05/12/2024 08:26 GMT+7

Không ăn cơm nhà, ăn ngoài tốn kém gấp đôi, gấp ba

Vì nhiều lý do, vợ chồng chị Thanh Ngân (34 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) nói không với cơm nhà. Họ quen với việc đặt đồ ăn từ các ứng dụng và gần như 100% ăn ngoài, tiêu có khi 20 triệu mỗi tháng cho việc ăn uống.

Không ăn cơm nhà, ăn ngoài tốn kém gấp đôi, gấp ba - Ảnh 1.

1.001 món cơm nhà ngon lành được một hội nhóm chia sẻ - Ảnh: Hội Thích Ăn Cơm Nhà Mẹ Nấu

Vợ chồng mạnh ai nấy ăn

“Nói ra thì ngại. Hai vợ chồng tôi không nấu nướng, mà đặt đồ ăn mỗi ngày nên không có khái niệm ăn cơm nhà. Ban đầu thì do công việc bận rộn, múi giờ sinh hoạt lệch nhịp. Sau này thì thành thói quen mà giờ muốn sửa cũng chưa sửa được”, chị Ngân chia sẻ.

Chị cho biết thời gian đầu kết hôn thì chồng chị vẫn còn làm việc cách nhà khá xa, gần 30km. Anh đi làm lúc 6h sáng và thường về đến nhà lúc 19h. Còn chị do đặc thù công việc thoải mái giờ giấc, có thể sáng chị đi làm rất trễ nhưng nhiều khi phải ở văn phòng đến tận 20-21h nên hai vợ chồng thường mạnh ai nấy ăn.

“Đây một phần cũng là thói quen từ lúc cả hai còn độc thân. Giờ giấc làm việc của tôi ở văn phòng khá lộn xộn. Tôi lại sống một mình một thời gian dài nên hầu như không nấu ăn.

Chồng tôi lại là một người khó ăn uống, chỉ thích ăn mấy món cầu kỳ và phải khéo tay. Lúc đầu tôi cũng nghĩ vợ chồng muốn thành một gia đình thì phải nấu nướng, ăn uống cùng nhau nên cũng có nấu ở nhà, nhưng không hợp khẩu vị nên ảnh cũng chỉ ăn lấy lệ”, chị Ngân nói về nguồn cơn của việc nhiều năm sau kết hôn gia đình chị không có công việc mang tên bếp núc.

Hai vợ chồng chị nói chuyện thẳng thắn với nhau, thấy người mất công mà người còn lại cũng không ăn ngon miệng. Họ đi đến quyết định là ăn ngoài cũng được, làm sao cả hai thấy thoải mái là được. Lúc nào cùng ở nhà, chị với chồng đều đặt chung một đơn rồi ngồi vào bàn ăn chung với nhau.

Nhưng đánh đổi cho sự thoải mái đó là nhà chị dù chỉ có hai vợ chồng vẫn tiêu gần hết một đầu lương cho chuyện ăn uống.

“Ăn ngoài, mà nhất là với thói quen đặt đồ ăn trên app, phải tốn gấp ba. Ăn được tô phở cũng phải 80.000 - 90.000 đồng. Rẻ hơn thì nhìn phần ăn nghèo nàn lắm, cũng không ăn được.

Buổi trưa hay đi ăn trưa với bạn bè, đồng nghiệp thì lúc 200.000 - 300.000, khi nào ăn buffet thì 500.000 - 700.000 là bình thường. Tính sơ sơ, cả hai tốn chừng 7-8 triệu tiền ăn mỗi người”, chị Ngân chia sẻ.

Đôi khi ngồi suy nghĩ, chị cũng tiếc tiền, vì nếu nấu ăn ở nhà, ăn cơm nhà có thể tiết kiệm cả chục triệu và dành dụm để mua thêm tài sản nào đó.

“Thường thì thói quen xấu dễ học và khó bỏ lắm. Nhiều năm không nấu ăn, muốn duy trì việc bếp núc thành một thói quen rất khó. Nhất là khi cả hai vẫn cứ người đi sớm, người về trễ như hiện tại.

Ngày nghỉ, hai vợ chồng hay dắt nhau đi các khu mua sắm hoặc quán xá đặc biệt, có khi còn tốn hơn cả ngày thường.

Tôi cũng không biết là nếu sinh con thì sẽ nấu nướng như thế nào. Nhưng hiện tại cả hai vợ chồng vẫn chưa có ý định có em bé”, chị Ngân thú nhận.

Con ăn nhà nội, bếp nhà bỏ không

Không ăn cơm nhà, ăn ngoài tốn kém gấp đôi, gấp ba - Ảnh 3.

Mâm cơm gồm rau muống xào, moi khô rang, thịt luộc chấm mắm tép, cà muối, bưởi chị Đỗ Thùy Linh sinh sống tại thành phố Toulouse nấu cho gia đình - Ảnh: NVCC

Hai vợ chồng chị Phan Thị Ngọc Anh (32 tuổi) có con trai học lớp 2. Từ lúc bé học lớp mầm chồi, anh chị đã chọn trường quanh nhà ông bà nội để ông bà nội đưa đón, trông giữ.

Cậu bé ăn cơm ở nhà nội. Hai vợ chồng ghé đón con mỗi ngày cũng có thói quen ghé vào ăn cơm mẹ chồng chị nấu, nên dù nhà có căn bếp to và không thiếu thứ gì, chị vẫn hầu như không đụng đến bếp.

“Sáng chồng đưa con đi học thì hai bố con ăn sáng cùng nhau ở quán. Trưa hai vợ chồng tự túc đi ăn. Bữa tối thì con đã có ba mẹ chồng tôi lo ăn uống. Vợ chồng tôi về sớm ghé đón con thì báo trước để mẹ chồng nấu thêm, không thì tự ăn tối ở ngoài”, chị Ngọc Anh cho biết.

Hai vợ chồng chị làm cùng một nơi, thỉnh thoảng buổi trưa cũng rủ nhau đi ăn, nhưng phần lớn cả hai vẫn ăn với đồng nghiệp cùng phòng ban hoặc đối tác công ty.

“Tháng mỗi người cũng hết 5-7 triệu ăn ngoài là ít. Có ba mẹ chồng lo ăn uống cho con, nhưng hai vợ chồng cũng tuần ghé mấy lần ăn tối, không góp tiền cho ba mẹ nhưng cũng mua gạo, mua đồ ăn bỏ tủ lạnh coi như đóng góp. Tính cả tiền ăn của con ở trường, một tháng 3 người chắc phải 17-18 triệu”, chị nhẩm tính.

Chị Ngọc Anh biết rằng gia đình mình đang ăn uống tốn kém gấp đôi hoặc hơn gia đình khác khi nói chuyện với đồng nghiệp khác cũng nấu ăn.

“Bạn tôi nhà có con nhỏ nhưng không có nội ngoại ở gần, phải nấu sáng, tối cho con ăn. Chi phí khoảng 200.000 đồng/ngày cho 3 người ăn bữa tối và một bữa sáng đơn giản.

Riêng bữa trưa, cả hai vợ chồng người làm kế toán, người làm quản lý nhà xưởng nên ăn cơm theo suất ăn đặt sẵn của công ty khoảng 30.000 đồng. Tháng mỗi người cũng chỉ hết 1 triệu tiền ăn trưa. 

Thế nên họ cũng tiết kiệm được hơn nửa so với chi phí ăn uống của gia đình tôi khi không tự nấu ăn”, chị Ngọc Anh so sánh.

Cơm nhà vẫn là chân ái

Về bài viết Món ăn trên app hấp dẫn cỡ nào mà 'dặn mẹ khỏi nấu nướng cho mệt', bạn đọc nhận thấy đặt món qua ứng dụng tiện lợi, nhanh chóng nhưng cũng lo ngại về việc chế biến.

Chị Xuka chia sẻ: "Tuy mùi vị đồ ăn bên ngoài hấp dẫn, gây thèm nhưng về lâu dài, cơm nhà vẫn ổn hơn".

Tuyên bố "Cơm nhà làm vẫn là chân ái", anh Anh Vũ viết: "Lâu lâu thưởng thức một lần còn được. Nên cân nhắc nếu dùng app đặt món thường xuyên, vì bên ngoài họ đa phần sử dụng đường, muối nhiều, không tốt cho sức khỏe. Chất lượng, nguồn gốc thực phẩm cũng là một vấn đề".

Bạn đọc khác cho rằng trước mắt, việc đặt món tiện lợi nhưng hệ quả là dùng rất nhiều túi ni lông, hộp nhựa và thải rất nhiều rác khắp hang cùng ngõ hẻm.

Tài khoản thie****@gmail.com kể câu chuyện trước kia do buôn bán nên cả nhà đều ăn cơm bụi. Ông nhận xét cơm bụi nhiều món nhưng không đủ no, tối phải ăn thêm mì gói, quà vặt… "Chỉ ước ao có bữa cơm gia đình đúng nghĩa", ông bày tỏ. Sau 3 năm, khi kinh tế ổn định, gia đình ông tranh thủ đi chợ nấu ăn, cả nhà vui, khỏe mạnh.

Đến giờ, các con ông vẫn cứ chiều chiều chạy xe về ăn cơm mẹ nấu. "Vợ tôi vui, yên lòng vì bữa cơm chỉ dưa, cà, rau luộc, bát canh cua, đĩa cá kho. Mà con lại nói ăn cơm mẹ mát dạ, không thấy đói", ông chia sẻ.

MÂY TRẮNG

Không ăn cơm nhà, ăn ngoài tốn kém gấp đôi, gấp ba - Ảnh 2.Chuẩn cơm mẹ nấu con không buồn ăn: Khi bạn trẻ 'chê' cơm nhà

Những đô thị như TP.HCM, dịch vụ ăn uống tiện đến mức nhiều bạn trẻ ngày càng thích "cơm hàng cháo chợ". Chỉ cần lướt app với thao tác đơn giản là có ngay suất ăn gọn lẹ, đôi khi không ngán như cơm nhà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên