Thông qua ứng dụng ngân hàng trên điện thoại, địa chỉ mail..., các ngân hàng thương mại và ví điện tử tiếp tục ra thông báo khuyến cáo khách hàng phải xác thực sinh trắc học trước thời điểm ngày 1-1-2025 nhằm đảm bảo các giao dịch thanh toán trực tuyến của người dân được thông suốt, không bị gián đoạn.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng nỗ lực triển khai nhiều phương thức khác nhau như qua app, tại quầy... hỗ trợ khách hàng sớm cập nhật sinh trắc học.
Như tại quầy giao dịch, nhiều ngân hàng đã kéo dài giờ làm việc trong tuần, làm thêm cả thứ bảy và chủ nhật để hỗ trợ khách hàng cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học.
Theo ông Chu Lâm Thái - phó giám đốc khối công nghệ thông tin SHB, số lượng khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học tại SHB đến nay đạt khoảng 90% so với tổng số khách hàng cần thực hiện giao dịch.
SHB đặt mục tiêu đến trước ngày 1-1-2025, tất cả các khách hàng trên kênh online đều được cập nhật sinh trắc học để khách hàng chuyển khoản, thanh toán hóa đơn... một cách bình thường.
Theo thống kê mới nhất của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 13-12 đã có 66,6 triệu khách hàng cá nhân được đối chiếu sinh trắc học.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN - cho biết đã yêu cầu các tổ chức tín dụng và công ty tài chính quyết liệt triển khai việc xác thực sinh trắc học cho khách hàng.
Ông Hùng cũng khuyến cáo người dân lưu ý cập nhật sinh trắc học và các giấy tờ tùy thân hợp lệ trong năm 2024 để tránh việc gián đoạn các giao dịch do bị hạn chế hoặc tạm dừng một số dịch vụ ngân hàng, bao gồm cả giao dịch trực tuyến và sử dụng máy ATM/CDM.
Theo quy định của thông tư 17 và thông tư 18 năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-1-2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến như rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền... nếu chưa xác thực thông tin sinh trắc học.
Như vậy, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa các quy định trên có hiệu lực. Về việc bắt buộc khách hàng phải xác thực sinh trắc học khuôn mặt, vân tay..., Ngân hàng Nhà nước giải thích đây là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng lừa đảo trực tuyến, đảm bảo người thực hiện giao dịch là chính chủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận