12/04/2007 06:04 GMT+7

Không thể hành xử thô bạo và phản giáo dục với trẻ thơ!

HỒ THỊ NINH TRANG (linhtrang@...)
HỒ THỊ NINH TRANG (linhtrang@...)

TT - LTS: Đau xót, phẫn nộ, bàng hoàng là tâm trạng của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài nhật ký phóng viên “Trách nhiệm và lương tâm ” (Tuổi Trẻ ngày 11-4). Hàng trăm ý kiến gửi đến Tuổi Trẻ qua email và điện thoại bày tỏ thái độ và chia sẻ với gia đình bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm.

ckWGp54V.jpgPhóng to
Bé Trâm ngoan hiền, học giỏi ngày nào nay ngồi cạnh mẹ vẫn còn hoảng loạn (ảnh chụp ngày 8-4, lúc bé Trâm đang điều trị tại Bệnh viện Sa Đéc, Đồng Tháp) - Ảnh: L.TH.H.
TT - LTS: Đau xót, phẫn nộ, bàng hoàng là tâm trạng của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài nhật ký phóng viên “Trách nhiệm lương tâm (Tuổi Trẻ ngày 11-4). Hàng trăm ý kiến gửi đến Tuổi Trẻ qua email và điện thoại bày tỏ thái độ và chia sẻ với gia đình bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm.

* Nhìn cảnh em Huỳnh Thị Ngọc Trâm sợ hãi trốn vào góc giường tôi không khỏi chạnh lòng. Thương em bao nhiêu, tôi lại bất bình với việc làm của những người được gọi là “thầy giáo” và “cán bộ công an xã” bấy nhiêu. Em Trâm chỉ là một đứa bé 10 tuổi, tâm hồn còn mong manh, dễ vỡ lắm. Nếu nghi em lấy cắp tiền quĩ lớp thì với cương vị là một nhà giáo, các thầy cô phải hiểu mình làm cách gì để xử lý trường hợp này, chứ không thể hành xử thô bạo và phản giáo dục như thế.

Liên quan đến vụ “hỏi cung” học sinh Huỳnh Thị Ngọc Trâm, chiều 11-4, bà Võ Thụy Lệ - phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Đồng Tháp) - cho biết UBND huyện đã thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét việc kỷ luật ông Lưu Văn Ca - hiệu trưởng Trường tiểu học An Hiệp 2.

Trường tiểu học An Hiệp 2 đã họp kiểm điểm ông Ca, ông này cũng đã nộp đơn từ chức. Các công an xã cũng sẽ bị kiểm điểm và có hình thức kỷ luật. Dự kiến ngày 18-4 sẽ có quyết định chính thức.

* Em Trâm chỉ mới học lớp 5, không hiểu sao các thầy làm giáo dục lại thiếu tri thức giáo dục đến nỗi một em nhỏ như vậy mà đòi đem bắt bỏ tù, và làm chuyện không thể tin nổi là bắt giải lên công an xã.

Theo tôi, hành động của những người gây ra hậu quả cho em Trâm là hành động ngược đãi và bạo hành với trẻ em, cần phải lên án và xử lý nghiêm minh.

* Một bé gái mới học lớp 5, không có đủ khả năng tự bảo vệ mình, chỉ vì bị nghi ngờ lấy... 47.800 đồng lại bị những người lớn được xem là có giáo dục hành hạ một cách lạnh lùng dẫn đến điên loạn. Chúng tôi thật sự không hiểu những người lớn đó nghĩ gì khi đối xử với một bé gái đáng tuổi con cháu mình như vậy?

Thiết nghĩ, pháp luật và xã hội phải lên án những con người này. Họ không xứng đáng làm thầy - người gieo mầm cho giá trị đạo đức xã hội, không xứng đáng làm chiến sĩ công an - người bảo vệ luật pháp, giữ gìn trật tự xã hội.

* Lâu nay, chúng ta đã không chú ý đến một việc mà theo tôi nếu không qui định rõ ràng trong trường học thì những chuyện đáng tiếc như chuyện của em Trâm sẽ có nguy cơ tiếp diễn. Đó là cần phải qui định khi nào giáo viên được phép đưa học sinh ra khỏi lớp, khỏi trường.

Một khi phụ huynh đem con em mình giao cho nhà trường dạy dỗ là họ tin tưởng tuyệt đối rằng môi trường sư phạm sẽ bảo vệ con em họ, nhưng trong môi trường sư phạm hiện nay có những giáo viên đã thoái hóa về tư cách đạo đức, như trường hợp giáo viên là giám thị ở một trường học của Đà Nẵng đã dụ dỗ học sinh quan hệ thể xác (may mà học sinh này đã kịp thời báo cho gia đình chứ không thì không biết hậu quả sẽ tồi tệ thế nào).

Luật sư Trương Xuân Tám: Thầy giáo, công an xã đã xâm phạm quyền trẻ em, phải bồi thường

Thầy giáo lợi dụng việc các em học sinh không thể chống đối thầy cô để dẫn lên công an xã giải quyết một việc nhỏ chỉ có tính nội bộ là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền được bảo vệ của trẻ em được qui định trong Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Công an xã An Hiệp tiếp nhận, giải quyết vụ việc, tiến hành lấy lời khai của các em là không đúng thẩm quyền. Giả sử nếu là vụ án hình sự thì theo Luật tố tụng hình sự việc lấy lời khai của trẻ vị thành niên cần phải có mặt của cha mẹ các em. Hành vi của thầy giáo và các công an xã đã vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý. Gia đình em Trâm có quyền yêu cầu thầy giáo và các công an xã có liên quan bồi thường tổn hại về tinh thần, vật chất do hành vi của họ gây ra cho em Trâm.

Luật sư Trịnh Thanh: Có dấu hiệu hành vi bắt giữ người trái pháp luật

Gia đình bé Trâm có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự thầy giáo và các công an xã vì những người này đã có dấu hiệu thực hiện việc bắt giữ người trái pháp luật (thầy giáo bắt, công an xã giữ). Hậu quả (em Trâm bị hoảng loạn, tâm thần) là rất nghiêm trọng.

TS tâm lý Đinh Phương Duy: Một hành động phản sư phạm, không nhân bản

Trước tiên phải nói ngay đó là hành động phản sư phạm của giáo viên và hiệu trưởng Trường tiểu học An Hiệp 2 (Châu Thành, Đồng Tháp) - một sự cảnh báo thiếu kỹ năng sư phạm và suy đồi đạo đức nhà giáo. Nếu thật sự bé Trâm có lấy số tiền ấy thì họ cũng không được áp giải học sinh lên công an, vì học sinh đang ở độ tuổi non nớt, cần được giáo dục chứ không phải là tội phạm để giải lên công an. Ở đây cho thấy những người làm công tác giáo dục nhưng thiếu cái “tâm”, họ không đặt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu mà bằng mọi cách làm cho xong việc để yên phận mình.

Xét về góc độ con người, tôi cứ băn khoăn rằng tại sao họ (những công an, giáo viên) không có một cái nhìn nhân bản và lạc quan hơn? Tại sao họ lại có thể hành xử với một đứa bé mới chỉ 10 tuổi, một người không đủ bản lĩnh để tự vệ như thế?

Bé Trâm bị bệnh phản ứng stress cấp

* Nhiều bạn đọc đề nghị giúp đỡ bé Trâm chữa bệnh

Ngày 10-4, cha mẹ bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm đã đưa bé lên Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM khám bệnh. Tạm thời bé Trâm và cha mẹ ở nhờ nhà một người bà con ở Q.Tân Bình một tuần để đợi tái khám lần sau và cách ly môi trường dưới quê. BS Phạm Quỳnh Diệp, người trực tiếp điều trị cho bé Trâm, cho biết bé bị bệnh phản ứng stress cấp. Lần tái khám thứ ba này bệnh của bé Trâm chưa bớt mà còn có biểu hiện nặng hơn. Với phản ứng stress cấp, đa số người bệnh sẽ khỏi bệnh trong thời gian từ vài ngày đến vài tháng. Song cũng có một số trường hợp không khỏi mà chuyển thành bệnh mãn tính.

Theo BS Quỳnh Diệp, việc khỏi bệnh sớm hay muộn, hoặc trở thành mãn tính hay không tùy thuộc nhiều yếu tố: môi trường (với bé Trâm phải tránh tiếp xúc với bạn bè, thầy cô và những người gây ra cú sốc cho em...), chăm sóc y tế (bao gồm cả các biện pháp hỗ trợ tâm lý) và nhân cách của bệnh nhân. Nếu bé Trâm có nhân cách vững vàng, có thể sẽ vượt qua được phản ứng stress cấp này.

* Ngày 11-4, nhiều bạn đọc đã điện thoại đến tòa soạn chia sẻ và đề nghị giúp đỡ em Huỳnh Thị Ngọc Trâm được chữa bệnh một cách tốt nhất. Một bạn đọc (đề nghị giấu tên) ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết gia đình chị sẵn sàng cưu mang cả gia đình bé Trâm và giúp đỡ toàn bộ chi phí điều trị bệnh tốt nhất cho em.

Ngay sau khi biết tin về tình cảnh của bé Trâm, BS Nguyễn Hoàng Bắc, phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nhận lời sẽ mời một êkip giáo sư, bác sĩ đầu ngành về tâm thần, thần kinh hội chẩn để có hướng điều trị tốt nhất cho bé Trâm.

HỒ THỊ NINH TRANG (linhtrang@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên