Một thanh niên dán tờ rơi lên tường nhà người dân ở P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM bị camera an ninh ghi lại |
"Có ý kiến cho rằng những người đi phát tờ rơi, dán quảng cáo phần lớn là sinh viên nhận việc thời vụ làm thêm kiếm tiền ăn học, xử phạt họ thì tội. Tuy nhiên, không thể cho phép nạn quảng cáo vô tội vạ, tràn lan gây mất mỹ quan, văn minh đô thị và góp phần làm ô nhiễm môi trường.
Nhà tôi ở một quận vùng ven TP.HCM, liên tục bị quảng cáo làm phiền. Phổ biến nhất là các nhóm đi dán tờ rơi vào lúc trời chưa sáng. Khi chủ nhà ngủ dậy, tự nhiên thấy cánh cổng, tường rào, kể cả thùng thư đều bị dán đềcan quảng cáo.
Thời gian “vàng” tiếp theo là vào buổi trưa, nhiều người tranh thủ chợp mắt, lúc mở cửa đi làm buổi chiều bỗng dưng thấy tờ rơi nằm ngay dưới đất. Đến ống thoát nước mưa nhà tôi họ cũng không tha. Một khi keo dính đã khô lại thì bóc ra sẽ rất nham nhở, nên tôi phải mua hẳn hộp sơn dùng để xóa đi chỗ bị dán.
Tôi hiểu cái khó của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc phát hiện và xử lý vi phạm dán tờ rơi quảng cáo trái phép. Thế nhưng, khó chứ không phải không làm được. Tình trạng treo, dán rao vặt bừa bãi nhất định sẽ giải quyết được nếu quyết tâm làm.
Việc nhận diện để phát hiện sớm người đi dán tờ rơi khá thuận lợi nhờ hiện nay nhiều khu vực, tuyến đường của thành phố đã được gắn camera quan sát. Dù người dán tờ rơi hay đi vào sáng sớm thì chúng ta cũng có thể nhận biết để kịp thời kiểm tra hành chính, tịch thu tờ rơi, ngăn chặn nạn quảng cáo trái phép.
Đơn giản và hiệu quả nhất vẫn là biện pháp nắm lấy cái gốc của vấn đề - làm việc trực tiếp với cơ sở hoặc người cung cấp dịch vụ thông qua địa chỉ và số điện thoại. Phải nhắc nhở hoặc phạt hành chính lần đầu, nếu tái phạm thì đề nghị rút giấy phép kinh doanh, cắt số điện thoại trên tờ quảng cáo.
Đối với các cơ sở hoạt động không phép, cơ quan chức năng chủ động liên hệ công ty viễn thông di động để tìm ra tên tuổi, địa chỉ của người kinh doanh vì hiện nay việc khai báo thông tin cá nhân khi đăng ký sim điện thoại di động đã được thực hiện, nên không khó để “truy xuất” lai lịch chủ nhân số thuê bao.
Làm sạch môi trường, làm đẹp cảnh quan không phải việc riêng của chính quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Các loại rác quảng cáo đều có thể dọn sạch nếu tất cả mọi người chung tay. Tổ dân phố nhà tôi từ lâu đã vận động người dân cứ thấy tờ quảng cáo treo, dán không đúng quy định là chủ động gỡ bỏ. Những cô chú lớn tuổi hay tập thể dục sáng sớm nhìn thấy quảng cáo dán trên cột điện, vách tường là bóc ngay. Địa phương tôi ở còn phát động phong trào “nói không với quảng cáo”.
Đó là không nhận quảng cáo, không làm ngơ khi thấy tờ rơi dán tràn lan và quan trọng nhất là không sử dụng dịch vụ trên quảng cáo trái phép. Thay vào đó, chúng tôi chỉ liên hệ với các cơ sở đăng quảng cáo hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa đảm bảo công bằng lại vừa ủng hộ những đơn vị chấp hành đúng pháp luật.
ThS Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên khoa đô thị Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM): Chế tài mạnh mới hiệu quả Theo nghiên cứu, rất nhiều nước trên thế giới gặp rắc rối với tình trạng phát tờ rơi, dán quảng cáo đầy trên đường phố, nhất là trong giai đoạn đô thị hóa nhanh và mạnh. Tuy nhiên, mức độ nặng, nhẹ phụ thuộc vào cách thức xử phạt và chính sách quản lý của từng quốc gia. Nhiều nước giải quyết, ngăn chặn tình trạng phát tờ rơi, dán quảng cáo bừa bãi bằng cách chế tài rất khắt khe. Chẳng hạn, ở Singapore, nếu người vi phạm lần đầu sẽ bị phạt 1.000 USD; tái phạm lần hai, mức phạt sẽ tăng lên 5-6 lần so với lần phạt đầu; sang lần ba, người vi phạm phải đi lao động công ích. Nhà quản lý xử lý triệt để khiến người bị phạt rất sợ. Đây là cách làm chúng ta nên học tập. Những tờ rơi, bảng quảng cáo đều có địa chỉ đầy đủ của cá nhân, tổ chức kinh doanh, do vậy cơ quan có thẩm quyền dễ dàng truy ra nguồn gốc để xử phạt thật nặng, xử lý thật nghiêm. Một biện pháp trong nước ta hiện nay đang làm đó là tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân. Tuy nhiên, do hành vi phát tờ rơi, dán quảng cáo thuộc về ý thức mỗi người nên giải quyết triệt để không phải một sớm một chiều. Biện pháp lâu dài là phải giáo dục trẻ em từ khi ngồi trên ghế nhà trường, như ở Nhật đang áp dụng. Khi lớn lên, ý thức đó đã ngấm vào máu và được biểu hiện một cách tự nhiên như hơi thở. Ngoài ra, chính người lớn cũng phải dạy con trẻ ý thức không xả rác. Thử quan sát tại các cột đèn giao thông, khi nhận được tờ rơi, nếu không thích, nhiều người lớn vô tư vứt ra giữa đường phố, con trẻ sẽ nhìn thấy và bắt chước theo. |
Bà Khúc Thị Hương (phó giám đốc Trung tâm Quản lý quảng cáo Đà Nẵng): Đà Nẵng đã giảm rao vặt Tình hình quảng cáo, rao vặt được hạn chế rất nhiều từ khi TP Đà Nẵng thực hiện chương trình “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Giai đoạn trước đó, tại trụ đèn, ngã ba ngã tư, quảng cáo dán dày đặc. Còn bây giờ, tại các tuyến đường chính đã hết tình trạng nhếch nhác do quảng cáo, rao vặt; còn trong kiệt hẻm lẩn khuất vẫn còn nhưng không nhiều. Đà Nẵng cũng đã có hơn 400 bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí phục vụ nhu cầu rao vặt, quảng cáo của người dân. Những bảng này được lắp tại vị trí thuận lợi, đông người qua lại nên có hiệu quả cao. Những quảng cáo, rao vặt ở nơi sai quy định sẽ bị đề xuất cắt số điện thoại và tháo gỡ. Điều quan trọng trong việc dẹp bỏ quảng cáo, rao vặt sai quy định là sự hưởng ứng của người dân và phối hợp đồng bộ của các ngành. Bên cạnh đó là những chương trình “Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp” của đoàn viên thanh niên có lồng ghép nội dung tháo gỡ rao vặt. Tại các tổ dân phố, vào sáng chủ nhật người dân cũng tự giác tổ chức vệ sinh khu dân cư kết hợp xóa bỏ quảng cáo, rao vặt sai quy định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận