25/10/2020 10:57 GMT+7

Không lùi bước vì mặc cảm

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Sống xa vòng tay cha mẹ từ khi còn là học sinh tiểu học, Cao Quyền Anh (18 tuổi, quê Quảng Ngãi) phải bươn chải đủ mọi việc để có tiền chi tiêu và nuôi ước mơ đến trường.

Không lùi bước vì mặc cảm - Ảnh 1.

Dù mỗi ngày chỉ có 2 tiếng để học bài nhưng Quyền Anh luôn đạt kết quả cao trong học tập - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Bằng nỗ lực phi thường, Quyền Anh đã vượt qua thiếu thốn tình cảm và vật chất để đạt kết quả học tập tốt, trở thành sinh viên của Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM).

Mình không vì chuyện của mẹ mà thấy nản chí. Ai nói gì kệ họ, mình chỉ quan tâm chuyện bản thân và tự động viên phải cố gắng vượt qua.

Cao Quyền Anh

Tuổi thơ cơ cực

Trong căn phòng trọ nhỏ xíu, trống huơ trống hoác ở Q.7 (TP.HCM), Quyền Anh tâm sự mới vào TP được ít hôm. Tranh thủ chờ lịch học, bạn rảo qua một số con phố xem các quán ăn, quán cà phê nào đang tuyển nhân viên để xin vào làm.

Để có tiền đóng học phí, bạn phải đi vay, sau đó sẽ đi làm thêm để trả dần. Dù phía trước nhiều thử thách nhưng bạn tin rằng mình sẽ trụ được ở thành phố này, vượt lên nghịch cảnh.

Sóng gió ập đến năm Quyền Anh học lớp 4, đó là khi mẹ phải đi "học tập cải tạo", cùng lúc ấy cha bị ung thư. Đứa em trai nhỏ hơn mấy tuổi lại ngây dại, không biết gì, bởi chứng bệnh thiểu năng tuần hoàn não. Biết mình chẳng sống được bao lâu, người cha đem hai con từ Ba Tơ (Quảng Ngãi) về Thanh Hóa sống với ông nội, được một thời gian thì cha qua đời.

Đôi mắt hoe đỏ, Quyền Anh nhớ lại: "Kể ra thì buồn, ba mình hồi đó không đi được, phải ngồi ở ghế. Lúc mất, ba gục xuống đó. Mấy bữa trước ba đau, mệt cũng gục như thế nên mình không biết. Sau thấy ông nội rơi nước mắt mới biết ba mất rồi".

Cha qua đời, hai anh em Quyền Anh ở với ông nội đã ngoài 70 tuổi, nhà lại quá nghèo. Những tháng mùa mưa, bão lũ, ba ông cháu phải ăn khoai khô trộn đậu phộng thay cơm. "Ở Quảng Ngãi nghèo lắm nhưng còn được ăn cơm, đến Thanh Hóa có khi mấy tháng trời cả nhà chỉ ăn khoai" - Quyền Anh xúc động.

Đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng cậu bé lớp 4 mỗi sáng phải dậy sớm cho heo, gà ăn, làm việc nhà rồi mới đến trường. Buổi nào không đi học thì cắt rau thuê. Tối về lại tất bật với bầy heo gà, rồi tắm rửa cho em.

Hết năm lớp 6 thì mẹ về, ba mẹ con dắt nhau trở lại Quảng Ngãi. Những tưởng tháng ngày u ám sẽ khép lại, thế nhưng chỉ vài tháng sau mẹ lại đi cải tạo lần hai. Cú sốc quá lớn khiến Quyền Anh tưởng như sụp đổ. "Lúc đó mình từng nghĩ rằng nếu chết đi thì sẽ không còn khổ nữa. Nhưng khi bình tĩnh mới thấy phải mạnh mẽ, còn cả tương lai phía trước...", bạn tâm sự.

Làm việc nhà từ 4h sáng

Giận mẹ, thời gian đầu ông bà ngoại không đón các cháu về nuôi. Hai đứa trẻ tự xoay xở, chăm sóc nhau. Thời gian ấy cũng có một người bạn của mẹ xuống trông chừng nhưng hai anh em Quyền Anh chẳng thể nguôi ngoai nỗi buồn thiếu vắng cha mẹ. Gần một năm sau, ông bà ngoại mới đón các cháu về. Bên ngoại chẳng khá gì hơn so với bên nội, vì vậy cậu học trò lại tiếp tục đủ mọi nghề, kiếm tiền phụ ông bà.

4h sáng mỗi ngày, Quyền Anh dậy nhóm bếp, nấu nồi cám to cho bầy heo ăn, sau đó xách nước và bỏ rơm cho bò. Những hôm trời vào đông, cóng lạnh hết tay chân, bạn tủi thân nhưng chỉ biết tự an ủi: hoàn cảnh như vậy thì đành chịu thôi!

Sáng lên lớp, chiều về ai kêu gì làm nấy. Năm học cấp III, Quyền Anh chỉ nặng hơn 40kg nhưng vẫn đi rừng khai thác cây keo, bóc vỏ keo và vác ra chất lên xe cho chủ. Công việc này vốn chỉ dành cho người lớn nhưng vì quá khó, chàng trai đành năn nỉ chủ và được nhận vào làm: "Nhà con khổ quá, mấy chú cho con đi làm với. Sức con đến đâu con làm đến đó, các chú cho con bao nhiêu tiền thì con nhận bấy nhiêu".

Những khúc keo dài tầm 3,5m, nặng hơn 50kg, Quyền Anh cứ lầm lũi vác đi. "Vác cái này phải biết cách, mình nhìn người ta làm rồi làm theo, chống một đầu cây xuống đất rồi dựng thẳng cây lên, sau đó ghé vai vào, mới quỳ chân từ từ đứng lên. Một tay giữ một đầu để cây không sụp xuống đập vào mặt. Không biết cách cõng là cây đập vào mặt, gãy tay gãy chân ngay" - Quyền Anh kể.

Đi rừng ai cũng có giày chuyên dụng chống trơn trượt, do không có tiền mua nên bạn đành mang dép cao su. Những lần vác keo xuống núi, đường trơn trượt, cây keo trên lưng nặng trịch chỉ chực đổ ập xuống, nhiều lúc ngã cắm đầu.

Mùa hè, Quyền Anh đi phụ hồ, đẩy xe đất cho vườn ươm... Đôi tay sần sùi to bè cũng vì phải làm nhiều việc nặng từ sớm.

Cứ vậy, cậu trò nhỏ bền bỉ đến trường, đi qua 12 năm học. Đến trước ngày thi tốt nghiệp mấy hôm thì mẹ mới về. Mẹ về rồi nhưng lúc này vẫn chưa có việc làm ổn định, chặng đường phía trước Quyền Anh lại một mình bước đi...

Ham học nhưng cậu bạn nói mình không có thời gian để học, mỗi ngày chỉ được 2 tiếng đồng hồ. Thế nhưng bằng sự quyết tâm, năm lớp 10 và 11 Quyền Anh là học sinh giỏi, lớp 12 đạt học sinh khá.

17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 'Mẹ ơi, con đậu đại học'

TTO - Mùa Vu lan, Sâm ngồi trên chiếc giường đối diện bàn thờ của mẹ, cậu gói ghém sách vở vào những thùng giấy, chuẩn bị cho hành trình mới ở TP.HCM dự báo đầy chông gai sắp đến - những ngày ở giảng đường.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên