VN ở Singapore. Tại xứ người, một lần mình đang xếp hàng ở nhà vệ sinh công cộng thì thấy một nhóm nhỏ các bạn trẻ đi tới. Họ không xếp hàng theo thứ tự mà chen lên phía trước làm những người khác rất khó chịu. Lúc ấy mình chợt nhớ về những thói quen không tốt của người Việt nên nghĩ không lẽ nhóm bạn trên lại là người VN. Sau đó mình hỏi ra thì đúng là người VN thật”.

Ý kiến bạn Yoon Sun Ae còn làm tôi nhớ đến chuyện đi thang máy của sinh viên trường tôi trước đây. Trường tôi có đến 10 lầu nên ai cũng tranh giành để được đi thang máy. Sinh viên thường chen nhau lấn lướt cả thầy cô giáo, có lần thang máy báo quá tải mà chờ một lúc lâu mới có một người tự nguyện bước ra. Tôi biết hiện nay một vài trường đại học cũng bắt đầu quy định về việc xếp hàng vào thang máy. Nhưng đấy mới chỉ là cách bắt buộc.

Làm sao để sinh viên tự ý thức được việc này không chỉ trong nhà trường mà ở cả những nơi công cộng? Và không chỉ là sinh viên, Nhà nước nên tuyên truyền phổ biến lối sống văn hóa này. Chúng ta phải thay đổi một thói quen xấu để hình thành một thói quen mới văn minh hơn.

Thói quen xấu

* Tôi là người Việt nhưng cũng cảm thấy khó chịu mỗi khi đi siêu thị gặp những người vô ý thức, thích chen ngang mặc cho mọi người đang xếp hàng tại quầy tính tiền.

Tôi còn nhớ khi tôi học ở Trường tiểu học Minh Trí (một trường tỉnh lẻ ở thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), mỗi lần học sinh tan trường đều phải xếp hàng nghiêm túc và chỉ được phép ra về khi hàng lối được xếp ngay ngắn.

Chính từ cách giáo dục tốt đẹp này mà từ nhỏ đến giờ mỗi khi ra đường hay ở nơi công cộng tôi đều tuân thủ “đi đúng đường và không chen ngang”. Khác với ngày xưa, bây giờ đi ngang nhiều trường học, tôi thường bắt gặp một cảnh tượng như nhau, đó là chen lấn, xô đẩy khi học sinh vừa bước ra khỏi cổng trường, bên ngoài thì phụ huynh dừng xe không trật tự...

* Với tư cách là người trong cuộc, tôi xin cảm ơn lời góp ý chân tình của bạn Yoon Sun Ae. Tôi từng là thủ phạm trong việc không xếp hàng khi tham gia một khóa học tại một trường đại học ở Thái Lan. Vốn là khi chúng tôi vào căngtin trường để mua phần ăn buổi trưa, mặc cho sinh viên Thái và sinh viên các nước đang xếp hàng, chúng tôi cứ ùa vào... và đứng trên tất cả, ngay quầy thức ăn, như hàng trăm hàng ngàn lần chúng tôi từng làm ở VN. Chúng tôi đợi, 5 phút, 10 phút, rồi 15 phút nhưng không ai bán cho chúng tôi cả.

Chúng tôi bắt đầu xì xào thắc mắc. Nghe tiếng Thái lơ lớ của chúng tôi, người bán thức ăn nhẹ nhàng bảo: “Các em vui lòng xếp hàng”. Đến lúc ấy chúng tôi mới hiểu người ta từ chối bán thức ăn vì chúng tôi chen lấn, không chịu xếp hàng.

Sau khi được người bán thức ăn dạy cho bài học nói trên, đi đâu, làm gì chúng tôi cũng xếp hàng và sau một tháng thì chúng tôi đã trở thành những công dân lịch sự trên đất Thái. Khóa học kết thúc, chúng tôi chia tay bạn bè, thầy cô và trở về VN.

Ra sân bay, chúng tôi lại thấy hình như có hình ảnh của chính mình trong đó. Trong khi khách đang xếp ba hàng thẳng tắp để được đăng ký vào phòng chờ thì một đoàn khách du lịch VN ào ào tiến lên phía trước, bỏ lại sau lưng những ánh nhìn khó chịu. Chúng tôi thấy hổ thẹn quá và cũng không ai trong nhóm dám mở miệng nói một câu tiếng Việt…

* Tôi đang sống ở Mỹ và theo học tại một trường đại học. Ở Mỹ, bất cứ nơi nào người ta cũng xếp hàng chứ không bao giờ chen lấn. Tôi nghĩ các bạn trẻ VN đừng vì những chuyện nhỏ như chuyện xếp hàng mà để người nước ngoài xem thường mình.

Xếp hàng chỉ là chuyện nhỏ nhưng chúng ta không làm được thì bao giờ mới làm được những chuyện lớn hơn để vươn ra thế giới!

Biết xấu hổ để thay đổi

* Tôi xem qua bài báo của bạn Yoon Sun Ae và cảm thấy rất xấu hổ. Xấu hổ cho tất cả những người từng có hành vi chen lấn nơi công cộng và xấu hổ cho chính tôi vì đôi khi tôi cũng có những hành vi như vậy. Bài viết của bạn Yoon Sun Ae đã nhắc tôi về ý thức công dân trong xã hội. Tôi tin rằng một ngày gần đây VN sẽ giải quyết vấn đề này. Vì một khi mọi người biết xấu hổ thì người ta sẽ thay đổi.

* Là một Việt kiều về nước làm việc, tôi thật sự bức xúc về “văn hóa chen lấn” mọi lúc mọi nơi của người Việt mình. Cũng như bạn Yoon Sun Ae, tôi từng bị cho là “dở hơi” vì cứ để người khác coi mình là “vô hình” và đã nhiều lúc phải đánh mất mình để hòa nhập vào dòng người chen lấn, xô đẩy khi biết rằng nếu mình cứ xếp hàng sẽ chẳng bao giờ đến lượt.

Chúng ta phải thừa nhận không xếp hàng là một thói quen rất xấu của người Việt mình. Để xóa bỏ được thói quen xấu này, tất cả mọi người phải tham gia, trong đó có sự vận động của Chính phủ, các ban ngành và từng bước một nâng cao ý thức tự giác của người dân.

* Trong khi mọi người chưa có ý thức về việc xếp hàng, tôi đề nghị những người đứng xếp hàng phải lên tiếng nhắc nhở khi thấy có người chen lấn. Ngoài ra, người bán hàng, nhân viên kiểm soát, điều hành nơi công cộng nói chung nên theo dõi và nhắc nhở mọi người tuân theo nguyên tắc xếp hàng. Khi thấy có người chen lấn phải can thiệp và buộc họ xếp hàng, chờ đến lượt.

LÊ GIANG (legiang1905@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên