16/11/2016 11:14 GMT+7

Không để trò “lạc” giữa đồng bưng

SƠN LÂM (sonlam@tuoitre.com.vn)
SƠN LÂM (sonlam@tuoitre.com.vn)

TTO - Xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, Long An nằm sâu giữa vùng Đồng Tháp Mười. Từ quốc lộ 62, quần áo phải bết đầy bụi đường, len giữa nhiều rừng tràm bạt ngàn gần 20km mới đến được Trường THCS Thạnh Phước nằm ở vị trí trung tâm xã.

Cô Chi giúp học trò kiểm tra lại các thiết bị dự thi sáng kiến khoa học - Ảnh: SƠN LÂM
Cô Chi giúp học trò kiểm tra lại các thiết bị dự thi sáng kiến khoa học - Ảnh: SƠN LÂM

Ngôi trường này đến nay vẫn là công trình lớn nhất xã, và ở đó có cô giáo Nguyễn Thị Kim Chi - tổ trưởng tổ địa của trường - sở hữu nhiều sáng kiến. Cô Chi là giáo viên được vinh danh tại lễ vinh danh giáo viên xuất sắc do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Cô như người thân trong nhà

Đang giờ ra chơi, cô Chi cũng đang giữa vòng vây của hàng chục học trò. Giữa họ đang có nào là “máy cắt lục bình”, “máy tưới nước trên không”, “máy vớt rác đa năng”... Cô Chi hí hoáy kiểm tra từng thiết bị, lũ học trò cũng thay nhau quệt mồ hôi trán.

Đó đều là những sáng kiến của các học sinh lớp 8, lớp 9 trong trường. Cô Chi đang kiểm tra lại giúp, trước khi cùng mấy đứa học trò leo lên... xe tải chở đá mà cô đã nhờ trước đó để quá giang ra thị trấn Thạnh Hóa tham dự cuộc thi sáng kiến khoa học cho học sinh.

Nghe cô Chi “tra khảo” từng chi tiết máy của các học trò, không ai nghĩ cô là giáo viên địa lý. Cô Lê Thị Mỹ Linh - hiệu phó nhà trường - cười giải thích: “Cô Chi hay lắm, cái gì cũng biết. Nên nhiều hoạt động đoàn thể nhà trường toàn nhờ nơi cô”.

Nghe cô hiệu phó nói, cô giáo 49 tuổi quay sang phân bua: “Từ lúc trở về từ Hà Nội sau khi dự lễ, đến nay toàn ngồi trên mạng nghiên cứu máy móc để kiểm tra tụi nhóc không đó”. Rồi cô Chi nói thêm: “Tụi nhóc hay hơn mình nhiều. Tụi nó nghĩ ra rồi làm, mình đi theo kiểm tra không thôi mà phải cố gắng lắm mới theo kịp”.

Cái câu “tụi nhóc hay hơn mình nhiều” cô Chi nói đi nói lại rất nhiều lần trong suốt buổi trò chuyện. Với 25 năm dành cho lứa tuổi cấp II, cô Chi dường như luôn trân quý những suy nghĩ, sáng kiến của học trò. Như cuộc thi sáng kiến khoa học này, chính các học trò đăng ký cho cô.

Nghe các sáng kiến của học trò, cô phải mày mò thêm trên Internet để theo kịp ý tưởng, cùng giúp các học trò ở khâu hoàn thiện cuối cùng. Với các học trò, dường như chúng cũng rất thoải mái trước cô giáo mà mới nhìn trông rất “khó tính” này. “Cô, cô”, “con, con”, cả sân trường rôm rả quanh các “thiết bị khoa học”, đầy ắp tiếng cười.

“Mình cứ thương trò như con thì trò mới coi mình như người nhà”, cô Chi nói.

Cô luôn làm sao để học trò tôn trọng mình một cách thoải mái nhất, cô trò như không có khoảng cách. Mà tụi nhỏ ở ấp này, nếu không phải học trò thì cũng coi cô như là người lớn trong nhà rồi. Bởi cả cái ấp Cả Sấu trung tâm xã Thạnh Phước, có ai mà không biết cô Chi. Cô về đây từ lúc chưa có con đường đi vào xã này. Cả xã như đồng bưng chỉ nước với rừng tràm.

Thời đầu chỉ có xuồng tay, cô Chi đã từng đưa chèo đi khắp các ngõ ngách để vận động học sinh đi học, đôi tay của cô thô ráp theo những giờ buông phấn bảng, cầm mái chèo đi tìm nhà học sinh. “Giờ đỡ rồi, chứ hồi trước học trò tui đứa nào đứa đó chèo xuồng riết tay chân to khuỳnh”, cô Chi kể.

Nhà thương thuyết chất phác

Đến tận bây giờ, với chiếc xuồng máy, cô Chi thỉnh thoảng cũng phải đi đến một vuông tràm nào đó giữa mênh mông sông nước, đó là khi một học sinh nghỉ học hai, ba ngày mà không có phép. “Dấu hiệu tụi nhỏ bỏ học là đó. Tự dưng lơ là và lăn đùng ra bỏ học - cô Chi cho biết và nói thêm - Tìm ra nhà rồi thì “anh ba, chị tư cho tui nói chuyện chút” để thuyết phục phụ huynh”.

“Cái lối nói chất phác của cô thuyết phục phụ huynh, chứ tụi mình học theo hoài không bằng. Cô là nhà thương thuyết đại tài đó”, cô hiệu phó Mỹ Linh cười góp lời. “Vùng sâu có khó khăn nhưng lại có lợi thế hơn ở thành phố, đó là ngoài làm công tác giảng dạy, đứng tiết trên lớp thì giáo viên còn dễ dàng thực hiện được công tác giáo dục thường xuyên hơn vì cùng ấp, cùng bưng. Ngoài giờ học thì cô trò cũng gặp nhau hằng ngày”, cô Chi nhận xét.

Nói thì đơn giản vậy, nhưng để đạt được thành tích 100% sĩ số lớp đối với công tác chủ nhiệm ở một vùng sâu như cô Chi qua nhiều năm, không phải ai cũng làm được. Có khi cô lấy luôn tiền túi cả triệu đồng, bao tiền đò nguyên năm học cho học sinh, mới được phụ huynh chấp thuận cho con họ tiếp tục theo học.

Còn đó những khó khăn

Giờ nhìn chung đã đỡ khó khăn hơn xưa, nhưng việc duy trì sĩ số vẫn là một trong những thách thức không nhỏ của nhà trường.

Những buổi tới thăm nhà, vận động phụ huynh cho con theo học của cô Chi cũng không còn được đón tiếp niềm nở như trước. “Hồi xưa nghe cô giáo tới là lấy nước ra liền. Giờ thì ngược lại, mình tới nhà phải tự lấy ghế ra, phủi bụi mời phụ huynh ngồi để nói chuyện”, cô Chi kể.

Mới đầu năm nay, một học trò sau khi thi tốt nghiệp lớp 9 được phụ huynh đưa tới để... ký vào giấy không thi vào lớp 10. Cô Chi nói mà mắt rưng rưng: “Tui thuyết phục cả tiếng đồng hồ, phụ huynh còn nạt lại cả tụi tui. Trong khi con họ thì nước mắt rơi lã chã nhòe cả tờ giấy”.

Những con đường nối sâu vào xã cũng đưa theo nhiều chuyến xe chở công nhân đi về hằng ngày. Qua một mùa hè, nhiều em nhận ra mình đã có thể đi làm gia công trong công xưởng tháng kiếm vài triệu. Phụ huynh cũng nhận ra con mình đã có thể kiếm tiền. Cô Chi nói thêm: “Trong khi đó nhiều bạn đi học cao đẳng, đại học ra rồi cũng không có việc làm. Điều này ảnh hưởng tâm lý các em rất lớn”.

Nhưng dù sao, đó cũng chỉ là những nỗi buồn ít ỏi giữa đồng bưng mà cô Chi tự nhận mình khó thay đổi hết được sau bao nhiêu năm dạy học. Niềm vui của cô là nhiều thế hệ học trò trường đã thoát ra khỏi đồng bưng, làm kỹ sư, bác sĩ, giảng viên ở khắp nơi. “Ít ra thì những đứa tốt nghiệp lớp 9, đi làm công nhân cũng xem như đã thành người”, cô Chi như tự nói với chính mình.

SƠN LÂM (sonlam@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên