04/05/2006 04:12 GMT+7

Không thể "nhốt" Thủ Thiêm trong đê bao

CHI MAI
CHI MAI

TT - Làm gì để khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) không bị ngập đã được đề cập tại hội thảo tìm giải pháp chống ngập lụt khu đô thị Thủ Thiêm ngày 3-5-2006 do Ban quản lý đầu tư - xây dựng KĐTMTT, TP.HCM tổ chức.

TT3p7MxY.jpgPhóng to
Bơm cát san lấp mặt bằng vùng đất thấp thường xuyên bị ngập để xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.
TT - Làm gì để khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) không bị ngập đã được đề cập tại hội thảo tìm giải pháp chống ngập lụt khu đô thị Thủ Thiêm ngày 3-5-2006 do Ban quản lý đầu tư - xây dựng KĐTMTT, TP.HCM tổ chức.

Nâng hay hạ cốt nền?

Theo giáo sư Nguyễn Sinh Huy, chủ nhiệm đề tài “Khảo sát, nghiên cứu thủy văn - thủy lực, diễn biến dòng chảy, giải pháp bảo vệ bờ và môi trường sinh thái của hệ thống sông, kênh rạch khu vực trung tâm KĐTMTT”, thì sông Sài Gòn có kích thước lớn, do vậy, kể cả khi có sự cố ở các công trình ở thượng lưu dẫn đến lũ lớn thì cũng không phải là nguyên nhân chính gây ngập lụt ở khu vực TP.HCM vì mức nước dâng chỉ khoảng 0,08-0,1m.

Nguyên nhân chính gây ra ngập lụt ở TP là do ảnh hưởng của thủy triều biển Đông. Vì thế, việc chọn giải pháp chống ngập lụt trước mắt và lâu dài là cần phải khống chế sự xâm nhập của thủy triều. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất không cần cải tạo lòng sông Sài Gòn cho mục đích thoát lũ.

Xung quanh vấn đề cốt san nền của KĐTMTT, nhóm nghiên cứu có quan điểm khác với nhà tư vấn Sasaki (Nhật) - đơn vị xây dựng dự án cải tạo kênh rạch của KĐTMTT. Nhà tư vấn Sasaki đề xuất cao trình nền của KĐTMTT là 2,5m nhưng theo nhóm nghiên cứu, kế hoạch san nền này là quá an toàn, gây lãng phí, có thể hạ thấp cốt nền xuống còn 2m mà vẫn không bị ngập lụt, thậm chí đủ để khắc phục lũ cao nhất cũng như triều cường.

Việc hạ bớt cốt san nền xuống còn 2m sẽ giảm được khối lượng 2,2 triệu m3 đất san lấp. Tuy nhiên, song song với phương án hạ thấp cốt san nền, nhóm nghiên cứu lại đề nghị cho xây dựng đường bao (đê bao thấp - kết hợp giao thông) để tăng an toàn phòng ngập lụt do lũ và triều.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng trong dự án cải tạo kênh rạch KĐTMTT của Công ty Sasaki có sự mất cân bằng trong việc đào, đắp các kênh rạch, hồ trong khu đô thị. Điều này sẽ làm cho khoảng 1,8 triệu m3 nước thừa bị đẩy ra sông, có thể gây ngập khu vực Bình Thạnh, Văn Thánh, Nhiêu Lộc -Thị Nghè, kênh Đôi, kênh Tẻ.

Đào nhiều hồ

KĐTMTT thiết kế theo hướng kết nối với dòng sông Sài Gòn, giữ lại sông nước của vùng châu thổ trong phát triển đô thị. Chiều dài khu đô thị tiếp xúc với bờ sông Sài Gòn là 8,6km.

Theo dự án qui hoạch, KĐTMTT có 35,8% diện tích dùng xây nhà cao tầng, 23,3% cho giao thông, 12,4% cho công viên, còn lại là đầm lầy, mặt nước hồ, kênh rạch.

Vấn đề xây dựng đê bao cho KĐTMTT đã không được kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, chủ nhiệm đề tài định hướng phát triển qui hoạch kiến trúc TP.HCM đến năm 2020, đồng tình. Ông cho rằng xây đê bao ở Thủ Thiêm như đã làm với sông Hồng sẽ làm hạn chế tầm nhìn từ đô thị ra bờ sông và ngược lại, làm giảm vẻ mỹ quan của khu đô thị. Ông cũng đồng tình với ý kiến phải xây dựng hệ thống thoát nước bề mặt (nước mưa) bằng cách đào nhiều hồ tĩnh để chứa nước mưa đồng thời tạo quan cảnh cho khu đô thị.

Đại diện Sở Giao thông công chính TP.HCM cho rằng cốt nền phải ổn định, có giá trị sử dụng nhiều năm, do vậy cần phải nghiên cứu và phân tích kỹ khi hạ thấp cốt san nền của KĐTMTT. Vị đại diện Sở Giao thông công chính nêu vấn đề: cốt nền của đường Nguyễn Văn Luông (quận 6) là 2m nhưng vẫn ngập, liệu Thủ Thiêm vẫn an toàn nếu cốt nền chỉ có 2m?

Theo ông Vũ Hùng Việt, trưởng Ban quản lý đầu tư - xây dựng KĐTMTT, giảm cốt san nền còn 2m có thể tiết kiệm được khoảng 30 triệu USD, không nhiều so với tổng đầu tư của toàn bộ dự án, nhưng việc này cần phải tính toán lại vì cốt nền khu đô thị rất quan trọng.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên