Mặc dù trước đó trường đã nhận sai sót.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT nói trước hết cần khẳng định chính sách ưu tiên của quy chế tuyển sinh năm nay hầu như không thay đổi so với các năm trước.
"Tuy nhiên, các năm trước, việc nhập dữ liệu là của trường CĐ, ĐH; còn năm nay, việc này do các trường PTTH thực hiện. Các năm trước, những nhầm lẫn tương tự được giải quyết trong cơ sở dữ liệu riêng của các trường CĐ, ĐH; còn năm nay, giải quyết những nhầm lẫn này trên cơ sở dữ liệu chung nên thông tin được tổng hợp tập trung và chỉ đạo thống nhất", bà Phụng nói.
* Sáu thí sinh đậu thành rớt ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đều khẳng định việc khai hồ sơ diện ưu tiên đối tượng 06 do trường THPT hướng dẫn, không phải thí sinh tự ghi. Trong trường hợp này rõ ràng thiệt thòi cho thí sinh. Quan điểm xử lý của Bộ GD-ĐT trong việc này ra sao để đảm bảo quyền lợi thí sinh?
- Quan điểm chung của Bộ GD-ĐT là giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh một cách công bằng, hợp lý và có căn cứ; tránh tình trạng các thí sinh bị trượt oan nhưng cũng tránh tình trạng chính sách bị lợi dụng hoặc sau khi giải quyết thì kết quả là các thí sinh không nghiên cứu quy chế, không kê khai hồ sơ đúng thì được lợi hơn các thí sinh có trách nhiệm, nghiên cứu kỹ quy chế và kê khai hồ sơ đúng… dẫn đến mất công bằng xã hội.
Việc xác định hồ sơ sai do ai thì phải có căn cứ, dựa vào thẩm quyền, quy trình đã được quy định và thực tế thực hiện ở từng địa phương.
Nếu xác định nhầm lẫn do thí sinh thì mặc dù rất đáng tiếc nhưng các em vẫn phải tự chịu trách nhiệm. Thực tế là các em đã có ít nhất ba lần để rà soát điều chỉnh thông tin: lúc đăng ký dự thi tại trường THPT, lúc đi thi, lúc ĐKXT vào trường CĐ, ĐH.
Các em không thể không biết quy định trong quy chế: “Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
Nguyên tắc hậu kiểm thì bao giờ và ở đâu cũng bắt buộc phải có, trong các hướng dẫn cho thí sinh cũng đã đề cập đến vấn đề này. Vì thế, không thể dựa vào lý do năm nay đổi mới mà có thể giải quyết quyền lợi một cách thiếu căn cứ cho những em làm chưa đúng.
* Đối với các trường THPT tư vấn sai cho thí sinh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các em, Bộ GD-ĐT có hình thức xử lý gì không?
- Quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh quy định: thí sinh có trách nhiệm ĐKDT theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKDT và hồ sơ ĐKXT.
Thực tế, thí sinh được cấp tài khoản riêng để kiểm tra thông tin cá nhân của mình trên hệ thống và kiểm tra danh sách thi; nếu thấy có sai sót thì phải báo ngay cho cán bộ của hội đồng thi hoặc nơi ĐKXT để xử lý kịp thời.
Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh nộp phiếu ĐKDT chịu trách nhiệm hướng dẫn đăng ký dự thi; kiểm tra hồ sơ của người học đăng ký tại trường. Sở GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức ĐKDT, tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi...
Quy chế cũng quy định: người tham gia công tác tuyển sinh là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế, nếu có đủ chứng cứ, tùy theo mức độ, sẽ bị cơ quan quản lý cán bộ xử lý theo quy định của Luật viên chức, Luật cán bộ, công chức và các văn bản quy định về xử lý kỷ luật viên chức, công chức.
Như vậy, để xảy ra sai sót, có cả lỗi của một số thí sinh chưa có trách nhiệm nghiên cứu kỹ các quy chế để xác định đúng đối tượng của chính mình, trong nhiều công việc còn ỷ lại vào cha mẹ, thầy cô; giáo viên và hiệu trưởng trường THPT, sở GD-ĐT đã chưa thực hiện hiệu quả công tác tập huấn, chỉ đạo, hướng dẫn ĐKDT theo nhiệm vụ đã được quy định.
Vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trong những trường hợp bị hướng dẫn sai, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các sở GD-ĐT tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai sót; báo cáo kết quả về Bộ GD-ĐT để minh bạch thông tin, tránh tiêu cực và gây bức xúc trong dư luận.
* Nhưng trên thực tế rất nhiều giáo viên các trường THPT nhầm lẫn trong việc xác lập đồi tượng ưu tiên 06. Chính các trường THPT cũng không biết mình sai, vậy làm sao đòi hỏi thí sinh phải hiểu rõ quy chế này? Rõ ràng việc phổ biến, hướng dẫn quy chế của bộ chưa hiệu quả. Vậy Bộ GD-ĐT có giải pháp gì để khắc phục việc này?
- Giải pháp khắc phục việc này cho những năm sau cần phải thực hiện đồng bộ: công tác tập huấn tuyển sinh sẽ phải được tăng cường; các địa phương cần thường xuyên báo cáo về bộ những vấn đề phát sinh để được chỉ đạo thống nhất và phải phối hợp với các cơ quan hữu quan như sở LĐTB-XH để xác định đối tượng ưu tiên chính xác.
Các nhà trường cần hướng dẫn và các cơ quan báo chí cũng cần hỗ trợ tuyên truyền để thí sinh hiểu rõ chính sách, nâng cao trách nhiệm cá nhân của một công dân đã trưởng thành trong việc ĐKDT, ĐKXT đúng quy định.
Đó là tiền đề để khi có đủ điều kiện sẽ tiến tới đăng ký trực tuyến và thực hiện cơ chế “hậu kiểm” như các nước phát triển đã làm; tránh tình trạng các thí sinh không nghiên cứu quy chế, quá ỷ lại vào thầy cô, gia đình và không phải chịu trách nhiệm về việc ĐKDT không đúng quy định.
* Sở GD-ĐT Quảng Nam đã có tờ trình gửi Bộ GD-ĐT thừa nhận sai sót của Trường THPT Trần Cao Vân, đồng thời cho biết sẽ xử lý kỷ luật nhân viên của trường để xảy ra sai sót này. Vụ GDĐH và Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT trả lời với phụ huynh "nếu lỗi không thuộc về thí sinh thì sẽ giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi thí sinh". Vậy đến nay, bộ đã xem xét việc này thế nào?
- Đối với thí sinh Bùi Thiên Hoàng, Sở GD-ĐT Quảng Nam đã có tờ trình báo cáo về việc hướng dẫn sai đối tượng ưu tiên (06) cho thí sinh Bùi Thiên Hoàng. Sở cũng đã nêu lỗi nhầm hồ sơ do hai đơn vị Công an TP Tam Kỳ và Trường THPT Trần Cao Vân, đồng thời đề nghị bộ tạo điều kiện tối đa cho thí sinh.
Để có cơ sở đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Sở GD-ĐT Quảng Nam trực tiếp cho phép thí sinh ĐKXT bổ sung nguyện vọng 1 vào các trường, ngành phù hợp với điểm thực của thí sinh.
Trên cơ sở kết quả xác nhận sai sót của Trường THPT Trần Cao Vân, xác nhận của Sở GD-ĐT và nguyện vọng của thí sinh… Bộ sẽ trao đổi với các trường CĐ, ĐH mà thí sinh ĐKXT để thực hiện xét tuyển bổ sung cho thí sinh.
* Hiện tất cả thí sinh này rất buồn, có em suy sụp tinh thần do bị rớt ĐH oan ức. Các em đều có nguyện vọng được xem xét trúng tuyển vào các trường ĐH khác có điểm chuẩn phù hợp vời điểm thi của mình. Bộ GD-ĐT có xem xét việc này không?
- Nếu xác định được cơ quan nhà nước hướng dẫn sai làm thiệt thòi cho thí sinh thì một mặt giải quyết cho thí sinh được đảm bảo quyền lợi hợp lý, mặt khác, cơ quan nhà nước phải xử lý nghiêm người làm sai.
Việc giải quyết phải đảm bảo để thí sinh không bị trượt oan nhưng cũng không hạ chất lượng tuyển sinh để giải quyết những sai sót này, nếu có. Cơ chế mà thời gian qua bộ đã áp dụng với một số trường hợp là xác định điểm thực cho các em; sở GD-ĐT địa phương cho phép các em ĐKXT bổ sung vào các trường, ngành phù hợp với điểm thực đó.
Trên cơ sở đó, Bộ sẽ trao đổi với các trường CĐ, ĐH mà các em ĐKXT bổ sung để thực hiện xét tuyển bổ sung cho các thí sinh bị hướng dẫn sai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận