20/02/2012 06:40 GMT+7

Không chủ quan với cúm A/H5N1

THÙY DƯƠNG thực hiện
THÙY DƯƠNG thực hiện

TT - Trước thông tin cúm gia cầm lây lan nhanh ra 11 tỉnh, thành trong cả nước, ngày 19-2 phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với BS Lê Hoàng San, viện phó Viện Pasteur TP.HCM, về các chủng virút gây dịch cúm gia cầm H5N1 và nguy cơ lây bệnh cúm gia cầm sang người.

Qf4aNH3F.jpgPhóng to
Tiêu hủy vịt bị nhiễm cúm H5N1 tại xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, Quảng Trị - Ảnh: Hồ Cần

* Thưa ông, so với những năm trước, năm nay virút gây dịch cúm đã biến đổi và có nguy hiểm hơn mọi năm?

- Khoảng thời gian này không chỉ là mùa của các bệnh cúm gia cầm mà còn là mùa của các loại cúm mùa. Những năm trước cũng vậy, vào mùa này đều phải phòng dịch cúm, trong đó có dịch cúm gia cầm.

Theo khảo sát của Viện Pasteur TP.HCM, ở khu vực phía Nam cúm gia cầm vẫn còn là chủng cũ H5N1, không có biến đổi, còn tại miền Bắc đã xuất hiện các chủng mới. Khi chủng virút chưa thay đổi, tại phía Nam vẫn sử dụng văcxin truyền thống để chích ngừa cho gia cầm, trong khi tại phía Bắc sử dụng loại văcxin này cho hiệu quả kém hoặc không có hiệu quả nên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xem xét lại điều này.

* Đến nay chưa ghi nhận có sự biến đổi độc lực virút cúm gia cầm tại các tỉnh phía Nam, nhưng hai người mắc cúm gia cầm tử vong từ đầu năm đến nay trong cả nước lại rơi vào hai tỉnh ở phía Nam, vì sao?

- Từ năm 2007 đến nay, 100% những người tại khu vực phía Nam mắc cúm gia cầm đều tử vong, còn ở các tỉnh phía Bắc có những ca bệnh được cứu sống. Nguyên nhân không phải do có sự biến đổi virút cúm gia cầm có độc lực cao ở các tỉnh phía Nam, mà do người dân ở phía Nam vẫn sử dụng gia cầm mắc bệnh làm thức ăn.

Khi mắc bệnh thì không nghĩ đến cúm gia cầm, chỉ nghĩ mắc bệnh cảm, sốt thông thường và tự mua thuốc uống hoặc đi khám ở bác sĩ tư. Chính những điều này đã kéo dài thời gian đến bệnh viện điều trị. Khi đến bệnh viện thì đã trễ vì thuốc điều trị đặc hiệu cho cúm gia cầm là Tamiflu chỉ có tác dụng tốt trong vòng 48 giờ đầu khởi bệnh, còn sau đó thuốc có tác dụng rất hạn chế.

Theo điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TP.HCM, những ca bệnh nhiễm cúm A/ H5N1 đều đến cơ sở y tế chậm (sau 3-4 ngày mắc bệnh).

* Trong quá trình điều tra dịch tễ, Viện Pasteur TP.HCM đã ghi nhận được những gì đặc biệt từ hai ca tử vong này?

- Hai ca tử vong trong tháng 1-2012 vừa qua là một thanh niên 18 tuổi ở Kiên Giang và một thai phụ 26 tuổi ở Sóc Trăng, làm gà bệnh cùng với mẹ chồng, không ăn nhưng quá trình làm gà đã bị mắc bệnh. Khi thai phụ này nhập viện, các bác sĩ đã mổ bắt con ngay dù thiếu tháng và đã cứu được cháu bé.

Hiện cháu bé đã khỏe và được về nhà. Nhân viên Viện Pasteur TP.HCM đã đến tận nhà hai bệnh nhân này để lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người nhà và những ai có tiếp xúc với hai bệnh nhân này. Kết quả xét nghiệm không thấy có hiện tượng người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 lây sang người khác mà chỉ ghi nhận virút cúm từ gia cầm đã lây bệnh cho hai bệnh nhân này.

Hiện nay, tại khu vực phía Nam chỉ Sóc Trăng và Kiên Giang có ổ dịch gia cầm, chưa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm nào mới.

* Trước tình hình này, ông có lời khuyên gì cho người dân?

- Cũng như Bộ Y tế khuyến cáo về phòng bệnh cúm gia cầm, người dân không được sử dụng thịt gia cầm bệnh, chết, không rõ nguồn gốc. Thức ăn cần được nấu chín và giữ vệ sinh. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tăng cường ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, có thể uống thêm các loại thuốc bổ như vitamin C...

Khi có triệu chứng sốt cần được đưa đến các cơ sở y tế để chẩn đoán, nhất là trước đó người bệnh có tham gia giết mổ gà hoặc có nuôi gà, vịt chết. Khi đến cơ sở y tế, người bệnh cần nói rõ để các cơ sở y tế khám bệnh kỹ, phát hiện bệnh sớm.

* Khi virút biến đổi, văcxin cũ không còn hiệu quả thì hiện nay đã có loại văcxin nào thay văcxin cũ?

- Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tại phía Bắc các chủng virút mới đã kháng với văcxin cúm gia cầm mà nước ta đang sử dụng. Hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xem xét chọn loại văcxin hiệu quả hơn để chích ngừa cho gia cầm.

Riêng tại phía Nam vẫn tiến hành tiêm văcxin như bình thường vì loại văcxin cũ vẫn còn hiệu quả cao. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang có kế hoạch tiêm phòng cho những đàn gia cầm, thủy cầm tại các khu vực phía Nam. Những hộ dân có gia cầm chưa được tiêm phòng cần khai báo với thú y, khi nào có lịch tiêm cần tham gia đầy đủ.

Nhiều khả năng nước ta sẽ nhập loại văcxin mới từ Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc cũng xuất hiện những chủng virút mới như ở nước ta. Trung Quốc đang nghiên cứu và chế ra loại văcxin để phòng ngừa loại virút mới này.

* Ông có dự báo gì về tình hình dịch bệnh này trong thời gian tới?

- Dịch bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm đang gia tăng và có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Khi dịch bệnh này xảy ra thì nguy cơ lây bệnh sang người cũng tăng theo. Do vậy, người dân cần tích cực đề phòng dịch bệnh này.

* Năm 2004: có 14 ca tại bảy tỉnh, thành phố mắc cúm A/H5N1, trong đó có 10 trường hợp tử vong.

* Năm 2005: có 13 ca tại chín tỉnh, thành phố mắc cúm A/H5N1, trong đó cả 13 trường hợp tử vong.

* Năm 2006, 2007 và 2008: không có ca bệnh nào.

* Năm 2009: có một ca cúm A/H5N1 và đã tử vong.

* Năm 2010: có 2 ca tại hai tỉnh, thành mắc cúm A/H5N1, trong đó cả 2 trường hợp tử vong.

* Năm 2011: không có ca nào. (Nguồn: Viện Pasteur TP.HCM)

THÙY DƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên