Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Hồi nhỏ tôi hỏi bố tôi: “Tả thanh thiên” nghĩa là gì ạ? Dĩ nhiên bố tôi trả lời được ngay, viết lên trời xanh.
Đó là sau khi bố đưa tôi đi chơi đền Ngọc Sơn, ở bên ngoài cổng có tháp Bút đề ba chữ Hán màu đỏ như vậy. Rất nhiều đứa trẻ cũng biết ngọn tháp này nhờ mấy câu thơ của Trần Đăng Khoa trong sách tập đọc "Hà Nội có hồ Gươm. Nước xanh như pha mực. Bên hồ ngọn tháp Bút. Viết thơ lên trời cao".
Thơ thì quá hay rồi, nhưng viết lên trời để làm gì? Bố tôi không trả lời được.
Tôi được kể thêm là khi gần trưa ngày nắng thì bóng của cây bút đá trên đỉnh tháp Bút sẽ chấm vào cái nghiên mực bằng đá hình trái đào bổ đôi trên cổng. Thật là một điều huyền diệu với trí óc một đứa trẻ, nhất là khi đã thuộc lòng sự tích hồ Hoàn Kiếm, tức hồ Gươm, nơi gắn với cụm từ dân dã "Đi bờ hồ" đã thành cửa miệng của người Hà Nội.
Với tôi, đi bờ hồ còn là tham quan các di tích quanh hồ, là một cuộc "đọc truyện cổ tích" trên thực địa. Phải mất khá lâu tôi mới hiểu rằng cái nghiên chỉ là biểu tượng, chứ không đựng mực nào cả.
Tôi lớn lên với sự chấp nhận tính vô danh của chủ thể sáng tạo ra những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội, tựa như sống với màn sương huyền thoại là một lẽ đương nhiên. Luôn có một niềm tự hào ngấm ngầm về sự xa xưa, một khoảng mờ mờ hư ảo của quá khứ vàng son trong cách nói về giá trị của Hà Nội.
Nhiều năm sau, tôi biết thêm người đã dựng lên quần thể tháp Bút - đài Nghiên là danh sĩ Nguyễn Văn Siêu. Nhưng ông là thế nào ngoài câu châm ngôn "thần Siêu, thánh Quát" khi dân gian xưng tụng ông cùng Cao Bá Quát là hai bậc hay chữ nhất thời giữa thế kỷ 19?
Công việc viết về Hà Nội đã khiến tôi có thêm những bận tâm về di sản của vị danh nhân đã có công chấn hưng học phong sĩ khí Bắc Hà vào giai đoạn Thăng Long - Hà Nội không còn là kinh đô, xã hội nhiều biến động.
Thật dễ để ngồi một chỗ tra cứu và viết ra những lời có cánh cho sự nghiệp của Nguyễn Văn Siêu, nhưng có điều tôi nhận ra mình cũng có thể làm tương tự với bất kỳ danh nhân nào có tên trên biển đường phố.
Hơn thế nữa, nếu tôi đi tìm kiếm câu chuyện cụ thể hơn về những tên danh nhân như Nguyễn Văn Siêu, tôi có thấy Hà Nội thú vị hơn không?
Tôi nhận ra tên đường phố đặt theo tên danh nhân là một mối bận tâm lớn của người Hà Nội, những người luôn sẵn lòng tự hào về thành phố của họ.
Tên đường phố qua năm tháng biến thiên, cũng đã thành di sản. Tôi thử lấy chính câu chuyện khám phá tự thân về "không gian Nguyễn Văn Siêu" làm một bài học điền dã lịch sử đô thị cho mình.
Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) quê ở làng Lủ, tên chữ là Kim Lũ, nay ở phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Ngôi làng này nằm ngay cạnh sông Tô Lịch, dòng sông chảy qua những làng có truyền thống khoa bảng nổi tiếng. Làng Lủ chính là một ngôi làng như vậy, nhiều thế hệ trong các triều đại trước đây đã đỗ đạt cao và làm quan to.
Trong khi đó, ngôi nhà ông sống ở Kẻ Chợ, tức khu phố cổ Hà Nội, nằm chính ở khúc sông Tô Lịch gần cửa sông đổ ra sông Hồng. Đến cuối thế kỷ 19, khúc sông này vẫn còn là đường giao thông thủy.
Nguyễn Văn Siêu từng đỗ phó bảng năm 1839, sau đó giữ nhiều chức vụ, từng đi sứ nhà Thanh, làm Án sát Hà Tĩnh, Hưng Yên, được vài năm, đến năm 1854 ông cáo quan về mở trường dạy học cạnh nhà, dựng một tòa nhà vuông (phương đình) nên cũng lấy bút hiệu là Phương Đình.
Khi người Pháp quy hoạch Hà Nội thành một thành phố kiểu châu Âu, họ đã lấp đoạn cửa sông Tô Lịch vào năm 1896, để rồi trở thành các phố Ngõ Gạch, Án Sát Siêu và Chợ Gạo. Năm 1945, phố Án Sát Siêu được đổi là Phương Đình, năm 1948 đổi thành Nguyễn Văn Siêu, nhưng sau này biển phố bỏ mất chữ Văn, chỉ là Nguyễn Siêu.
Phố còn dấu vết xưa của ngôi đền Cổ Lương ở số 28, từng nằm trong khuôn viên ngôi đình là nơi trọ học của học trò Trường Phương Đình.
Ngôi trường ở nhà của Nguyễn Văn Siêu được xác định ở số nhà 14-16, giờ chẳng thể nào hình dung ra được khung cảnh xưa. Chỉ còn những cái tên: "Tên cha ông là ngọn đèn thành phố" (Chào Thăng Long, chào Hà Nội - thơ Lê Anh Xuân).
Ngôi nhà thờ tổ họ Nguyễn của vị danh nhân này tàn tạ như một lẽ hưng phế của thời gian. Khuôn viên trước đây có lẽ rộng, giờ thu hẹp lại chỉ đủ giữ một ngôi nhà nông thôn bình dị. Sau rất nhiều năm ở tình trạng xuống cấp, điều đáng mừng là rút cục ngôi từ đường đã được đưa vào trùng tu.
Còn làng Lủ giờ thành một khu dân cư chen chúc như mọi ngôi làng lên phố của Hà Nội hôm nay. Điều an ủi là khi hỏi người dân trong làng, nhiều người biết nơi thờ tự và an nghỉ của vị danh nhân cùng làng mình.
Tôi rơi vào trạng thái ngổn ngang, giữa những hình dung đầy mỹ tự của những văn thơ cổ, những hoa văn chạm trổ tinh tế của các công trình và khung cảnh bề bộn của hiện tại.
Có lẽ vào những thập niên giữa thế kỷ 19, cảnh tượng "Sóng lớp phế hưng coi đã rộn, chuông hồi kim cổ lắng càng mau" (thơ Bà Huyện Thanh Quan) của mảnh đất kinh đô nhiều triều đại sau một giai đoạn trải từ Lê mạt Trịnh suy sang Tây Sơn rồi tân triều cũng gợi niềm suy tư cho người trí thức Nguyễn Văn Siêu.
Có lẽ thực địa của phố Nguyễn Siêu lẫn làng Lủ không thành công để tôi hình dung được những lời châu ngọc trên bài minh khắc trên thành chiếc nghiên đá do Nguyễn Văn Siêu soạn: "Từ đá tách ra làm nghiên, chẳng có hình dáng. Không vuông, không tròn, dùng vào mọi việc thật kỳ diệu. Không cao, không thấp, ngôi ở chính giữa. Cúi soi hồ Gươm, ngửa trông gò Bút đá. Ứng vào sao Thai mà làm ra mọi biến đổi, Ngậm nguyên khí mà mài hư không" (bản dịch của Nguyễn Vinh Phúc).
Đền Ngọc Sơn là dấu vết còn lại để cho hậu thế như tôi cảm nhận được một vẻ đẹp hoàn chỉnh tư duy thẩm mỹ của thời đại Nguyễn Văn Siêu, với hệ thống các công trình mang những tên gọi nhiều hàm ý sâu xa: cầu Thê Húc (nơi ánh sáng ban mai đậu lại), lầu Đắc Nguyệt (được trăng), đình Trấn Ba (đình chắn sóng), mỗi nơi lại có những câu đối đầy ý nghĩa.
Hà Nội đã chỉ còn là một tỉnh từ thời Minh Mạng, nhưng Nguyễn Văn Siêu viết trên câu đối ở chính điện đền Ngọc Sơn: "Nhân đồng chiêm ngưỡng, Giao Nam lễ nhạc chi đô" (Người đều ngửa trông, ấy thật đô thành lễ nhạc của cõi Nam), như một sự khẳng định kiêu hãnh của kẻ sĩ Bắc Hà. Phải chăng đó cũng là điều ông cụ thể hóa ý nghĩa "viết lên trời xanh"?
Khác với người bạn Cao Bá Quát bất đắc chí, tham gia khởi nghĩa để rồi bị chém đầu, Nguyễn Văn Siêu đã làm công việc của một nhà quy hoạch cảnh quan đúng nghĩa và có lẽ là người thành công nhất trên đất Hà Nội.
Không xa tháp Bút là bao, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở bờ bắc hồ Gươm giờ đã thành một trung tâm sôi động của tuyến phố đi bộ cuối tuần, thu hút giới trẻ và khách du lịch qua lại. Nhưng trụ sở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở đâu thì chắc không mấy ai hay, cho dù ở ngay phố Hàng Đào cạnh đó.
Cũng không lâu lắm, mới có hơn một thế kỷ kể từ ngày cụ cử Lương Văn Can cùng nhiều sĩ phu lập ra ngôi trường cùng đóng góp vào cuộc "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", với mục tiêu cụ thể đầu tiên là "dạy tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và chữ Hán theo chương trình mới" như lá đơn ngày 1-5-1907 của Nguyễn Quyền và Trần Hữu Đức, hai người đồng chí của cụ cử Can gửi Đốc lý Hà Nội. Nhưng những cái tên chỉ thoảng qua như tên phố.
Nhưng cũng như cuộc điền dã tìm hiểu Nguyễn Văn Siêu, tôi đi lại trên những con phố cũ. Nửa thế kỷ sau thời của Trường Phương Đình, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục gắn với thời đại canh tân, mang khát vọng đón "mưa Âu gió Á".
Các sĩ phu nhận thấy thương nghiệp là một cách phù hợp để thay đổi vận mệnh dân tộc. Bản thân cụ cử Can cũng mở trường dạy về kinh doanh, và người vợ cũng xuất thân kinh doanh hàng vải ở phố Hàng Ngang.
Khi chồng bị kết án và đi đày, các con phiêu bạt hay khởi nghĩa như Lương Ngọc Quyến, bà chèo chống gia đình, làm nên huyền thoại về người phụ nữ hàng phố đảm lược làm ăn mà khí phách vững vàng trước sóng gió. Phố Hàng Đào cũng là phố nổi tiếng với những trí thức dạy học, đỗ đạt ra giúp đời, trong khi các phu nhân đảm đang nghề buôn bán.
Quê của Lương Văn Can ở làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội ngày nay), đồng hương với thi hào Nguyễn Trãi. Tình cờ là ngôi làng cũng nằm cạnh sông Tô Lịch. Ở đây may mắn hơn phố Hàng Đào, ngôi làng còn giữ được di tích ngôi trường do chính Lương Văn Can xây dựng cho quê nhà vào năm 1924.
Hai nếp nhà mái ngói và vòm cuốn kiểu "hiên Tây" đặc trưng với tên trường mang tên Lương Văn Can gợi cho người viếng thăm chút bồi hồi về một chí sĩ đã làm mưa làm gió trong không gian tri thức của dân tộc đầu thế kỷ trước.
Bìa sách Thương học phương châm (xuất bản năm 1928) và ảnh của Lương Văn Can trong sách. Tư liệu Thư viện Quốc gia.
Điều to lớn cụ cử Can làm được ngoài việc khiến người Việt có một cái nhìn khác về giới thương nhân, vốn dĩ trước đây bị nền Nho học coi là hạng bét trong tứ dân (sĩ nông công thương), còn là thay đổi nhãn quan người Việt về sự nhất thiết canh tân để hướng đến giải phóng dân tộc bằng tri thức, sau khi những cuộc khởi nghĩa vũ trang của văn thân trong nhiều thập niên đều thất bại.
Đông Kinh Nghĩa Thục chính là nơi đã tạo ra sức ảnh hưởng truyền thông lớn cho việc học chữ quốc ngữ, với những thông điệp cụ thể: "Chữ quốc ngữ là hồn trong nước. Phải đem ra tính trước dân ta. Sách các nước, sách China. Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường" (Bài hát khuyến học chữ quốc ngữ).
Nên nhớ rằng đến năm 1919, nền khoa cử Hán học mới chấm dứt ở Việt Nam, và thời gian đó trên tạp chí Nam Phong vẫn có những ý kiến phản đối học chữ quốc ngữ: "Quốc ngữ mất dấu, chữ nọ ra chữ kia, nếu không học Nho, chắc sau con cháu lẫn cả tên ông vải" (dẫn theo tri phủ Mỹ Đức Nguyễn Tất Tế thuật lời người dân năm 1915). Đông Kinh Nghĩa Thục quả thực đã đi trước rất sớm.
Một số nhà nghiên cứu nước ngoài như Erica Ness (1987) còn nhận định trong sự phổ cập chữ quốc ngữ, chính người Pháp đã vay mượn ý tưởng của các học giả Đông Kinh Nghĩa Thục trong việc nhóm các học viên lại theo năng lực hơn là theo độ tuổi.
Đông Kinh Nghĩa Thục tiếp nối Trường Phương Đình còn ở khía cạnh tạo ra những cộng đồng trí thức, quy tụ tâm huyết của giới trí thức và tiến tới hành động tạo dựng, chứ không chỉ dừng lại ở thù tạc ngâm vịnh hay tròn vai mẫn cán nơi nhiệm sở.
Âm vang của địa danh bốn âm tiết đẹp đẽ này ngày nay có thể vọng ra xa hơn phạm vi địa lý một quảng trường có đài phun nước và những quán cà phê đông vui giữa trung tâm Hà Nội không?
Cuộc điền dã của tôi dĩ nhiên đem lại kha khá cảm xúc và thi vị cho những ghi chép của mình. Nhưng thật khó để khiến bản thân mình kiên nhẫn suy tư từ những tìm kiếm đó.
Không gian văn hóa Hà Nội dễ chiều người tìm hiểu về nó ở góc độ giàu có chi tiết lịch sử, nhưng lại khó chiều ở chỗ mạch thông tin nhiều đứt gãy, tựa như khúc sông Tô Lịch đã bị lấp cạn, chỉ còn lại những đoạn nước đen đặc không chảy được nữa. Dòng thủy lộ văn vật ấy cũng như chiếc nghiên đầy mực theo nghĩa hình tượng, có còn chăng, khi đó chính là thứ đã làm nên Hà Nội.
22/01
09/01
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận