Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - gặp gỡ đô đốc Harry Harris, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tháng 5-2015 - Ảnh: Quỳnh Trung |
Chuyến thăm là cơ hội tốt để hai bên tăng cường quan hệ, nhưng nó cũng làm bộc lộ một số thách thức đáng kể mà hai bên sẽ phải vượt qua trong thời gian tới.
Vấn đề cấm vận vũ khí
Lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam đã được chính thức áp dụng từ năm 1984, đến nay đã hơn 30 năm.
Đây có thể coi là di sản lớn cuối cùng của sự thù địch song phương thời kỳ chiến tranh lạnh và là một trong những điều “bất thường” trong quan hệ Việt - Mỹ vốn đã được bình thường hóa từ năm 1995. Chính vì vậy, Việt Nam đã từ lâu đề nghị Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này.
Ông Obama sẽ thảo luận vấn đề này trong cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội. Tuy nhiên, ít nhất trong tuần trước, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã khẳng định rằng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Một số yếu tố cũng có thể khiến Mỹ cân nhắc thêm. Ngoài sự phản đối của một số nghị sĩ và tổ chức vận động nhân quyền ở Mỹ, Washington có thể cân nhắc thêm tác dụng thực chất của việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm, vì từ sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ một phần hồi tháng 10-2014 đến nay hai bên vẫn chưa có một thỏa thuận nào trong lĩnh vực chuyển giao vũ khí.
Ngoài ra, Mỹ có thể không muốn trao cho Việt Nam quyết định này như một “phần thưởng miễn phí”. Họ có thể muốn Việt Nam thể hiện tinh thần “có đi có lại”, đưa ra nhượng bộ trong một số lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, ngay cả khi lệnh cấm được gỡ bỏ hoàn toàn, chưa thấy khả năng Việt Nam sẽ mua từ Mỹ các hệ thống vũ khí tân tiến hay đắt tiền, ít nhất là trong thời gian trước mắt.
Ngoài vấn đề tính tương thích giữa các vũ khí Mỹ với các nền tảng vũ khí mà Việt Nam hiện sở hữu vốn chủ yếu do Nga sản xuất thì còn có vấn đề vũ khí của Mỹ tương đối cao giá.
Bên cạnh vấn đề vũ khí, còn có những vấn đề khác mà hai bên có thể thực hiện nhằm tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng như Mỹ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải, hợp tác cảnh sát biển, Việt Nam tham gia vào các sáng kiến an ninh khu vực do Mỹ dẫn dắt, hay tăng cường giao lưu và hợp tác hải quân, trong đó có khả năng các tàu hải quân Mỹ được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tại quân cảng Cam Ranh.
Tác động từ Biển Đông
Sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua cũng như chuyến thăm lần này của ông Obama nằm trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam là tăng cường quan hệ với các cường quốc nhằm nâng cao vị thế chiến lược của mình.
Đương nhiên, có thể thấy một trong những động lực đằng sau nỗ lực này của hai bên là tình hình Biển Đông, nhưng đó không phải là tất cả. Quan hệ song phương còn bao gồm những mảng quan trọng khác như thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học - công nghệ…
Tuy nhiên, trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông ngày càng nóng và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng tăng cao, Trung Quốc có thể cảm thấy khó chịu trước sự tăng cường quan hệ Việt - Mỹ.
Nhưng như đã nói, quan hệ Việt - Mỹ không phải nhắm vào Trung Quốc mà phục vụ những lợi ích rộng lớn hơn giữa hai nước, và bản thân Trung Quốc cũng hiểu rằng chính các hành động của họ ở Biển Đông đã đẩy không chỉ Việt Nam mà cả nhiều nước khác trong khu vực xích lại gần Mỹ hơn.
Sự can dự ngày càng sâu hơn của Mỹ với khu vực nói chung và với Việt Nam nói riêng mặc dù không thể buộc Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức sự lấn lướt của mình ở Biển Đông, nhưng có thể khiến họ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi tiến hành các hành động đe dọa ổn định khu vực.
Điều này có lợi cho Việt Nam và tôi tin các nhà hoạch định chiến lược Việt Nam đủ khôn ngoan và tỉnh táo để không bị vướng vào một cuộc đối đầu có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nguyên nhân khiến tôi tin như vậy là bởi bối cảnh chiến lược khu vực cũng như vị thế của Việt Nam hiện nay khác xa rất nhiều so với thời kỳ chiến tranh lạnh.
Vấn đề niềm tin chính trị
Có lẽ một trong những thành quả lớn nhất trong quan hệ Việt - Mỹ sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ chính là sự tăng cường niềm tin chính trị giữa hai bên, chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ và chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam lần này chỉ là hai trong số nhiều biểu hiện.
Đây là một thành quả hết sức quan trọng bởi nếu thiếu niềm tin chính trị thì sẽ khó có thể hợp tác thực chất và sâu sắc trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là an ninh - quốc phòng.
Tuy nhiên, cải thiện niềm tin chính trị song phương là một chuyện, duy trì và tiếp tục tăng cường niềm tin đó là một chuyện khác.
Nó đòi hỏi những nỗ lực không ngừng từ cả hai phía, bởi chỉ cần một vài sự cố thì niềm tin chính trị đã được dày công vun đắp đó có thể bị đổ vỡ và hai bên phải làm lại từ đầu.
Chính vì vậy, hai bên cần có những động thái cụ thể hơn để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, thông qua những bước đi chân thành, thiện chí, và quan trọng hơn là dựa trên những nhận thức chung về các lợi ích thực chất và bao trùm trong quan hệ song phương.
Chỉ khi cả hai bên đều cảm thấy hài lòng với các lợi ích từ mối quan hệ thì họ mới có thể thoải mái để tiếp tục tăng cường hợp tác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận