22/09/2015 06:01 GMT+7

​Không nên xem tiếng Anh là ngoại ngữ

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN

TTO - Đã đến lúc không nên xem tiếng Anh là ngoại ngữ mà nên coi nó là ngôn ngữ thứ hai, cần phải nói thông, viết thạo trong thời đại ngày nay, là ý kiến của bạn đọc.

Một tiết học tiếng Anh chương trình Cambridge của học sinh lớp 3/2 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Một tiết học tiếng Anh chương trình Cambridge của học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 khối trung tâm ngoại ngữ, tin học, dạy thêm - học thêm ở TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hoài Ân, trưởng ban giám khảo của ĐH Cambridge khu vực Đông Nam Á, cũng cho rằng các trường phổ thông cần cân đối thời gian để giúp học sinh rèn luyện tốt hơn các kỹ năng giao tiếp bằng nhiều hình thức sinh động và chủ động nghe, nói mọi lúc mọi nơi.

Học sinh mong được nói nhiều hơn

Bạn Xuân Mai, học sinh lớp 12 ở TP.HCM, nhận xét việc học ở trường chủ yếu phục vụ cho các kỳ thi như thi tốt nghiệp THPT, thi đại học… nên phần nghe, nói không được chú trọng nhiều, chủ yếu là học ngữ pháp, từ vựng. Mai cho rằng khi học ở trung tâm ngoại ngữ thì phần nói và nghe được nhấn mạnh, trau dồi nhiều hơn.

Có cùng suy nghĩ này, bạn Lê Hậu (Bến Tre) cho biết mình vừa học tiếng Anh ở trường, vừa phải học thêm ở trung tâm ngoại ngữ để hoàn thiện cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết vì ở trường học ngữ pháp thôi là đã hết giờ.

Nhiều học sinh cho biết việc học ở trung tâm ngoại ngữ giúp các bạn bổ sung những điều mà nhà trường chưa thể đáp ứng được vì nhiều lý do như giáo án, thời lượng tiết học quá ít, sĩ số lớp quá đông hoặc trình độ giáo viên còn hạn chế.

“Bạn nào có học thêm ở trung tâm thì khả năng giao tiếp sẽ trội hơn. Em mong ở trường sẽ được nói tiếng Anh nhiều hơn để tiếng Anh của tụi em mang tính ứng dụng và thật sự hữu ích”, Xuân Mai chia sẻ.

Anh Trần Đăng, một người thông thạo tiếng Anh, cho rằng kiến thức ở trường chỉ là điều kiện cần, không thể là điều kiện đủ để sau 12 năm có thể nghe, nói, đọc, viết thông thạo và giao tiếp được với người nước ngoài.

Từ thực tế du học và làm việc với người nước ngoài, anh Trần Đăng cho biết có những từ thầy cô giáo trong trường phát âm không chuẩn, dẫn đến việc “khi mình nói thì người nước ngoài không hiểu, họ nói mình cũng lờ mờ không biết từ đó là gì”, anh Đăng kể.

Nói với Tuổi Trẻ, bạn đọc Nguyễn Anh Đào cho rằng những lỗ hổng về tiếng Anh của học sinh đến từ chương trình và sách giáo khoa. Tất cả đều do người Việt biên soạn nên quá chú trọng ngữ pháp, nội dung thiếu hấp dẫn. Giáo viên thì phải bám sách giáo khoa để dạy và mong học trò qua được các kỳ thi nên chỉ chú trọng đến từ vựng, ngữ pháp.

"Cả thầy và trò đều học tiếng Anh bằng mắt thôi. Dạy và học như vậy, học sinh không bị “câm” và “điếc” tiếng Anh mới lạ!", bạn Anh Đào nói.

Nên xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai

Chị Lâm Ngọc Phước Thu (Q.10, TP.HCM) cho con đi học tiếng Anh từ nhỏ vì chị quan niệm “tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, không còn là ngoại ngữ như nhiều người vẫn nghĩ nữa”.

Chị Thu kể từ mẫu giáo chị đã cho con mình tiếp xúc và quen cách nói tiếng Anh với người nước ngoài, thay vì học theo những giáo trình cứng nhắc.

“Lâu dần thì tiếng Anh “ngấm” vào các con một cách rất tự nhiên. Bây giờ xem phim bằng tiếng Anh các con không cần đọc phụ đề, ra ngoài giao tiếp các con cũng tự tin hơn”, chị Thu chia sẻ.

Xác định rõ tầm quan trọng của tiếng Anh trong đời sống, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết Trường Đinh Tiên Hoàng luôn tạo mọi điều kiện để các em học sinh nâng cao trình độ của mình.

Ngoài những tiết học tiếng Anh theo quy định, trường còn tổ chức các buổi học tăng cường về kỹ năng cho các em. Sĩ số lớp sẽ được chia hai và học kỹ năng, thay vì học cả lớp như những giờ bình thường.

Tiến sĩ Lê Trọng Tín, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM), cho biết trường luôn xác định tiếng Anh là môn học quan trọng giúp học sinh mở rộng kiến thức và hội nhập quốc tế. 

Vì thế, trường đã tăng gấp đôi số tiết của môn tiếng Anh so với số tiết bộ quy định cho mỗi lớp. Bên cạnh đó, mỗi lớp còn có thêm một tiết/tuần để tập nghe nói với giáo viên người nước ngoài.

Ngoài ra, Trường THPT Nguyễn Khuyến còn tổ chức sân chơi tiếng Anh để học sinh tập diễn thuyết trước đám đông theo chủ đề và tổ chức dã ngoại với yêu cầu nói chuyện bằng tiếng Anh 100% trong suốt chuyến đi. 

“Tôi cho rằng học sinh có thể học chưa giỏi văn, giỏi toán nhưng không thể kém ngoại ngữ được. Có những học sinh nổi trội, thi ngoại ngữ được giải cao của thành phố hay làm hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài ở Hà Nội nhưng đó không phải là mặt bằng chung.

Không phải học sinh kém, không học nổi mà cách làm của chúng ta chưa đủ thuyết phục để buộc các em tiến bộ đến mức như thế”, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhìn nhận.

Để tiếng Anh là của mình

Nói về cách hoàn thiện ngôn ngữ thứ hai của mình, anh Trần Đăng kể: "Nhận rõ sự bất ổn về tiếng Anh sau 12 năm học, mình bắt đầu học lại từ điều cơ bản nhất là học cách đọc phiên âm quốc tế sao cho chuẩn. Tiếp đó, mình tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh để tăng dần phản xạ nghe - nói. Hơn nữa, mình luôn tìm các chủ đề nói thiết thực để thực hành bởi thực tế cho thấy có những từ, những điểm ngữ pháp học nhuần nhuyễn trong trường nhưng ra ngoài không mấy khi dùng đến".

Từ nhiều tiểu bang của nước Mỹ, 16 bạn trẻ đã cùng nhau bỏ việc làm, bỏ kỳ nghỉ hè và bỏ luôn tiền túi vượt nửa vòng Trái đất tìm đến Huế để dạy tiếng Anh miễn phí cho gần 1.000 học viên.
Từ nhiều bang của nước Mỹ, 16 bạn trẻ đã cùng nhau bỏ việc làm, bỏ kỳ nghỉ hè và bỏ luôn tiền túi vượt nửa vòng Trái đất tìm đến Huế để dạy tiếng Anh miễn phí cho gần 1.000 học viên - Ảnh: TTO

Cô Đào Thị Hồng Thanh cho rằng việc đưa những tài liệu học tập và giáo viên bản ngữ được đào tạo vào trường học là rất cần thiết.

Ngoài ra, một cách học tiếng Anh tự nhiên, theo cô Thanh, là xem nhiều chương trình bằng tiếng Anh trên các kênh nước ngoài hoặc Internet.

“Bước đầu đôi khi sẽ không thể hiểu hết nhưng dần dần các bạn sẽ quen nghe và từ hình ảnh có thể suy ra từ vựng” - cô Thanh nói.

Là giảng viên tiếng Anh của một trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM, anh Anh Phong cho rằng người học cũng nên chủ động trong việc học của mình. Không phải cứ về nhà chép lại từ mới 10 lần là sẽ nhớ bài. Đặt câu gây sốc để nhớ lâu là phương pháp mà anh Anh Phong khuyến khích. “Câu gây sốc sẽ làm bạn nhớ từ lâu hơn”, anh Phong nói.

Ca sĩ Thanh Duy, người từng là giảng viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ lớn, kể rằng ba mẹ Duy không học tiếng Anh từ trước, chỉ bằng việc xem tivi và nghe phụ đề, nay đi nước ngoài, họ đã có thể nói được những câu đơn giản và tự tìm được đường về khách sạn. “Hãy thể hiện sự chủ động của bạn trong việc học vì học là học cho mình” - Thanh Duy chia sẻ.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Cô Đào Thị Hồng Thanh

>> Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm

>> Anh Trần Đăng

>> Chị Lâm Ngọc Phước Thu

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên