Nghị quyết của hội đồng thẩm phán được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý các tội xâm hại tình dục. Nếu theo các quy định này, hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh, cựu phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng, có thể sẽ dễ dàng xử lý hơn chứ không bị kéo dài như thời gian qua - Ảnh cắt từ clip
Dự thảo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số điều luật liên quan đến các tội xâm hại tình dục đã cụ thể hóa một số hành vi, tình huống, từ đó hóa giải những khúc mắc khi xử lý các tội danh liên quan.
Lâu nay, do không có hướng dẫn, hoặc các hướng dẫn đã cũ không còn phù hợp với quy định mới của luật dẫn đến việc lúng túng trong xử lý các tình huống liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục, để lại sự ấm ức cho nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Rất cần thiết
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) từng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều nạn nhân các vụ án xâm hại tình dục.
Bởi vậy, ông Đức cho rằng trước thực trạng tội phạm xâm hại tình dục, nhất là xâm hại đối với trẻ em, đang có chiều hướng gia tăng phức tạp, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao dự thảo nghị quyết hướng dẫn áp dụng các tội quy định từ điều 141 đến 147 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) là điều rất cần thiết, rất đáng hoan nghênh.
Về cơ bản, những hành vi được mô tả trong dự thảo nghị quyết đáp ứng được một phần công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục hiện nay.
Đồng ý với quan điểm của luật sư Đức, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng dự thảo nghị quyết đã quy định cụ thể một số hành vi như: hôn, sờ đùi, sờ mông, đụng qua lớp áo trẻ em... đều có thể bị xử lý.
Việc quy định cụ thể từng hành vi như thế sẽ khiến những người tiến hành tố tụng dễ dàng xác định được tội danh và hành vi, tránh nhiều trường hợp có việc xâm hại xảy ra nhưng cơ quan điều tra từ chối khởi tố vì cho rằng hành vi không cấu thành.
Vẫn còn bức xúc vì câu chuyện một nạn nhân (trẻ em) bị người quen xâm hại tình dục đến có con (đã có xét nghiệm ADN) nhưng cơ quan điều tra từ chối khởi tố bị can do nạn nhân không nhớ được nơi bị xâm hại là nơi nào (do nạn nhân được chở đi bằng xe máy đến nơi hoàn toàn khác nên không nhớ được cụ thể ở khách sạn hay nhà nghỉ nào), bà Nữ nói rằng do luật chưa có hướng dẫn cụ thể, thậm chí do những người tiến hành tố tụng tắc trách khiến nạn nhân phải chịu ấm ức, uất hận.
Nhưng nhiều điều vẫn chưa rõ ràng
Thừa nhận việc ban hành dự thảo nghị quyết là cần thiết nhưng luật sư Đức cho rằng về kỹ thuật xây dựng lập quy thì chưa ổn. Việc sử dụng phương pháp liệt kê có mặt thuận lợi, tuy nhiên cũng dễ phát sinh tình huống khó xử lý một số hành vi xảy ra trong thực tế nhưng không nằm trong "danh sách liệt kê".
Như vậy, nếu một hành vi xâm hại tình dục khác nằm ngoài các hành vi đã được liệt kê thì các cơ quan tố tụng có dám xử lý hình sự đối tượng thực hiện không?
"Chưa kể, trong mục mô tả về hành vi dâm ô, dự thảo liệt kê một số bộ phận cơ thể được coi là vùng nhạy cảm. Nếu đối tượng không sờ, hôn, bóp vào vùng đã được liệt kê mà vào vùng khác thì sao?
Đơn cử như đối tượng hôn, sờ, bóp vào vùng dái tai, cổ, bụng chẳng hạn thì có bị xem là có hành vi dâm ô không? Bởi vì trong thực tế, những vùng này cũng là vùng nhạy cảm nhưng không được liệt kê trong dự thảo" - ông Đức đặt câu hỏi.
Ngoài ra, về tình tiết định khung hình phạt đối với tình tiết "có tính chất loạn luân" trong dự thảo nghị quyết còn chưa đầy đủ. Dự thảo mới nêu về những trường hợp "cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ, anh chị em cùng mẹ khác cha".
Dự thảo chưa đề cập đến nhóm quan hệ "cha mẹ nuôi với con nuôi hoặc con nuôi với cha mẹ nuôi". Dù họ không cùng là huyết thống nhưng Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự đều quy định quan hệ cha mẹ nuôi với con nuôi là quan hệ trong gia đình và được thừa kế lẫn nhau nên "theo tôi, cần xác định người thực hiện hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với nạn nhân là cha mẹ nuôi hoặc con nuôi cũng là có tính chất loạn luân mới thỏa đáng".
Góp ý về dự thảo này, ông Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng dự thảo mới đang đưa ra hướng giải quyết những vấn đề đang xảy ra rất nóng trong thời gian qua chứ chưa nhận diện được chính thức vấn đề. Ví dụ, hành vi dùng tay véo má, ngắt đùi nạn nhân thì rõ ràng là hành vi tấn công tình dục chứ không thể đưa vào nhóm hành vi dâm ô.
"Khi ép các hành vi ấy vào tội dâm ô thì chỉ giải quyết được phần ngọn mà không giải quyết được cái gốc để điều chỉnh hành vi của xã hội" - ông Truyền nói.
Sờ đầu cũng là hành vi dâm ô
Hướng dẫn cho điều 146, dự thảo viết: Dâm ô quy định tại khoản 1 điều 146 của Bộ luật hình sự là một trong các hành vi sau đây nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi:
- Sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người dưới 16 tuổi;
- Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn... vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác;
- Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...).
Tổ chức hội thảo lấy ý kiến người dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trí Tuệ, phó chánh án TAND tối cao, cho rằng dự thảo đã liệt kê hết các hành vi rồi, do đó nếu các chuyên gia, người dân nhận thấy vẫn chưa đủ thì có thể góp ý.
Hiện nay dự thảo đang trong giai đoạn lấy ý kiến của chuyên gia và đầu tháng 7-2019 TAND tối cao sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của người dân để nghị quyết được hoàn thiện, vừa bảo vệ được các nạn nhân bị xâm hại, vừa nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận