21/02/2006 03:28 GMT+7

"Không còn độc quyền, tình hình sẽ khác…"!

QUỐC THANH thực hiện
QUỐC THANH thực hiện

TT - Mùa khô 2006... lại thiếu điện, theo dự báo là vào khoảng 150 - 200 triệu kWh. Vì sao điệp khúc này cứ kéo dài? PGS.TS Lê Chí Hiệp - chủ nhiệm bộ môn công nghệ nhiệt - lạnh Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM - lý giải:

KSTHyYj5.jpgPhóng to
TT - Mùa khô 2006... lại thiếu điện, theo dự báo là vào khoảng 150 - 200 triệu kWh. Vì sao điệp khúc này cứ kéo dài? PGS.TS Lê Chí Hiệp - chủ nhiệm bộ môn công nghệ nhiệt - lạnh Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM - lý giải:

- Thiếu điện mùa khô! Đó là một điệp khúc, một tình trạng mà tôi hay gọi là “đến hẹn lại lên”. Tôi nghĩ rằng người dân cần kiên nhẫn hơn để nghe điệp khúc… thiếu điện trong một thời gian nữa (có lẽ là không ngắn đâu).

Song, tôi cũng nghĩ nên có sự chia sẻ những khó khăn khách quan hiện tại của đất nước trong việc đảm bảo nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện cho sinh hoạt, cho sản xuất. Nhưng về lâu dài cứ nghe mãi điệp khúc thiếu điện thì không thể chịu nổi.

* Thưa ông, nguyên nhân của tình trạng thiếu điện mùa khô đã được mổ xẻ nhiều. Nhưng ông có thể chia sẻ thêm điều gì?

- Theo tôi, một trong những nguyên nhân sâu xa là bài toán an ninh, an toàn năng lượng của VN chưa được giải quyết bằng cái nhìn tổng thể, chưa xem xét giải quyết việc thiếu điện trong mối quan hệ với các hoạt động năng lượng khác bên ngoài lĩnh vực thuần túy về điện.

Dường như lâu nay khi đề cập đến năng lượng và các nguồn cung cấp năng lượng, hình như nước ta cứ coi việc phát triển các nhà máy thủy điện và nhiệt điện là biện pháp then chốt, không quan tâm lắm đến việc phát triển các nguồn năng lượng khác; không quan tâm đến việc hướng dẫn và khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi thói quen sử dụng điện; không quan tâm đến việc hoàn chỉnh các chính sách về giá và thuế trong sử dụng năng lượng, cũng như các biện pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Dễ dàng thấy rằng bằng các biện pháp phối hợp như vậy có thể góp phần làm giảm phụ tải lưới điện, làm giảm bớt áp lực phải đầu tư những nhà máy điện mới.

Thực tế cho thấy trong những năm qua “ông nhà đèn” chỉ chú ý giải quyết vấn đề thiếu điện trong không gian hoàn toàn khép kín, trong nội bộ và nội lực của ngành mà không nhìn rộng ra các mặt khác, không huy động được sức lực của toàn xã hội, cũng như không kết hợp với các cơ quan khác bên ngoài ngành điện.

Tôi nghĩ hoàn toàn có thể lấy bài học của ngành điện thoại để giải quyết bài toán cơ chế mở cho ngành điện. Thậm chí ngành điện có những điều kiện thuận lợi hơn để giải quyết cơ chế mở trong đầu tư phát triển và đa dạng hóa các dạng năng lượng. Vấn đề là ngành điện có quyết tâm và chịu làm hay không.

Thật ra, hai ba năm gần đây có những dấu hiệu mở cửa của ngành điện nhưng còn ở giai đoạn cực kỳ sơ khai. Nếu trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là ngành điện, không còn độc quyền nữa có lẽ tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Tôi cho rằng một trong những giải pháp để giải quyết căn cơ bài toán đảm bảo an toàn năng lượng, chủ yếu là năng lượng điện, thì không thể tiếp tục kéo dài hơn nữa cơ chế “một mình một chợ”.

* Ông cho rằng có thể góp phần làm giảm phụ tải lưới điện bằng việc phát triển các nguồn năng lượng khác, bằng các biện pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng?

- Tôi nghĩ và tin như vậy. Nhưng cần nhấn mạnh đây chỉ là những biện pháp bổ sung, không phải là giải pháp thay thế hoàn toàn việc phát triển các nhà máy điện.

Các nước khác và cả các nước xung quanh chúng ta đều đã và đang tìm cách gia tăng tỉ trọng sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển các nguồn năng lượng này.

Tất nhiên mọi chuyện không dễ dàng, nhưng phải bắt đầu, phải được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách hợp lý thì mới mong đẩy mạnh được việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Còn về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, tôi thấy đây là biện pháp khá quan trọng. Thực tế VN cho thấy chỉ cần đầu tư không nhiều và thực hiện các giải pháp đơn giản thì vẫn có thể tiết kiệm một lượng năng lượng đáng kể.

* Có phải ý ông muốn nói chính cơ chế độc quyền của ngành điện đã góp phần gây khó khăn thêm cho việc giải bài toán đảm bảo năng lượng cho tiêu dùng?

- Như tôi đã nói “ông nhà đèn” lâu nay quá tự tin vào nội lực và sức mạnh độc quyền của mình, nên dường như chính sách của Nhà nước ở lĩnh vực này quên đi những giải pháp mạnh nhằm khuyến khích và huy động sức dân (ở đây sức dân có thể cả trong nước và ngoài nước) cùng đầu tư phát triển các nguồn cung cấp năng lượng.

Nói tới đây tôi nhớ đến "ông điện thoại". Cách đây độ hơn chục năm "ông điện thoại" cũng còn một mình một chợ nên người dân cũng rất khổ sở vì “ông điện thoại”. Nhưng giờ đây “ông điện thoại” đã ân cần rồi và người sử dụng mới thật sự được đối xử như là “thượng đế”.

Cái quan trọng hơn nữa dịch vụ điện thoại hiện nay đã khá phong phú, nhiều nhà cung cấp, giá cả cạnh tranh... Và chắc không ai phản đối khi tôi nói “ông điện thoại” có được thái độ phục vụ như vậy là nhờ một chính sách mở cửa, cho nhiều anh cùng đá trên một sân.

QUỐC THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên