![]() |
Các cô dâu Việt làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Sở Tư pháp Cần Thơ - Ảnh: Quang Vinh |
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ năm 1995 đến hết 2010, đã có trên 294.000 công dân VN kết hôn với người nước ngoài hoặc kết hôn với công dân VN định cư tại nước ngoài. Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Thủ tướng trình Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch VN gần 60.000 cô dâu Việt tại Đài Loan và gần 5.000 cô dâu Việt tại Hàn Quốc.
Kết hôn vì muốn thoát nghèo
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận xét trong năm năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý kết hôn với người nước ngoài ngày càng hoàn chỉnh. Tuy vậy, hiện nay việc chấm dứt tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp; thực hiện hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, đảm bảo phong tục, tập quán của đất nước trong nhiều trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài vẫn chưa thực hiện được bởi đây là những cuộc hôn nhân “4 không”: không tình yêu; không hiểu biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; không biết tình trạng sức khỏe và không biết hoàn cảnh gia đình của đối tượng đến cầu hôn.
Ông Đinh Trung Tụng, thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhận định việc kết hôn này có khuynh hướng “chạy theo phong trào”, nhắm đến mục đích kinh tế hơn là hạnh phúc gia đình. Vì thế không ít trường hợp các cô gái trẻ chấp nhận kết hôn với người chồng Đài Loan già yếu, tàn tật, bệnh hoạn, mất năng lực hành vi dân sự. Một số chị em gặp rủi ro, ngược đãi.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, nói việc phụ nữ VN lấy chồng nước ngoài vì lý do kinh tế đã làm biến đổi chuẩn mực xã hội, thay đổi quan niệm về giá trị hôn nhân trong một bộ phận người dân. Chính vì những biểu hiện và nhận thức sai lệch này đã đẩy không ít cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo biến cuộc hôn nhân của mình với người đàn ông không quen biết thành cách để giúp bản thân và gia đình thoát nghèo.
Điều tra xã hội học cho thấy có đến 31% cô dâu muốn lấy chồng Đài Loan để kiếm việc làm và tăng thu nhập, trên 15% muốn kiếm chồng giàu để giúp đỡ gia đình.
Biến “4 không” thành “5 biết”
Kết quả khảo sát năm 2011 của Viện Khoa học lao động - xã hội (thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội) cho thấy có nhiều cô dâu gặp trắc trở trong hôn nhân, thậm chí bị gia đình nhà chồng ruồng rẫy phải ôm con trốn về quê ngoại.
Để khắc phục tình trạng hôn nhân “4 không”, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải có giải pháp để biến “4 không” thành “5 biết”. Cụ thể là biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; biết tình trạng sức khỏe; biết hoàn cảnh gia đình của đối tượng sẽ kết hôn; hiểu biết pháp luật về hôn nhân gia đình; biết về thực trạng những cuộc hôn nhân nước ngoài thành công và thất bại của những chị em đi trước, từ đó xây dựng hôn nhân trên nền tảng có tình yêu, sự hiểu biết và cảm thông chia sẻ.
Đồng thời Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao phải có sự phối hợp trong việc hoàn chỉnh các hệ thống pháp luật liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đưa ra các biện pháp đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ, ngăn chặn các hành vi trục lợi, phạm pháp từ những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
“Phong trào” lan từ Nam ra Bắc Tại miền Tây Nam bộ, ban đầu việc lấy chồng Đài Loan và Hàn Quốc được khoanh vùng với trung tâm là Cần Thơ và một số tỉnh xung quanh, về sau mở rộng ra các tỉnh thành phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh... Ông Nguyễn Thành Đông, giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết theo thống kê từ năm 2005-2010, Cần Thơ có trên 13.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận