Kiểm dịch viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế kiểm tra thân nhiệt du khách nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế Cam Ranh - Ảnh: THẢO LY |
Ngày 24-3, ông Nguyễn Đắc Tài – phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – cho biết trước thông tin một du khách Úc vừa đi du lịch tại Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), đảo Cá Voi và Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), TP.HCM dương tính với virut Zika (được cho là liên quan đến bệnh đầu nhỏ) khi trở về nước, tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tăng cường giám sát cộng đồng.
"Bộ Y tế chỉ đạo Khánh Hòa nâng mức độ cảnh báo dịch bệnh do virut Zika lên mức đã có người mắc, nên trước mắt tại một số bệnh viện lớn của tỉnh tăng cường giám sát đối với các ca mắc bệnh sốt, sốt xuất huyết nhưng điều trị ngoại trú. Đồng thời tổ chức lấy mẫu máu ở cộng đồng dân cư nơi khách nước ngoài thường xuyên tiếp xúc như ở các P.Lộc Thọ, P.Xương Huân (TP Nha Trang) để xét nghiệm” – ông Tài cho hay.
Cùng ngày, bác sĩ Bùi Xuân Minh – giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa – cho biết đã triển khai đến các cơ sở khám chữa bệnh, yêu cầu lấy mẫu máu của tất cả các ca bệnh nghi sốt xuất huyết dạng nhẹ ở mọi lứa tuổi đến khám ngoại trú ở khoa nhiễm bệnh viện để gởi về Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm virut Zika.
Theo TS Viên Quang Mai – viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, đến ngày 24-3, VN vẫn chưa phát hiện ra ca bệnh do virut Zika nào, nhưng vì có du khách đến VN rồi trở về mà mắc bệnh thì coi như đã có người mắc để chủ động phòng chống tốt hơn.
Nói về công tác tầm soát, BS Nguyễn Hoa Hội – giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Sở Y tế Khánh Hòa – cho biết hơn một tháng qua, toàn bộ nhân lực của trung tâm đã tập trung vào cửa khẩu hàng không quốc tế Cam Ranh và sáu cửa khẩu hàng hải quốc tế trên địa bàn Khánh Hòa để giám sát thân nhiệt và tình trạng sức khỏe của du khách đến và đi.
“Khó khăn là bệnh do virut Zika gây ra có thời gian ủ bệnh trong 12 ngày, trong khoảng này chỉ 20% là có các biểu hiện đặc trưng như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn và nôn; 80% còn lại thì triệu chứng không rõ ràng. Do vậy, có thể khi du khách đến rồi đi, không có biểu hiện gì lạ về sức khỏe nên không phát hiện được” – ông Hội nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với Zika tại tỉnh Bình Thuận. Tại đây, ông Long yêu cầu nâng mức độ phòng chống dịch. Riêng tại Mũi Né, Bình Thuận, thứ trưởng Long yêu cầu mở rộng giám sát tại cộng đồng, đặc biệt là nơi cư trú của du khách như khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, phát hiện sớm du khách có dấu hiệu chỉ điểm của bệnh như trên để lấy mẫu xét nghiệm. Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại và du lịch. |
* Cùng ngày, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng viện Pasteur TP.HCM nhận định nếu đúng theo du khách này kể thì thời gian ủ bệnh Zika (từ 3 đến 12 ngày) của bệnh nhân là thời gian du khách này đang ở Việt Nam nên không loại trừ khả năng lây nhiễm bệnh tại Việt Nam.
Viện Pasteur TP.HCM tăng cường thêm giám sát dịch bệnh tại TP.HCM, Lâm Đồng. Tuy nhiên, sẽ tập trung chủ yếu vào TP.HCM vì đây là nơi có nhiều du khách đến, người bệnh ở các tỉnh lên các bệnh viện ở TP.HCM điều trị nhiều.
Ngày 28-3 tới, Viện Pasteur TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM giám sát virut Zika tại 30 bệnh viện tại TP.HCM gồm 24 bệnh viện quận huyện và 6 bệnh viện khác, kể cả bệnh viện tư nhân.
Theo Sở Y tế TP.HCM, dự kiến sáng mai 25-3, Sở Y tế TP.HCM sẽ có buổi tập huấn cho các bệnh viện triển khai lấy mẫu xét nghiệm tìm virut Zika.
Trong khi đó, bác sĩ Đồng Sỹ Quang, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Dược Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Virus Zika lây nhiễm vào cơ thể người có liên quan đến loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên những năm gần đây, loài muỗi này không phát triển ở Đà Lạt. Do đó xác suất du khách Úc nhiễm virus Zika khi đến Đà Lạt là rất thấp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp tầm soát dịch”.
Trên thế giới đã có 59 nước đã phát hiện có người nhiễm virút Zika. Trên thế giới, trong đó có VN, muỗi truyền bệnh nhiễm virut Zika hay sốt xuất huyết chưa thể một sớm một chiều giải quyết được. Chưa kể, trứng của muỗi lây truyền bệnh Zika và sốt xuất huyết lại có thể sống bên ngoài được từ 6 tháng đến 1 năm trong điều kiện của nước ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận