31/10/2018 14:16 GMT+7

Không đóng cửa hầm Hải Vân vì thiếu kinh phí

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Ông Hồ Minh Hoàng - chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Đèo Cả - cho biết sẽ dùng vốn của doanh nghiệp trả tiền điện và chi phí vận hành hầm Hải Vân chứ không có chuyện vì khó khăn sẽ đóng cửa hầm.

Không đóng cửa hầm Hải Vân vì thiếu kinh phí - Ảnh 1.

Hầm đường bộ Hải Vân - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Trao đổi với báo chí sáng 31-10, ông Hoàng cho biết do gặp khó khăn khi Bộ GTVT bỏ việc thu phí trạm Nam Hải Vân theo phương án tài chính ban đầu, nhà đầu tư phải ứng vốn chủ sở hữu quá lớn để chi phí cho hầm Hải Vân 1 nên ông Lưu Xuân Thủy - phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả - phát biểu điện lực sẽ cắt điện và "việc này việc khác".

Không có chuyện đóng cửa hầm

"Tôi vừa đi công tác nước ngoài về nghe thông tin đó nên sáng nay họp ngay Hội đồng cố vấn và báo cáo hội đồng quản trị để làm việc với Bộ GTVT. Việc đóng cửa hầm là không có và chỉ đạo trả tiền điện cho Điện lực Đà Nẵng ngay.

Làm việc với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ sáng 31-0, tôi nói đóng cửa hầm là góc độ của anh Thủy (phó tổng giám đốc phụ trách điều hành) khi thấy tình hình cân đối tài chính khó khăn. Nhưng với tư cách chủ tịch HĐQT, tôi khẳng định bằng mọi giải pháp sẽ duy trì để đảm bảo hoạt động giao thông.

Trước mắt sẽ dùng vốn công ty trả ngay cho đơn vị quản lý, khai thác hầm Hải Vân 1 và yêu cầu Bộ GTVT giải quyết đưa chi phí đó vào phương án tài chính để tháo gỡ chứ không phải để nhà đầu tư chịu liên tục", ông Hoàng cho biết.

"Ban đầu khi phê duyệt phương án tài chính, chúng tôi chưa thấy trạm thu phí của Phú Gia - Phước Tượng và nghĩ họ thu chỗ khác chứ không thu ở hầm Hải Vân. Nhưng khi dự án hầm Hải Vân 2 làm mới biết trạm Bắc Hải Vân được dùng thu phí cho hầm Phú Gia - Phước Tượng.

Bộ GTVT giải quyết cho dự án Phú Gia - Phước Tượng thu phí ở hầm Hải Vân là đứng trên góc độ người dân. Còn đứng trên góc độ nhà đầu tư chúng tôi bị ảnh hưởng và đang phải chấp nhận việc này, chờ Bộ GTVT đưa ra hướng tháo gỡ.

Khó khăn cho chúng tôi hiện tại là đường La Sơn - Túy Loan song song với hầm Hải Vân, nếu bỏ trạm thu phí ở đó thì lưu lượng xe sẽ giảm ở hầm Hải Vân vì xe sẽ đi sang đường La Sơn - Túy Loan.

Chúng tôi đã phải chia sẻ thu chung trạm Bắc Hải Vân với Phú Gia - Phước Tượng nay lại gặp thêm khó khăn khi lưu lượng xe bị chia sẻ", ông Hoàng lý giải khó khăn về phương án tài chính mà dự án hầm đường bộ Đèo Cả đang gặp phải.

Ông Hoàng cho biết khi đường La Sơn - Túy Loan làm xong, xe sẽ dồn sang đó, không đi qua hầm Hải Vân thì có bù đắp ngân sách cho dự án hầm Đèo Cả cả chục ngàn tỉ đồng cũng không đủ.

Theo phương án ban tài chính, dự án hầm đường bộ Đèo Cả (gồm hầm Cù Mông, hầm Đèo Cả và mở rộng hầm Hải Vân) được Thủ tướng chấp thuận bố trí 7 trạm thu phí Ninh An, Bàn Thạch (nay đổi thành An Dân), Đèo Cả, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan, Phú Gia - Phước Tượng để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả.

Theo hợp đồng, Đèo Cả được thu phí trạm Nam Hải Vân từ tháng 1-2017. Tuy nhiên, nhà nước dừng thu phí trạm này vì gần với trạm Bắc Hải Vân.

Vì vậy, trạm Bắc Hải Vân được thu chung để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả lẫn hầm Phú Gia - Phước Tượng. Đồng thời, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng không thu phí tại đường La Sơn - Túy Loan vì đây là tuyến đường đầu tư theo hình thức BT.

Đề nghị Bộ GTVT sửa thông tư 35

Liên quan đến cuộc làm việc với Bộ GTVT sáng 31-10, ông Hoàng cho biết đã đề nghị Bộ GTVT phối hợp giải quyết tháo gỡ vướng mắc cho dự án.

Trước mắt, đề nghị Bộ GTVT sửa thông tư 35 về quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ để phù hợp quy định pháp luật và cân đối một phần khó khăn cho nhà đầu tư.

Còn việc bù đắp bằng ngân sách khi bỏ 2 trạm thu phí Nam Hải Vân và La Sơn - Túy Loan sẽ tiếp tục đề nghị Bộ GTVT một số vấn đề cụ thể.

"Những việc thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT thì bộ phải giải quyết còn việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội, chúng tôi chờ", ông Hoàng cho biết đồng thời bày tỏ quan điểm: "Nếu Bộ GTVT giải quyết ổn thỏa thì Đèo Cả tiếp tục thực hiện dự án, không ổn thỏa thì chúng tôi báo cáo Thủ tướng".

"Nếu Thủ tướng không xử lý được thì thực hiện theo quy định pháp luật là đưa tranh chấp ra tòa. Mọi cái nằm trong hợp đồng dự án hai bên thực hiện với nhau", ông Hoàng nói thêm.

Hầm đường bộ không phải độc đạo

Về việc Bộ GTVT nghiên cứu sửa thông tư 35 theo hướng tăng mức giá tối đa qua hầm đường bộ vì đây là công trình có suất vốn đầu tư cao hơn rất nhiều so với các loại hình công trình giao thông khác, ông Hoàng cho biết các dự án hầm đường bộ không phải độc đạo, người dân vẫn có lựa chọn đi đường đèo miễn phí.

"Đi qua hầm thuận lợi và nhanh hơn đèo nhưng nếu nhà đầu tư đưa mức phí tăng theo thông tư mà người dân không đi thì chúng tôi buộc phải giảm phí để xe đi" - ông Hoàng lý giải trường hợp được tăng phí qua hầm thì nhà đầu tư vẫn gặp rủi ro


TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên