23/06/2011 06:14 GMT+7

Không tinh trùng vẫn có con

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Dù không có tinh trùng nhưng người đàn ông vẫn có được đứa con ruột của chính mình. Đó là cơ hội mà các nhà khoa học, các bác sĩ của Học viện Quân y 103 đã mở ra cho những cặp vợ chồng không may mắn.

VfDs8amX.jpgPhóng to
Các bác sĩ thực hiện quá trình nuôi cấy tinh tử cho một ca điều trị ngày 15-6 - Ảnh: H.Lâm

20 em bé đã chào đời

Hai vợ chồng anh N.T.M. (35 tuổi, Hà Nội) và chị T.T.T. (30 tuổi, Hà Nội) lấy nhau ba năm mà không có con. Kết quả thăm khám cho thấy nguyên nhân vô sinh nằm ở anh M. khi anh không có tinh trùng. Theo các bác sĩ, đây là hậu quả của việc anh M. mắc quai bị lúc nhỏ. Không có tinh trùng đồng nghĩa với việc anh không thể có được đứa con của chính mình. “Nếu tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, vợ anh sẽ mang thai nhờ vào tinh trùng của người khác”- đó là kết luận chung của các trung tâm điều trị vô sinh mà hai vợ chồng anh đã gõ cửa.

Đến năm 2010, khi tìm đến Trung tâm công nghệ phôi Học viện Quân y, hai vợ chồng bất ngờ khi bác sĩ tư vấn cho hay họ vẫn có thể có con được phôi thai hoàn toàn từ bố mẹ, mà không phải “vay mượn” tinh trùng từ nguồn nào. Hi vọng, hồi hộp và thấp thỏm, cuối cùng đầu năm 2011 vợ anh sinh được một bé gái.

Bé N.T.L. - con gái anh M. - là một trong hơn 20 đứa trẻ khỏe mạnh được ra đời một cách đặc biệt từ người bố không có tinh trùng, nhờ phương pháp nuôi cấy tinh tử được áp dụng tại Trung tâm công nghệ phôi Học viện Quân y 103.

TS Quản Hoàng Lâm - giám đốc trung tâm - cho hay để phát triển thành tinh trùng hoàn thiện, tế bào này phải trải qua năm giai đoạn: tinh nguyên bào, tinh bào 1, tinh bào 2, tinh tử và tinh trùng. Tuy nhiên, nhiều người không có tinh trùng, tế bào sinh dục chỉ dừng lại ở dạng tinh tử có cấu tạo hình tròn, không có khả năng di động nên không có khả năng thụ tinh gây vô sinh.

Để thụ tinh thành phôi, tất cả tinh trùng phải đủ khả năng đâm xuyên qua trứng. Do đó, việc nuôi cấy tinh tử chủ yếu là gắn đuôi cho nó như tinh trùng để có khả năng thụ tinh khi tiêm vào trứng. “Sau khi được nuôi cấy, tinh tử có đuôi muốn được thụ tinh vẫn phải dựa vào công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm. Chi phí điều trị vô sinh theo đó thường đắt hơn thụ tinh trong ống nghiệm 10 triệu đồng (phục vụ việc mổ tinh hoàn, nuôi cấy tinh tử và tiêm tinh trùng vào buồng trứng), tức là người bệnh phải chi trả 40-50 triệu đồng cho một lần nuôi cấy và thụ tinh” - TS Lâm nói.

Đến nay, phương pháp nuôi cấy tinh tử rồi làm tiếp bước thụ tinh trong ống nghiệm chào đón những đứa trẻ ra đời đạt tỉ lệ thành công 10%.

Cơ hội cho 50% bệnh nhân

TS Lâm cho hay tinh dịch được coi là bình thường khi trên 80% tinh trùng có cấu trúc bình thường và chỉ dưới 20% tinh trùng loại bất thường. Khi tỉ lệ hình thái bất thường trên 25% thì chức năng sinh sản bị giảm sút. Tại Việt Nam, ước tính 10% cặp vợ chồng rơi vào tình trạng hiếm muộn, vô sinh, nguyên nhân bắt nguồn từ phía nam giới chiếm 40%. Trong số nam giới bị vô sinh có đến 10% trường hợp tinh trùng ít, yếu, thậm chí hoàn toàn không có tinh trùng. Những trường hợp này muốn có con trước nay phải chọc mào tinh hoặc xin tinh trùng của người khác.

Theo TS Lâm, số nam giới bị vô sinh đến điều trị ngày càng nhiều. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ô nhiễm môi trường, hậu quả quá trình công nghiệp hóa, tuổi kết hôn và xu hướng sinh con muộn. Mỗi buổi thực hiện mổ tinh hoàn để đánh giá khả năng nuôi cấy tinh tử, các bác sĩ của trung tâm phải tiến hành liên tục trên 5-7 bệnh nhân.

Tại trung tâm, bệnh nhân nam vô sinh sẽ được khám, làm các xét nghiệm sàng lọc tìm các bất thường về rối loạn sinh tinh. Sau đó, bệnh nhân sẽ buộc phải trải qua một cuộc mổ để bóc tách tìm tinh tử phục vụ việc nuôi cấy, gắn đuôi. Thống kê tại Học viện Quân y cho thấy sau khi mổ tinh hoàn ở những người vô sinh do không có tinh trùng thì có đến 1/2 trường hợp vẫn có tinh tử, có thể nuôi cấy để thụ tinh ra chính con ruột của mình. Còn lại 1/2 trường hợp hoàn toàn không có tinh tử, buộc phải tìm phương án hỗ trợ sinh sản cuối cùng là thụ tinh trong ống nghiệm, xin tinh trùng từ nguồn hiến khác.

Nuôi cấy từ giai đoạn sớm hơn

TS Quản Hoàng Lâm - giám đốc Trung tâm công nghệ phôi Học viện Quân y - cho hay tiếp sau thành công của việc nuôi cấy tinh tử, trung tâm đang áp dụng công nghệ tế bào gốc triển khai nuôi cấy tinh trùng từ những giai đoạn sớm hơn, phát triển tinh trùng từ tinh nguyên bào hay tinh bào 1, tinh bào 2. Tuy nhiên, việc nuôi cấy qua nhiều giai đoạn với thời gian dài lên đến 4-6 tuần sẽ rất khó kiểm soát được chất lượng tinh trùng nuôi cấy.

“Chất lượng con giống không tốt sẽ cho ra đời những đứa trẻ không khỏe mạnh. Điều lo lắng lớn nhất của việc nuôi cấy tinh trùng từ giai đoạn sơ khai là sẽ cho ra đời thế hệ sau “trắng tinh trùng”, tức là nếu sinh ra bé trai thì khả năng em bé này lớn lên cũng không có tinh trùng rất cao” - TS Lâm nói.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên