Bị cáo Trương Huy Liệu cùng các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: DIỆP THANH
Quá trình điều tra ban đầu xác định được: Trong quá trình C44 (Bộ Công an) thụ lý, điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội "buôn lậu", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", đã ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng trái với quy định của pháp luật và trái với chỉ đạo của liên ngành tư pháp trung ương, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hiện Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ án Trương Huy Liệu, TAND TP Đà Nẵng trước đó đã nhiều lần đưa ra xét xử. Tuy nhiên, vụ án buôn lậu gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng (do Trương Huy Liệu làm phó giám đốc) có liên quan đến nhóm cán bộ Cục Hải quan Quảng Trị và Đà Nẵng.
Các bị cáo của vụ án này là Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung (cùng ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành (cùng trú TP Đông Hà, Quảng Trị) và Đỗ Danh Thắng (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Những người này bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và buôn lậu.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 17-12-2011 Công ty Ngọc Hưng (thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị) nhập lô gỗ 614 m3 từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo. Hai ngày sau, nguyên lô gỗ được xuất sang Trung Quốc, được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt.
Khi lô hàng đang vận chuyển vào cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) để chuyển đi Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan, nên đã giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng xử lý.
Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án. Sau khi khởi tố, Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an.
Tuy nhiên, C46 có công văn kết luận: "Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu". Hồ sơ vụ án được C46 trả về Tổng cục Hải quan, sau đó hồ sơ lại được chuyển sang Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an. Cuối cùng, C44 mới ra quyết định khởi tố các bị can trên.
Dù vụ án chưa đưa ra xét xử nhưng tháng 12-2013, ông Phan Văn Vĩnh - lúc đó là trung tướng, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an - đã đề xuất "cho xử lý lô gỗ là vật chứng của vụ án theo hướng bán lô gỗ". Ngay sau đề xuất của ông Vĩnh, lô gỗ được bán với giá 63,8 tỉ đồng.
Do đó, trong phiên xử hồi cuối tháng 8-2018, Hội đồng xét xử TAND TP Đà Nẵng đã kiến nghị Cục Điều tra Viện KSND khởi tố điều tra vụ việc bán lô gỗ trắc. Bởi theo HĐXX, vật chứng của vụ án này là tang vật gỗ trắc không thuộc trường hợp mau hỏng hay khó bảo quản.
Vì vậy trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã cho bán tang vật của vụ án là không đúng, có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Việc bán lô gỗ không đúng quy định pháp luật tố tụng hình sự. Đồng thời, tuyên trả số tiền bán tang vật gỗ trắc cho bị cáo Liệu và Dung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận