13/01/2015 09:09 GMT+7

​Không chỉ tiệc “ngoại” cho khán giả Việt

VÕ CA DAO
VÕ CA DAO

TT - Một thực tế, thu hút phần đông khán thính giả đến với những chương trình nghệ thuật quốc tế vẫn là những người nước ngoài đang sống, làm việc tại VN.

Tứ tấu swing “quốc tế” với các nghệ sĩ VN và nước ngoài trong một chương trình biểu diễn tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp, TP.HCM - Ảnh: V.C.D.

Là một khán giả thường xuyên thụ hưởng những chương trình nghệ thuật đặc sắc của thế giới do các trung tâm văn hóa của nước bạn tại VN đem đến (tiệc “ngoại” cho khán giả việt, Tuổi Trẻ ngày 12-1) , tôi nghĩ cũng cần bổ sung một lời cảm ơn, rằng các trung tâm này cũng nỗ lực giới thiệu những hoạt động nghệ thuật VN đến với bạn bè quốc tế.

Một thực tế, thu hút phần đông khán thính giả đến với những chương trình nghệ thuật quốc tế này vẫn là những người nước ngoài đang sống, làm việc tại VN.

Nhưng đều đặn mỗi năm, những nghệ sĩ như ca sĩ Lê Cát Trọng Lý, nhóm ngũ tấu Sông Hồng, nhóm tam tấu Hanoian Trio, nhóm hòa tấu Hanoi Ensemble, nhóm Hanoi Brass Band hay dàn kèn gỗ của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia VN... đều được tạo cơ hội phô diễn tài năng trước cả khán giả trong nước lẫn nước ngoài.

Một ví dụ khác, mới đây nhất, một chương trình ca trù, chèo, chầu văn và hát xẩm mang tên Tiếng trúc tiếng tơ đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) chính là dịp để khán giả nước ngoài biết nhiều hơn về văn hóa Việt, mà cũng là dịp để khán giả Việt hiểu hơn về văn hóa của chính mình.

Sắp tới, cũng tại Trung tâm Văn hóa Pháp, khán thính giả tri âm sẽ có cơ hội gặp lại giọng ca Giang Trang với những tình khúc Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc Hạ huyền 2 (diễn ra ngày 7-3), hay thưởng thức ngón đàn tài hoa của nữ nghệ sĩ piano Cao Thanh Lan (diễn ra ngày 28-3).

Chưa kể, nhiều buổi tọa đàm giới thiệu sách, những triển lãm tranh, triển lãm sắp đặt cũng được các trung tâm này phối hợp với các họa sĩ VN, các công ty sách, NXB VN tổ chức đều đặn...

Tất cả hoạt động này đều được lên lịch từng quý, cập nhật thường xuyên trên trang web, Facebook của các đơn vị cũng như gửi email đến người đăng ký... cho thấy sự tận tâm lẫn tính chuyên nghiệp của những đơn vị này.

Không chỉ dừng lại ở việc chú ý đến sự hài hòa các hoạt động VN, quốc tế; các viện, trung tâm giao lưu văn hóa tất nhiên không bỏ qua những hoạt động giao lưu.

Chuỗi hòa nhạc thính phòng ngoài trời của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản là sự gặp gỡ của các nghệ sĩ Nhật, Việt. Ban nhạc cổ điển AUN J khi đến VN còn biểu diễn chung với hai nghệ sĩ VN là Ngô Trà My và Nguyễn Thanh Thủy.

Nữ nghệ sĩ piano người Mỹ Anne Chamberlain hầu như mỗi năm đều có những buổi biểu diễn chung với các nghệ sĩ VN tại Viện Goethe ở Hà Nội.

Điều đáng mừng khác là các hoạt động nghệ thuật của các trung tâm này không chỉ dừng lại ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mà đang mở rộng dần sang các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Thái Nguyên, Huế, Vũng Tàu...

Gửi gắm ở đây một niềm mong mỏi: những hoạt động như thế này sẽ diễn ra thường xuyên tại các địa phương vừa kể tên, mở rộng hơn ở nhiều tỉnh thành khác - những nơi vốn có đời sống sinh hoạt giải trí khá thiếu thốn.

Và bên cạnh lời cảm ơn là một góp ý rất nhỏ cho những hoạt động bán/phát vé cho các chương trình ca nhạc, các tuần phim là phải chăng, có thể kết hợp với các trang bán vé trực tuyến như ticketvn.com hay ticketbox.vn... để qua đó khán giả có thể đăng ký vé trên mạng.

Điều này sẽ thuận tiện hơn việc phải chạy đến tận nơi mua/nhận vé chỉ được bán/phát ngay trong giờ làm việc.

VÕ CA DAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên