14/12/2015 18:47 GMT+7

​Không bóp còi xe thì tự rước họa vào thân?

THU NGUYỆT (tổng hợp)
THU NGUYỆT (tổng hợp)

TTO - “Nhiều người dân có ý thức rất kém khi tham gia giao thông trên đường. Họ lấn làn, chạy vào đường của xe ô tô, nhiều khi dàn hàng hai, ba… Cánh tài xế tham gia giao thông ở Việt Nam mà không bóp còi thì… không dám chạy”.

Không bóp còi xe giữa biển xe cộ chen chúc như thế này thì "tự rước họa vào thân"? Ảnh tư liệu

Trong số rất nhiều bạn đọc gửi ý kiến phản ứng về văn hóa bóp kèn vô tội vạ trên đường phố hiện nay, bạn đọc Khoa Trần cho biết anh là một tài xế và có “bám vô lăng mới hiểu tiếng còi là trợ thủ đắc lực ra sao”.

“Gần 20 năm cầm lái, tôi nói thiệt, nếu không bóp còi xe, tôi không chỉ rước họa vào thân mà còn cả những hành khách trên xe của mình” - Khoa Trần nói.

Anh cho rằng lái xe trong trung tâm thành phố tạo áp lực “căng thẳng cao độ” với tài xế và không thể không bóp kèn xe. Vì sao?

“Nhiều người dân có ý thức rất kém khi tham gia giao thông trên đường. Họ lấn làn, chạy vào đường của xe ô tô, nhiều khi dàn hàng hai, ba… Cứ cầm vô lăng xuống phố là đầu óc tôi phải căng như dây đàn, nên bóp còi cũng là một phần để được an toàn. Cánh tài xế như tôi, tham gia giao thông ở Việt Nam mà không bóp còi thì… không dám chạy”.

Bạn đọc Trần Chung cũng đồng tình: “Chạy xe ở Việt Nam mà không bóp còi là tự rước họa vào thân! Nhưng bóp còi như thế nào mới là đáng bàn.

Bạn đang lái xe trong làn của mình, quan sát thấy có xe máy lơ đễnh, có khả năng lấn làn, va chạm với xe lớn, lúc này, bạn bấm còi để cảnh báo họ.

Bạn chạy vào đường nhỏ, đến đoạn giao nhau, nên bóp còi để thông báo có xe đang tới, xin cẩn thận. Bạn bấm còi như vậy là bảo vệ mạng sống cho người cùng tham gia giao thông, không phải là tranh giành đường.

Còi cũng là một tín hiệu để đảm bảo an toàn trong tham gia giao thông, giúp báo hiệu, xin đường cảnh giới… Ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, ý thức giao thông còn kém nên việc sử dụng còi là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân.

Người lơ đễnh khi tham gia giao thông, cản đường quá lâu, không nắm luật giao thông… bắt buộc những người khác phải bấm còi. Tôi sẵn sàng nhường đường cho người đi đúng, nhưng cứ trách người bấm còi thì phải xem lại”.

Trong khi đó, nhiều bạn đọc vẫn phản đối mạnh chuyện xe hơi, xe máy bấm còi vô tội vạ hàng giờ hàng ngày trên đường phố hiện nay. Không chỉ phản ánh nét văn hóa cư xử và ý thức văn minh nơi công cộng, việc lạm dụng bấm còi xe còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn của người tham gia giao thông.

Bạn đọc Trần Thị Vân cho rằng tiếng còi xe quá lớn còn làm người nghe mệt mỏi, dẫn đến bị căng thẳng, nên chỉ cần một cú va chạm nhỏ cũng khiến mọi người mất bình tĩnh, dẫn đến mâu thuẫn, xô xát…

Thính giác của bạn đọc Bảo Châu giảm sút vì tác động của tiếng còi xe: “Tôi thường hay bị stress khi ra đường và phải chịu đựng tiếng còi xe. Tình trạng này xảy ra thường xuyên khiến lỗ tai tôi thường bị ù.

Đi ngang khu vực bệnh viện, nơi cần hạn chế tiếng còi xe, thậm chí, có cả bảng cấm, nhắc nhở hạn chế dùng còi xe, người ta vẫn vô tư bấm còi, đường đông trong giờ tan tầm, tiếng còi xe vẫn inh ỏi.

Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua, nguyên nhân nằm ở đâu? Do ý thức người dân hay do luật pháp chưa nghiêm? Tôi thấy, trước mắt cứ cấm còi xe ở các tuyến đường du lịch sau đó là cả thành phố. Các nước bạn như Campuchia, Lào, Thái Lan áp dụng tốt quy định về việc hạn chế tiếng còi, tại sao nước ta lại không làm được?”

Chế tài đối với việc bấm còi

Theo quy chuẩn QCVN 09:2011/BGTVT quy định về an toàn và môi trường đối với ô tô, âm lượng của còi phải trên 90 dB (dưới 115 dB).

Từ 20-5-2010, Nghị định 34/2012/NĐ-CP đề xuất việc sử dụng còi phải đúng âm lượng quy định, nếu không sẽ bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng đối với xe môtô xe máy và 300.000 – 500.000 đồng đối với ôtô.

Từ 19-9-2012, Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định Bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

Ngoài ra, còn có Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: “...Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định...”.

*Xem Phản ứng tiếng còi xe, NSƯT Mỹ Uyên bị chửi bới ​trên đường

THU NGUYỆT (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên