24/05/2013 06:50 GMT+7

Không phát hành tiền để mua nợ xấu

LÊ THANH
LÊ THANH

TT - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đang khẩn trương hoàn thiện thông tư hướng dẫn chi tiết nghị định 53 về thành lập và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC).

ueH5xlC1.jpgPhóng to
Theo các chuyên gia, hoạt động của Công ty Quản lý tài sản giúp xử lý nợ xấu, khai thông vốn cho doanh nghiệp, trong đó có bất động sản, giúp kinh tế phục hồi - Ảnh: TỰ TRUNG

Một trong những nội dung quan trọng là việc hướng dẫn cơ chế xử lý nợ xấu, quy trình như thế nào để từ ngày 9-7 VAMC sẽ chính thức được triển khai xử lý nợ xấu.

Nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt

Về quy trình xử lý nợ xấu, theo đại diện của cơ quan thanh tra giám sát NHNN, các tổ chức tín dụng sẽ chủ động rà soát, báo cáo tình hình nợ xấu rồi đưa ra đề xuất số nợ sẽ bán cho VAMC. Sau khi tiếp nhận khoản nợ của tổ chức tín dụng, VAMC sẽ thẩm định, xác định danh mục rồi trình NHNN và đề xuất phương án phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ.

Theo nghị định 53, có hai phương án mua nợ xấu là mua bằng trái phiếu đặc biệt hoặc mua theo giá thị trường. “Trước mắt, VAMC sẽ tập trung mua qua phát hành trái phiếu trước” - vị này nói. Chẳng hạn, doanh nghiệp A có khoản nợ xấu ở ngân hàng B là 50 tỉ đồng. Khoản nợ này đảm bảo các điều kiện là có tài sản đảm bảo, khách hàng vay vẫn còn tồn tại... thì VAMC sẽ mua với giá 50 tỉ đồng trừ đi khoản dự phòng được trích lập theo quy định. Còn cách thứ hai, VAMC sẽ mua nợ theo giá thị trường tùy theo khả năng tài chính của mình. Thực tế cách này sẽ áp dụng hạn chế hơn vì tiềm lực của VAMC có hạn, với 500 tỉ đồng vốn điều lệ để xử lý số nợ xấu với quy mô lớn là rất khó.

Khi mua nợ theo giá thị trường, VAMC sẽ bán tài sản đảm bảo theo giá thị trường để thu hồi nợ. Ví dụ, khoản nợ xấu là 40 tỉ đồng mà giá trị tài sản đảm bảo đến nay bán chỉ được 35 tỉ đồng. Như vậy, nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp vẫn bị treo lại 5 tỉ đồng. Thực tế đa số khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản. Trong bối cảnh bất động sản đóng băng, việc mất giá trị so với thời điểm vay vốn là điều phải chấp nhận. Chính vì vậy, quy định cũng nêu rõ nếu VAMC và doanh nghiệp đồng thuận về giá bán tài sản đảm bảo thì không có vấn đề gì, còn không sẽ phải tổ chức đấu giá đảm bảo tính minh bạch.

Về việc nhiều ý kiến lo ngại NHNN sẽ phát hành tiền để mua nợ xấu, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng khẳng định: không có chuyện phát hành tiền để mua nợ xấu. Chủ yếu VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để thanh toán khi nợ xấu.

Sẽ bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ

NHNN cho biết nhiệm vụ của VAMC là xử lý nợ xấu của nền kinh tế qua thu hồi nợ, bán nợ... Bán nợ xấu cho VAMC chưa chắc phải là những doanh nghiệp khỏe, có phương án kinh doanh tốt mà có cả những doanh nghiệp đang rất yếu, trong tình trạng chờ phá sản. Chính vì vậy, một trong những điều kiện để được VAMC mua nợ xấu là khoản nợ xấu đó phải có tài sản bảo đảm. Khi mua rồi, VAMC có thể bán tài sản đảm bảo đó để thu hồi nợ. Liệu với những khoản nợ xấu như sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến không có khả năng trả được nợ... thì VAMC có mua? Một lãnh đạo NHNN cho biết chủ trương là chỉ nên tìm hướng giải quyết.

Đồng thời với những đơn vị sau khi đã được VAMC mua lại nợ xấu thì VAMC sẽ hỗ trợ để họ có điều kiện tiếp tục hoạt động. Cụ thể, VAMC sẽ cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp qua việc kéo dài thời hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất, giảm hoặc miễn tiền vay trước đó... Thêm nữa, VAMC có thể bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chủ động đưa ra phương án trả nợ và chứng minh với VAMC phương án đó đảm bảo có nguồn tiền trả nợ cũ và cả nợ mới. “Điều này được hiểu là không phải doanh nghiệp nào cũng được vay vốn, được cơ cấu lại nợ sau khi bán nợ xấu cho VAMC” - vị này nhấn mạnh.

Về phương án trả nợ của doanh nghiệp, theo NHNN, một là doanh nghiệp phải có dự án kinh doanh mới, hiệu quả; hai là doanh nghiệp tự cơ cấu lại tổ chức như có cổ đông mới bơm thêm tiền vào hoặc có những nhà đầu tư khác hỗ trợ họ vốn... Tóm lại, doanh nghiệp phải chủ động chứng minh có dòng tiền trả nợ và cam kết nếu được cơ cấu sẽ trả được nợ. Còn trách nhiệm của VAMC là thẩm định phương án trả nợ của doanh nghiệp trước khi đưa ra các giải pháp hỗ trợ như nêu trên.

Nợ xấu sẽ được giải quyết như thế nào qua VAMC? Đại diện NHNN chia sẻ VAMC chỉ là một giải pháp góp phần xử lý nợ xấu. Nợ xấu sẽ được xử lý hiệu quả như thế nào thì phải đặt nó trong bối cảnh của nền kinh tế, sự phát triển của doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng.

Ông Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế):

Loại được “cục máu đông” nợ xấu, kinh tế sẽ phục hồi

Việc ra đời VAMC sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp là con nợ và cả hệ thống ngân hàng là chủ nợ. Khi nợ xấu được VAMC mua lại, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận tín dụng từ ngân hàng để có thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển. Nền kinh tế sẽ phục hồi khi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sôi động trở lại.

Tuy nhiên, điều quan trọng là sau này cách thức vận hành của VAMC sẽ như thế nào? Ví nền kinh tế như cơ thể, nợ xấu là cục máu đông. Trước mắt, cục máu đông được loại ra khỏi mạch máu, máu lại lưu thông một cách bình thường trong cơ thể. Nhưng sau này, cục máu đông có phình to hơn hay không là câu chuyện cần phải có cách xử lý rất thận trọng, bài bản từ phía các bộ ngành, đặc biệt là vai trò của NHNN.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên