09/01/2016 18:02 GMT+7

Không đặt nặng điểm số

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TTO - “Không đặt nặng vấn đề về điểm số khi đánh giá học sinh tiểu học” là ý kiến của ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, nhân câu chuyện “Xấu hổ vì con được 9 điểm”.

Ông Vinh nói: 

- Tôi xin nhấn mạnh là bài kiểm tra định kỳ vào cuối học kỳ I và cuối năm học chỉ là một trong bốn điều kiện để xét hoàn thành chương trình lớp học (lên lớp). Bài kiểm tra đó chỉ yêu cầu đạt điểm 5 trở lên được xem là hoàn thành. Cho nên có thể thấy việc đánh giá học sinh tiểu học hiện nay không đặt nặng vấn đề về điểm số.

Theo thông tư 30, việc đánh giá thường xuyên hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học, hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học không dùng điểm số mà tập trung vào việc quan sát, theo dõi, trao đổi, nhận xét với học sinh.

Để hoàn thành chương trình lớp học, học sinh phải được đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục: Hoàn thành. Đánh giá định kỳ cuối năm học các môn học theo quy định: đạt điểm 5 (năm) trở lên. Mức độ hình thành và phát triển năng lực: Đạt. Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất: Đạt.

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng: "Thời bây giờ tìm điểm 7, 8 ở học sinh tiểu học sao khó quá. Hầu hết các em đều đạt điểm 9, 10 mặc dù trong đó có nhiều em không thật sự giỏi. Trong khi trước kia, để đạt điểm 10 rất khó". Theo ông, đặc điểm này phản ánh trình độ học sinh nâng lên so với trước kia hay còn nguyên nhân nào khác nữa? 

- Chương trình tiểu học ở nước ta hiện nay được xây dựng cho tất cả các vùng, miền: từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi và các em chỉ cần đạt được chuẩn kiến thức - kỹ năng (bài kiểm tra cuối học kỳ I hoặc cuối năm học đạt 5 điểm) là đáp ứng được một trong bốn điều kiện để hoàn thành chương trình lớp học (được lên lớp).

Học sinh ngày nay phát triển rất tốt, có nhiều điều kiện để hiểu biết và tiếp thu nhiều, nhanh hơn trước đây (chế độ dinh dưỡng tốt hơn, các em được tiếp cận các phương tiện thông tin hiện đại, điều kiện học tập cũng tốt hơn ngày xưa...) nên việc đạt điểm cao hơn chuẩn cũng là đương nhiên. Mặc dù vậy nhưng không phải bất kỳ ở đâu, đơn vị nào hầu hết học sinh cũng đều đạt 9, 10 điểm mà tùy theo vùng miền, điều kiện từng địa phương, đơn vị mà có các mức độ điểm đạt được khác nhau.

* Thưa ông, ông quan niệm như thế nào là một học sinh giỏi bậc tiểu học? (các em cần đạt điểm số bao nhiên, có những phẩm chất nào...) 

- Thông tư 30 hiện nay không xếp loại học sinh nên không có danh hiệu học sinh giỏi. Các trường tiểu học tiến hành khen thưởng học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT như sau: cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

Vì vậy, các bậc cha mẹ đừng quá quan trọng về điểm số, đừng tự gây áp lực cho mình và cả cho con, cần phối hợp tốt với giáo viên, nhà trường tạo điều kiện để học sinh được hình thành, phát triển thật tốt các năng lực và phẩm chất của các em. Ở lứa tuổi tiểu học, trẻ cần sự động viên của người lớn để ham thích học tập và học một cách vui vẻ.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Ảnh: H.HG
Ông Nguyễn Quang Vinh - Ảnh: H.HG.

 

* Với vai trò là một nhà quản lý giáo dục, ông có lời khuyên nào đối với phụ huynh trong việc giáo dục và đánh giá năng lực của con cái? 

- Tôi cho rằng giáo dục con người là cả một quá trình lâu dài, quan trọng là hình thành phẩm chất và năng lực cho trẻ chứ không phải là điểm số. Người lớn cần động viên khuyến khích sự tiến bộ của con trẻ, khuyến khích trẻ vượt lên chính mình, đó mới là điều đáng quý. Ở bậc tiểu học, trẻ không cần phải học thêm, các bậc phụ huynh cũng không nên nhồi nhét kiến thức cho con trẻ, không nên bắt trẻ phải học quá nhiều mà hãy quan tâm hướng dẫn cho trẻ cách học, tự học và các kỹ năng cần thiết cho trẻ trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh và nhà trường cần hợp tác chặt chẽ trong việc giáo dục cho trẻ; phụ huynh cần liên lạc thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm, nắm bắt các thông tin kịp thời của nhà trường thông qua sổ liên lạc để cùng biết và cùng tham gia đánh giá, hướng dẫn, giáo dục cho trẻ. Nếu có điều gì còn băn khoăn về kết quả học tập của con em, các bậc cha mẹ cứ thẳng thắn và mạnh dạn trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm hoặc hiệu trưởng nhà trường để thông hiểu và yên tâm về việc học của trẻ.

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên