Không hối hận vì đã chọn nghề giáo!

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - “Tôi không hối hận đâu, nếu chọn lại tôi vẫn làm nghề dạy học!”.

Cô giáo Đàm Thị Thu Thủy, dạy học ở Bắc Hà, Lào Cai, có tuổi đời trẻ nhất trong số 64 thầy cô giáo cắm bản - Ảnh: Nguyễn Khang
Cô giáo Đàm Thị Thu Thủy, dạy học ở Bắc Hà, Lào Cai, có tuổi đời trẻ nhất trong số 64 thầy cô giáo cắm bản - Ảnh: Nguyễn Khang

Câu nói chân thành của cô giáo Lê Thị Hằng - người đang bám trụ ở huyện nghèo Lang Chánh, Thanh Hóa - bên lề cuộc gặp chiều 12-11 của lãnh đạo Bộ GD-ĐT với 64 thầy cô giáo tới từ 62 huyện vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn khiến nhiều người xúc động.

Cô Hằng là một trong số rất nhiều thầy cô giáo đại diện cho các thế hệ giáo viên cắm bản, đã vượt lên vô vàn khó khăn để mang cái chữ đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa. Người lớn tuổi nhất đã sắp nghỉ hưu với hơn 30 năm trong nghề, người trẻ nhất cũng có 3-4 năm cần mẫn với nghề giáo.

Những vất vả mà các thầy cô phải đối diện đều vượt quá mức hình dung ban đầu của họ, nhưng không một ai nghĩ tới việc rời bỏ nghề.

“Dù khó khăn, vất vả nhưng tôi vẫn tâm niệm: trong đời dạy học, cái tôi được lớn nhất là học sinh. Ở đây, tôi cảm nhận được rất rõ tình cảm của học sinh đối với tôi. Điều đó không phải ai làm nghề này cũng có được

Cô giáo Trần Thị Thu Thủy (Trường tiểu học dân tộc nội trú Xá Nhè, Tủa Chùa, Điện Biên)

“Tôi đã khóc vì thương bọn trẻ quá khổ!”

“Lần đầu tiên tôi tới dạy ở điểm trường xa nhất, cách thị trấn nơi tôi sống 20km, mà đường khó đi lắm, chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Đập vào mắt tôi là hình ảnh đứa trẻ tay cầm cục cơm nguội, bàn tay kia xòe ra giữ những hạt muối trắng để chấm ăn... Nước mắt tôi đã chảy. Tôi khóc thương những đứa trẻ ở nơi nghèo khó ấy, và tôi đã quyết định ở lại đấy, ở cho tới tận bây giờ” - cô giáo Lê Thị Hằng, giáo viên Trường tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa, chia sẻ với Tuổi Trẻ bên lề cuộc gặp của các thầy cô với lãnh đạo Bộ GD-ĐT.

Đồng Lương, huyện Lang Chánh chưa có đường, chưa có điện, trạm xá thì ở xa, giao thông khó khăn, trẻ em ở đây gần như cách biệt với thế giới văn minh.

“Hồi tôi mới dạy học, chuyện gì của bọn trẻ cũng khiến tôi muốn khóc. Tôi nhớ trong sách giáo khoa lớp 4 có vẽ hình nhiều loại trái cây, tôi hỏi các em học sinh có biết đó là quả gì không, không một em nào biết. Tôi hỏi đã có em nào được ăn phở chưa, chúng tròn mắt không biết phở là thứ gì... Không có tivi, không có gì để kết nối bọn trẻ với cuộc sống ở bên ngoài.

Dạy học lâu ở đây, tôi thường có thói quen bỏ vào túi áo vài vỉ thuốc thông dụng để sẵn sàng sơ cứu cho bọn trẻ. Hễ về thị trấn, tôi liền đi mua vở, mua bút vì bọn trẻ rất thiếu thốn” - cô Hằng kể.

Mỗi tuần về thăm nhà vào thứ bảy thì chủ nhật cô Hằng lại lầm lũi với hành trình đi bộ 20km để lên điểm trường, gánh theo nào gạo, thực phẩm, bút, vở... “Tôi mang lương thực cho mình, nhưng cũng để chia bớt cho dân, vì tôi nghĩ no đói gì cũng phải có nhau” - cô Hằng nói.

Không chỉ dạy chữ cho bọn trẻ, cô Hằng còn tìm mua và đọc nhiều sách về nông nghiệp để tư vấn cho người dân trồng lúa, trồng rau. Suốt 36 năm trong nghề gắn bó với điểm trường hẻo lánh, cô Hằng giờ được người dân chuyển từ gọi “cô giáo” sang “bà giáo”.

Tuy nhiên chia sẻ với Tuổi Trẻ, cô nói: “Trường thấy tôi có tuổi cũng gợi ý cho tôi chuyển về trường chính. Nhưng tôi không muốn thế, vì ở đó bà con yêu quý tôi, học trò mong ngóng tôi. Tôi vẫn sẽ bám trụ với mọi người cho đến khi nào không còn sức khỏe để dạy nữa mới thôi”.

Còn cô giáo Phùng Thị Huyền, giáo viên mầm non ở Huổi Lếch, Mường Nhé, Điện Biên, xúc động kể học sinh của cô có em không có quần mặc, nhiều em đến lớp nhưng không có dép để đi... Điện lưới không có, đồng nghĩa với việc trẻ em ở đây bị cô lập với cuộc sống muôn màu muôn sắc bên ngoài.

“Bọn trẻ khổ như thế mà thầy cô không kiên trì bám trụ lại được thì thấy có lỗi với dân, với học trò. Nhiều người đã nghĩ như thế để vượt qua những khó khăn, thiếu thốn không thể nào kể hết được” - cô Huyền nói.

Cũng có tâm sự tương tự cô Hằng, cô Huyền, cô Tạ Thị Hương - giáo viên Trường dân tộc nội trú xã Hiếu, Kon Plong, Kon Tum - chia sẻ: “Tôi có 15 năm dạy học ở đồng bằng, và chỉ mới dạy học ở xã Hiếu 5 năm. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi không khỏi so sánh những đứa trẻ ở đồng bằng với đám trẻ nơi tôi đang dạy. Có những thứ rất bình thường với bọn trẻ ở vùng thuận lợi thì lại là mơ ước không bao giờ có của học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Điều đó khiến tôi càng thương học sinh, và cũng là động lực để tôi xung phong đến bám trụ ở điểm trường xa nhất!”.

Khó khăn chồng chất từng ngày

64 thầy cô giáo có mặt tại cuộc gặp gỡ mang theo 64 câu chuyện về đời “cắm bản”. Họ đều là những người bám trụ tại những điểm trường xa nhất, khó khăn thiếu thốn nhất. Nhiều nơi trong số đó chưa có điện, không có đường giao thông... Thiếu thốn về vật chất, thiếu thốn tình cảm gia đình, nhưng các thầy cô còn phải đối diện với rất nhiều áp lực, khó khăn.

“Bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất trong việc dạy dỗ trẻ em người dân tộc thiểu số. Nhiều khi muốn gần gũi, muốn chia sẻ với các cháu nhưng thật khó khăn” - cô Phùng Thị Huyền tâm sự. Những thầy cô giáo mới “cắm bản” đều phải vượt qua một hành trình chung là học tiếng địa phương, làm quen với các phong tục, tập quán để hòa nhập. Đó là cách duy nhất để dân tin, để có thể vận động được học sinh tới lớp.

“Lần đầu lên vùng cao, tôi đã rất hoang mang vì không thể tưởng tượng được những khó khăn cứ chồng chất từng ngày. Lớp tôi đảm nhiệm có 100% học sinh là người Mông, cùng lúc tôi phải dạy lớp ghép ba trình độ. Không chỉ dạy chữ mà rất nhiều kỹ năng tối thiểu khác bọn trẻ đều không biết, đều xa lạ. Nếu không kiên trì, nếu không có tình cảm thực sự sẽ không thể nào trụ lại được” - cô giáo Đàm Thị Thu Thủy, đang dạy học ở Bắc Hà, Lào Cai, tâm sự.

Mệt mỏi, hoang mang là tâm trạng thầy cô nào cũng trải qua, nhưng rồi họ đã vượt lên được những phút yếu mềm. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, dạy học ở Tân Sơn, Phú Thọ, có mấy chục năm trong nghề nhưng mới chỉ được vào biên chế khoảng chục năm nay, cho biết: “Tôi thường phải đi bộ khoảng 5-6km để tới điểm trường, rồi ở đó cả ngày với bọn trẻ. Không còn cách nào khác nên tôi phải chấp nhận để con ở nhà một mình. Đôi lúc nản chí, nhưng cứ nghĩ giờ này chắc bọn trẻ đang chờ mình thì tôi phải quay lại lớp. Và thế nên tôi lại tiếp tục!”.

Chia sẻ với các thầy cô giáo, bà Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nói: “Làm giáo dục đã khó, nhưng làm giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn khó gấp trăm lần. Ngành GD-ĐT thực sự cảm ơn các thầy cô giáo đã và đang bám trụ ở những vùng khó khăn".

Chỉ là hạt cát thôi!

Cô giáo Lê Thị Hằng - Ảnh: Phương Nhi
Cô giáo Lê Thị Hằng - Ảnh: Phương Nhi

“Những chia sẻ của các thầy cô ở nhiều vùng miền khiến tôi hiểu họ cũng như tôi, cũng đang phải khắc phục rất nhiều khó khăn, thiếu thốn để bám trụ với nghề, để dạy dỗ những đứa trẻ thiệt thòi. So với biết bao khó khăn, gian khổ của hàng ngàn giáo viên khác, tôi nghĩ mình chỉ là hạt cát nhỏ bé thôi. Vì thế, cố gắng được đến đâu, tôi vẫn tiếp tục, không đòi hỏi gì cả!”.

Cô giáo Lê Thị Hằng 
(Trường tiểu học Đồng Lương, Lang Chánh, Thanh Hóa)

 

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên