13/11/2013 07:24 GMT+7

Không mua xe công, tinh giản biên chế

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Ngày 12-11, với 87,95% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy hành chính năm 2014

4uqol4oL.jpgPhóng to
Ông Vũ Đức Đam - Ảnh: V.Dũng

Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 782.700 tỉ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.006.700 tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 224.000 tỉ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Tiếp tục miễn thuế

Năm 2014, Quốc hội tiếp tục thực hiện miễn thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân...

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ đánh giá chính xác, tăng cường kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm an toàn nợ công, trả nợ đúng cam kết, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách nhà nước còn nợ.

Trước đó, Quốc hội cũng thông qua nghị quyết điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Theo đó, căn cứ số hụt thu thực tế của ngân sách trung ương năm 2013, Quốc hội đồng ý giao Chính phủ nâng mức bội chi năm 2013 để bù đắp số hụt thu ngân sách trung ương nhưng không quá 195.500 tỉ đồng, tương đương 5,3% GDP ước thực hiện.

Về xử lý hụt thu ngân sách địa phương năm 2013, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát thực hiện triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết, không hiệu quả và cho phép các địa phương không đủ nguồn bù đắp hụt thu ngân sách được sử dụng không quá 70% quỹ dự trữ tài chính để bù vào số hụt thu ngân sách năm 2013.

EkQhAbIk.jpg
Ông Phạm Bình Minh - Ảnh: V.Dũng

Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý

Trong năm 2014, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu chi ngân sách, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo nghị quyết, bội chi ngân sách chủ yếu để sử dụng cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ, triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công.

Ngoài ra, phải thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc; cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác; không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn.

Quản lý chặt phương tiện vận tải hành khách đường thủy

Chiều 12-11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đọc tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Trong báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị bổ sung quy định đối với phương tiện giao thông đường thủy nội địa kinh doanh vận chuyển hành khách vì các phương tiện này phải có yêu cầu cao hơn, khác biệt hơn, nhất là về an toàn so với phương tiện tự đi lại thông thường, nhất là đối với một số phương tiện chở khách đặc thù như tàu cao tốc, tàu cánh ngầm...

* Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật công chứng (sửa đổi). Nhiều ý kiến băn khoăn về trình độ của công chứng viên hiện nay còn hạn chế khiến hoạt động công chứng gặp rất nhiều rủi ro. Đại biểu đề nghị quy định chi tiết chuẩn công chứng viên theo hướng nâng cao chất lượng của đội ngũ công chứng viên.

Tăng cơ cấu phó thủ tướng lên 5 người

Ngày 12-11, với 87,75% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc tăng số lượng phó thủ tướng Chính phủ, nâng cơ cấu phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII lên năm người. Quốc hội cũng thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ phó thủ tướng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh; tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam.

Tờ trình của Thủ tướng nêu rõ: Ông Vũ Đức Đam sinh năm 1963, trình độ chuyên môn tiến sĩ kinh tế, ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông Vũ Đức Đam là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế Tổng cục Bưu điện, phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ, vụ trưởng Vụ Asean Văn phòng Chính phủ; thư ký và trợ lý cố thủ tướng Võ Văn Kiệt; bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ... Ông Đam là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét: Trong quá trình công tác, ông Đam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công, có đủ phẩm chất và năng lực để đảm đương nhiệm vụ phó thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết dự kiến phân công ông Vũ Đức Đam giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi chỉ đạo khối văn hóa xã hội, khoa học, giáo dục và đào tạo.

* Trong tờ trình đề nghị bổ nhiệm chức vụ phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Ngoại giao đối với ông Phạm Bình Minh, Thủ tướng cho biết: Ông Phạm Bình Minh sinh năm 1959, trình độ chuyên môn thạc sĩ luật ngoại giao, ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông Minh là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã qua đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có: phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao; đại sứ, phó trưởng đại diện thường trực VN tại Liên Hiệp Quốc; công sứ - phó đại sứ VN tại Hoa Kỳ; bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Minh là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X từ tháng 1-2009; ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Thủ tướng nhận xét: “Trong quá trình công tác, ông Phạm Bình Minh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công trên cương vị bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông có đóng góp tích cực vào thành tựu chung của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Ông Phạm Bình Minh có đủ phẩm chất, năng lực để đảm đương chức vụ phó thủ tướng - bộ trưởng Bộ Ngoại giao”.

______________________

Quan sát nghị trường:

“Làm, làm và làm...”

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua xác định rõ: “Bội chi ngân sách chủ yếu được sử dụng cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ”. Quốc hội giao Chính phủ phải “triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc”. Tinh giản biên chế là vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra với tần suất cao từ ngay đầu kỳ họp.

Đại biểu lo lắng vì bộ máy hành chính đang phình to đột biến. Trong ba năm (từ 2009-2012), số lượng cán bộ công chức tăng gần 39% (từ 386.050 người lên 535.528 người), lượng viên chức tăng hơn 50% (từ 1.118.650 người lên 1.699.288 người). Quốc hội càng lo hơn khi kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có bất cứ con số định tính nào về chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ công chức, viên chức “khủng” kia. Có chăng chỉ là thông tin được báo cáo miệng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-9: kết quả sơ bộ ban đầu chỉ có trên dưới 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Theo Luật công chức, công chức có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ bị buộc thôi việc.

Bộ máy phình to, trong khi chiếc bánh ngân sách thì ngày một teo lại dẫn đến hệ lụy là “đang có câu chuyện lương thì giả vờ mà làm thì vật vờ” - đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nhận xét. Còn đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng nếu như lấy 1/3 số công chức - tương đương khoảng 700.000 người - làm việc không hiệu quả nhân với mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng thì mỗi năm nước ta lãng phí 16.800 tỉ đồng tiền lương chi trả cho những người không làm được việc.

Chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 10-2013 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đã hạn chế đầu vào nhưng vẫn phải khơi thông đầu ra. Một dòng sông nếu không được thay nước thường xuyên, không có thủy triều lên xuống, không có nước lớn nước ròng thì sớm muộn cũng trở thành ao tù nước đọng hay tệ hại hơn là biến thành dòng sông chết. Nhân sự trong một bộ máy hành chính cũng vậy. Sự thiếu cạnh tranh lành mạnh, thiếu giám sát đánh giá, chỉ có vào mà không có ra khiến bộ máy trì trệ, kém hiệu quả, kéo lùi sự phát triển và nảy sinh tiêu cực.

Chủ trương tinh giản biên chế đã có từ lâu, nhưng nói như đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) thì: “Lâu nay mình chỉ nói chứ không giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể cho ai phải làm”. Bà Dung đề xuất: “Bây giờ phải tính toán lại tổng bộ máy xem cần phải tinh giản bao nhiêu, tinh giản ở chỗ nào, ngành nào rồi giao chỉ tiêu. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ sắp xếp nhân sự để bộ máy của anh hoạt động hiệu quả. Nếu không làm được, anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Còn đại biểu Bùi Thị An thì sốt ruột: “Riêng việc này, nhiều năm rồi nói mà không làm được thì bây giờ hãy thôi hô khẩu hiệu đi, bớt “tăng cường”, “quyết tâm” đi, mà hãy xác định rõ: phải “làm, làm và làm”... Đã đến lúc phải tính toán tỉ lệ số công chức trên số dân để siết lại. Chứ như mình bây giờ là đã vào thì không có ra, đã lên (chức) thì không có xuống (chức)”.

MAI HƯƠNG

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên