01/09/2017 16:16 GMT+7

Không nên chủ quan với dị ứng thức ăn

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk

Đối với dị ứng thực phẩm, các phản ứng dị ứng (đặc biệt là sốc phản vệ) không phụ thuộc số lượng ăn vào nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể.

Không nên chủ quan với dị ứng thức ăn - Ảnh 1.

Dị ứng thức ăn là một tình trạng phổ biến mà nhiều người gặp phải, nhất là những người có cơ địa nhạy cảm, các biểu hiện của dị ứng thức ăn như nổi sần ngoài da, sưng phù lưỡi và môi, khó thở… tưởng như bình thường nhưng lại gây ra những vấn đề lớn đối với sức khỏe con người, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Tất cả các loại thực phẩm nói chung đều có thể gây dị ứng, nhưng các loài hải sản như tôm, cua, sò, mực là hay gây dị ứng hơn cả. Tuy vậy, dị ứng thực phẩm cũng chỉ xảy ra trên một số ít người có phản ứng dị nguyên với một số loại thực phẩm nhất định mà thôi.

Nguyên nhân gây dị ứng do thực phẩm có 3 loại:

Thứ nhất là do thực phẩm có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein "lạ", khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng.

Thứ hai là một số protein có trong thực phẩm chỉ đóng vai trò là một "bán kháng nguyên" hay kháng nguyên không đầy đủ. Loại này khi vào cơ thể sẽ kết hợp với nhóm "quyết định kháng nguyên" sẵn có gây nên dị ứng.

Nguyên nhân thứ ba là do một số thực phẩm có chứa nhiều chất histamin. Chất này khi vào cơ thể cũng gây nên các triệu chứng như dị ứng.

Các loại thực phẩm hay gây dị ứng là động vật thuộc nhóm giáp xác (cua, tôm, mực, sò…), nhộng tằm, nhộng ong, ba ba, cá, lươn, chạch, sữa, trứng, sữa chua, lạc, đỗ…

Đối với dị ứng thực phẩm, các phản ứng dị ứng (đặc biệt là sốc phản vệ) không phụ thuộc số lượng ăn vào nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể.

Dị ứng thực phẩm biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau sau khi ăn. Đầu tiên là các biểu hiện đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. Tiếp đó là các biểu hiện ngoài da như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mề đay. Các biểu hiện thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngất, hôn mê. Các tổn thương niêm mạc như phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng. Các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản. Đặc biệt là sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp… Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Với người đã và đang bị một chứng bệnh dị ứng thì cần thận trọng hơn khi ăn các thực phẩm lạ, thực phẩm chế biến sẵn, vì ngay cả những chất bảo quản cũng có thể gây dị ứng cho những người có cơ địa nhạy cảm. Tăng cường tập luyện và đảm bảo dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng.

Khi có biểu hiện dị ứng thức ăn cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị, không chủ quan hay chậm trễ vì diễn biến của dị ứng thực phẩm rất nhanh, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Không tự ý dùng thuốc theo sự mách bảo khi chưa có chỉ định của thầy thuốc, bệnh sẽ càng nặng hơn.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên