12/12/2022 08:49 GMT+7

Khởi nghiệp với phế phẩm nông nghiệp

NGUYỄN ĐĂNG THIÊN PHI LONG
NGUYỄN ĐĂNG THIÊN PHI LONG

TTO - Với nhà máy nằm ở Bến Tre và xưởng sản xuất tại Lâm Đồng, Ficoco đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm nguyên liệu chính là giá thể xơ dừa, được nghiên cứu, phối trộn để cho ra những loại giá thể trộn sẵn tối ưu cho từng loại cây trồng khác nhau.

Khởi nghiệp với phế phẩm nông nghiệp - Ảnh 1.

Tôi chụp cùng các đối tác trong một hội chợ quốc tế

Chọn phế phẩm để đồng hành cùng giấc mơ khởi nghiệp

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Do đặc thù công việc cũ, tôi may mắn có cơ hội đi tham quan thực địa tại nhiều quốc gia có nền nông nghiệp phát triển (Israel, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản...), từ đó có những trăn trở về cách làm nông nghiệp tại quê nhà.

Bắt đầu năm 2018, tôi quyết định nghỉ công việc cũ và thành lập công ty, với sứ mệnh giúp người nông dân Việt Nam tiếp cận được các giải pháp, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, từ đó tăng được giá trị, an toàn cho nông sản, cải thiện kinh tế cho bà con.

Qua trải nghiệm công tác ở nước ngoài, tôi phát hiện thấy có một mỏ vàng ẩn mình có sẵn ở Việt Nam, đó là vỏ dừa.

Dừa là loại cây đặc sản của các quốc gia nhiệt đới, tưởng chừng lớp vỏ bên ngoài quả dừa là vô tích sự, nhưng đây là một trong những loại nguyên liệu được sử dụng để làm giá thể trồng trọt phổ biến nhất trên thế giới.

Các thương nhân người Hà Lan, Israel thường đến các quốc gia nhiệt đới (Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Việt Nam...) đặt nhà máy, thu mua nguyên liệu, chế biến thành thành phẩm, sau đó xuất khẩu đi khắp thế giới.

Khởi nghiệp với phế phẩm nông nghiệp - Ảnh 2.

Tôi và đồng đội trong những ngày nghiên cứu sản phẩm tại nhà máy xơ dừa

Tuy nhiên, để có thể đưa từ vỏ dừa này thành nguyên liệu giá thể có thể trồng cây, thì buộc phải nghiền vỏ thành mụn và xơ dừa, đưa qua quy trình xử lý để loại bỏ chất chát (tannin), các loại muối (Na, K).

Thực tế tại Việt Nam, người nông dân đã tự mua về và tự xử lý trước khi đưa vào mùa vụ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kỹ thuật xử lý để đạt tiêu chuẩn phục vụ trồng trọt, nhất là đối với những người nông dân mới bắt đầu canh tác.

Nên đôi khi cây trồng sẽ bị ngộ độc bởi chất chát và các loại muối còn lại trong loại nguyên liệu này nếu chưa được xử lý kỹ.

Từ lúc phát hiện cơ hội này không chỉ là thị trường trong nước và quốc tế, tôi đã quyết định bắt tay ngay vào nghiên cứu quy trình xử lý theo kỹ thuật của Hà Lan, và đầu tư sản xuất ở quy mô công nghiệp để tiêu chuẩn hóa sản phẩm và tối ưu hóa giá thành.

Từ đó, cung cấp sản phẩm mụn dừa đã xử lý với thương hiệu Ficoco, cho người nông dân theo đúng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và giá thành cạnh tranh.

Thời gian đầu, sản phẩm cũng vấp phải cái nhìn e dè của khách hàng. Vì là người tiên phong ra mắt dòng sản phẩm đã xử lý sẵn qua hai bước, họ vẫn nghi ngờ, nghĩ sản phẩm xử lý chưa đạt. Ban đầu phải thuyết phục từng nông dân sử dụng thử.

Khi thấy sản phẩm chất lượng, đỡ mất thời gian tự xử lý, họ đã tiếp tục ủng hộ, và giới thiệu thêm nhiều khách hàng.

Cho đến nay, sau gần 3 năm ra mắt sản phẩm, đã có hơn 500 nông dân sử dụng sản phẩm xơ dừa xử lý theo công nghệ hai bước, và sản phẩm cũng đã xuất khẩu đi thị trường Malaysia.

Khởi nghiệp với phế phẩm nông nghiệp - Ảnh 3.

Vườn dưa lưới trồng trên giá thể xơ dừa Ficoco

Trong nguy luôn có cơ…

Năm 2020, trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, giống như rất nhiều doanh nghiệp non trẻ khác, Ficoco cũng gặp khó khăn vì hoạt động kinh doanh gần như đứng yên, nhưng các khoản chi phí đều phải trả mỗi tháng và đảm bảo thu nhập cho nhân viên.

Nhưng trong giai đoạn giãn cách xã hội, tôi nhận ra một cơ hội, đó là có rất nhiều người có nhu cầu trồng cây, trồng rau ở nhà. Từ đó, tôi và các kỹ sư của mình cho ra đời các sản phẩm giá thể chất lượng, tiện lợi từ xơ dừa cho khách hàng ở thành phố có thể trồng nhiều loại cây khác nhau.

Nhờ đó, Ficoco trở mình "vượt" bão, cung cấp rất nhiều sản phẩm không chỉ giúp cho các khách hàng có thể trồng rau tại nhà, mà thành nhu cầu trang trí nhà cửa sau khi kết thúc dịch bệnh, với các sản phẩm chuyên dụng trồng hoa, cây kiểng, xương rồng, sen đá,...

Khởi nghiệp với phế phẩm nông nghiệp - Ảnh 4.

Những sản phẩm lần lượt ra đời trong giai đoạn giãn cách xã hội

Toàn bộ nguyên liệu đầu vào được Ficoco kiểm định chặt chẽ về chất lượng, chúng tôi ưu tiên sử dụng các phế phẩm như xơ dừa, vỏ dừa cắt, tự ủ phân hữu cơ compost để đảm bảo sản phẩm an toàn cho người sử dụng và cây trồng, và tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp có sẵn, giảm tác hại rác thải cho môi trường.

Khởi nghiệp với phế phẩm nông nghiệp - Ảnh 5.

Nhà máy tại Lâm Đồng trong một ngày sản xuất giá thể

Nỗ lực được ghi nhận

Bước vào năm thứ 5 khởi nghiệp, với lĩnh vực cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp, doanh số trung bình mỗi tháng của Ficoco hiện tại đạt 1 tỉ đồng và có một xưởng sản xuất đặt tại Lâm Đồng, một nhà máy ở Bến Tre.

Các sản phẩm của Ficoco đã phục vụ hơn 1.200 nhà sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp trên 40 tỉnh thành phố trên cả nước.

Khởi nghiệp với phế phẩm nông nghiệp - Ảnh 6.

Những chuyến hàng đều đặn xuất kho để giao cho các đại lý trên cả nước

Dự tính trong tương lai, Ficoco sẽ nghiên cứu và cho ra mắt những sản phẩm chất lượng, đạt kỳ vọng của khách hàng để đưa việc trồng và chăm sóc cây trở thành thói quen hằng ngày của mỗi người.

Môi trường sống ngày một cải thiện, đời sống tinh thần cũng theo đó mà phát triển theo chiều hướng tích cực là mục tiêu dài hạn mà tôi đề ra khi tiếp tục bước đi cùng Ficoco.

Thông tin về công ty và sản phẩm

Tên công ty: Công ty TNHH FINOM

Địa chỉ nhà xưởng:

- Nhà xưởng 1: xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre

- Nhà xưởng 2: Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

Website: www.giatheficoco.com

Người sáng lập và giám đốc công ty: Nguyễn Đăng Thiên Phi Long

photo-6

Ý tưởng khởi nghiệp xanh

photo-1

Cuộc thi "Chắp cánh khởi nghiệp xanh" do báo Tuổi Trẻ phối hợp đơn vị đồng hành là Công ty Hyundai Thành Công và Xi măng INSEE Việt Nam tổ chức.

Cuộc thi mong muốn nhận được những ý tưởng sáng tạo, độc đáo về sản phẩm, dịch vụ trên mọi lĩnh vực. Đó có thể là những gợi mở, ý tưởng, đề xuất hay một dự án khởi nghiệp đã hình thành góp phần phát triển cá nhân hay chung tay phát triển xã hội xanh hơn, ý nghĩa hơn.

Ban giám khảo gồm: đại diện ban biên tập báo Tuổi Trẻ, các doanh nhân, chuyên gia trong lĩnh vực start-up...

Bài dự thi tối đa 1.500 chữ, kèm hình ảnh, video là điểm cộng; có thể là thiết kế hình ảnh, video, powerpoint... chú thích nhưng phải có bài mô tả dưới 1.500 chữ kèm theo; chưa từng tham gia cuộc thi nào, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Bài dự thi gửi về địa chỉ email: khoinghiepxanh@tuoitre.com.vn. Thời gian nhận bài dự thi từ 15-9 đến hết ngày 15-12-2022. Lễ trao giải dự kiến cuối tháng 12-2022.

Giá trị giải thưởng:

Giải nhất trị giá 30 triệu đồng

Giải nhì trị giá 20 triệu đồng

Giải ba trị giá 10 triệu đồng

5 giải khuyến khích trị giá

5 triệu đồng mỗi giải.

Muối dược liệu Việt Nam Muối dược liệu Việt Nam

TTO - Nanosalt là một dự án khởi nghiệp có mô hình dựa trên sáng tạo khoa học công nghệ tạo ra những sản phẩm có giá trị cao từ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

NGUYỄN ĐĂNG THIÊN PHI LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên