16/09/2007 10:59 GMT+7

Không ngừng thuốc khi đang điều trị tốt bệnh tiểu đường

Th.s, BS TRẦN THẾ TRUNG- Giảng viên Bộ môn Nội tiết ĐH Y Dược TP.HCM
Th.s, BS TRẦN THẾ TRUNG- Giảng viên Bộ môn Nội tiết ĐH Y Dược TP.HCM

TTO - Tôi bị tiểu đường cách đây hơn 2 năm. Tôi đã thực hiện một vài phương pháp theo hướng dẫn.

iDNU5EFu.jpgPhóng to
Chế độ ăn uống hỗ trợ điều trị tiểu đường
TTO - Tôi bị tiểu đường cách đây hơn 2 năm. Tôi đã thực hiện một vài phương pháp theo hướng dẫn.

- Mỗi sáng tôi dậy tập thể dục khoảng 30-45phút đi bộ, chạy bộ

- Mỗi ngày tôi uống 1 ly mướp đắng (khổ qua) được ép ra nước

- Thực đơn ăn thì chủ yếu là rau, cá, không sử dụng đường. Mỗi sáng thường uống cà phê không đường.

- Và trước đây ngày nào tôi cũng uống 02 viên thuốc Diamicron loại 30 mg.

- Hàng tháng tôi cũng đi thử kiểm tra đường huyết, HBA1C. Cứ 3 tháng tôi lại kiểm tra tổng thể các chức năng khác như gan, thận, v.v..

- Vừa rồi, cuối tháng 7, tôi kiểm tra tổng thể tại bệnh viện đa khoa thì thấy các chỉ số nằm trong vùng cho phép. Tôi thử không uống thuốc nữa và vẫn giữ các chế độ như trên thì sau 20 ngày, chỉ số này tăng lên 7.52 mmol/l, nên tôi phải uống lại mỗi ngày 1 viên.Không biết những việc làm này có ảnh hưởng gì đến bệnh tình của tôi không? Khả năng có thể khỏi bệnh không? (Trần Duy Hưng)

- Trả lời của phòng mạch online:

- Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính, có tính chất diễn tiến từ từ và có xu hướng nặng dần, khó kiểm soát đường huyết dần theo thời gian. Mặc dù có thể có lúc bệnh có vẻ giảm bớt, đường huyết giảm và có thể giảm bớt liều thuốc, nhưng nói chung xu hướng nặng dần là không tránh khỏi.

Những nỗ lực của bác sĩ và người bệnh là nhằm đưa đường huyết về mức bình thường và hạn chế biến chứng xấu của bệnh. Xin có lời ngợi khen về chế độ tập thể dục đều đặn của anh. Tập vận động thể lực và chế độ ăn hợp lý là nền tảng cơ bản, không thể thiếu trong điều trị bệnh.

Về trường hợp của anh, xin góp ý một số vấn đề như sau:

Diamicron là thuốc điều trị rất tốt và làm đường huyết khá mạnh, nhưng không phải là thuốc điều trị khởi đầu cho các trường hợp đái tháo đường type 2 (bệnh của anh, theo suy nghĩ của tôi, là đái tháo đường type 2). Tôi không biết cân nặng anh thế nào, nếu anh không gầy (nghĩa là vừa người hoặc mập), anh thử đề nghị bác sĩ của anh đổi sang loại thuốc khác là metformin xem sao. Chỉ khi không thể dùng được loại thuốc này thì nên dùng loại thuốc như anh đang dùng.

Anh có thể thử đường huyết nhiều lần trong tuần, có thể thử vào lúc sáng sớm chưa ăn hoặc thử vào các thời điểm khác trong ngày, trước ăn, sau ăn trưa, chiều, lúc tối … để có thêm nhiều thông tin về đường huyết trong ngày. Xin nhắc rằng, chỉ có thể thử được nhiều lần như thế bằng máy thử đường huyết cá nhân, thử ngay tại nhà. Tuy nhiên, nếu kết quả đường huyết tốt, rất ổn định thì không cần thiết thử nhiều lần nữa, có thể chỉ cần mỗi tuần một hai lần.

Xét nghiệm đo HbA1c là dùng để kiểm tra đường huyết trung bình trong 3 tháng trước đó. Anh không cần đo mỗi tháng! HbA1c chỉ nên đo mỗi 3 đến 6 tháng. Anh có thể an tâm về đường huyết của mình trong 3 tháng qua nếu HbA1c < 6.5%. Chức năng gan, thận có thể kiểm tra mỗi năm nếu kết quả bình thường. Một loại xét nghiệm quan trọng khác là những xét nghiệm về mỡ máu (cholesterol, triglyceride, LDL-c, HDL-c).

Anh không nên ngừng hay giảm thuốc khi bệnh đang được điều trị tốt. Một số trường hợp cần phải giảm liều khi có biểu hiện hạ đường huyết (đường huyết quá thấp < 4 mmol/L). Anh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi thực hiện điều này. Nguy cơ khi dùng các loại thuốc hạ đường huyết, nhất là với các thuốc thuộc nhóm sulfonylurea như Diamicron, là hạ đường huyết. Việc dùng thuốc phải thận trọng, đúng chỉ định để hạn chế nguy cơ này.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

Th.s, BS TRẦN THẾ TRUNG- Giảng viên Bộ môn Nội tiết ĐH Y Dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên