30/01/2018 15:40 GMT+7

Khơi lên nhiệt huyết của thanh niên

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Dòng chảy lịch sử 50 năm tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 không thể không nhắc đến vai trò của tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định và miền Nam thời khắc ấy.

Khơi lên nhiệt huyết của thanh niên - Ảnh 1.

Đoàn công tác Trung ương Đoàn và Thành đoàn TP.HCM tham quan di tích hầm chứa vũ khí bí mật phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh: Q.L.

Tọa đàm "Vai trò học sinh, sinh viên và trí thức trẻ miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968" được Thành đoàn TP.HCM tổ chức chiều 29-1 với sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn như cách nhìn lại những dấu son của tuổi trẻ.

Những bài học từ chiến dịch Mậu Thân 50 năm qua đều có thể vận dụng, là điểm tựa tinh thần cho hành trang hội nhập của các bạn trẻ hôm nay. Với tâm thế, tình cảm của mình, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm làm tốt hơn nhiệm vụ trong sứ mệnh đưa đất nước phát triển ngày càng tốt hơn

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn LÊ QUỐC PHONG

Ký ức nhân chứng lịch sử

Cựu bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) nhớ rằng hai cuộc phản công lớn của đối phương khi ấy không cản được bước chân quân giải phóng. Chủ trương tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 của Trung ương Đảng khi đó, theo ông Năm Nghị, là "đặc biệt xuất sắc và táo bạo". 

"Hàng tấn vũ khí, lương thực, thuốc men được giấu ngay trong lòng đô thị Sài Gòn để tiếp tế cho quân giải phóng chính là tạo thế trận lòng dân và tổng tấn công là đòn đánh đầy bất ngờ" - ông Năm Nghị nói.

Nhắc về Mậu Thân 1968, ông nhắc về sự hi sinh của bí thư Thành đoàn đầu tiên Hồ Hảo Hớn, bởi "đó là con người anh dũng, dù bị tra tấn dã man anh vẫn kiên quyết không hé một lời về nghị quyết Quang Trung chuẩn bị cho tổng công kích Mậu Thân 1968". 

Dẫu có tổn thất cho lực lượng cách mạng, song ông Trực nói tổng tiến công, nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là cuộc tập dượt, chuẩn bị lực lượng cho chiến thắng mùa xuân 30-4-1975.

Bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm, cựu biệt động thành) kể khi đợt 1 chiến dịch Mậu Thân xảy ra, bà vừa từ trong tù được thả về "để nhử và bắt thêm người Cộng sản" với một lực lượng gián điệp khắp nơi. Trong ký ức của bà Tư Liêm còn mãi sự hi sinh của những giao liên còn rất trẻ của Thành đoàn khi ấy. 

Bà nhớ có 32 người được chọn đưa về chiến khu huấn luyện và giao cho quân khu để dẫn bộ đội vào nội thành. "Khi bị phát hiện trốn dưới những căn hầm bí mật, nhiều anh chị đã chấp nhận hi sinh một cách nhẹ nhàng, hi sinh để bảo vệ đồng đội mình an toàn" - bà Tư Liêm rưng rưng.

Những ký ức ùa về như mới hôm qua. Ấy còn là ký ức đau thương mà đầy bi tráng khi lời hứa hôn với người yêu cũng là đồng chí còn chưa kịp thưa với gia đình, báo cáo tổ chức thì vài phút sau, hôn phu của cô Lê Thị Hiền (Năm Lan) hi sinh ngay trước mặt mình!

 "Nhưng chẳng ai nghĩ đến hi sinh hay sự riêng tư mà chỉ nghĩ chiến đấu cho ngày chiến thắng" - cô Hiền bộc bạch.

Vững niềm tin tiếp bước

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn nói lịch sử 50 năm Mậu Thân không thể không nhắc đến đóng góp của học sinh, sinh viên đấu tranh công khai giữa lòng đô thị Sài Gòn, cả sự tiếp sức của tuổi trẻ miền Nam sát cánh chiến đấu cùng quân giải phóng. 

Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương Nguyễn Thị Diễm Trinh cho biết tiếp nối truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước bằng những phong trào, hoạt động của Đoàn đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, thanh niên.

Thượng tá Dương Kim Tần (trưởng ban thanh niên Bộ tư lệnh Quân đoàn 4) chia sẻ nhắc lại chiến công của những anh hùng hi sinh trong chiến dịch Mậu Thân để khơi lên nhiệt huyết của thanh niên, nhắc nhau về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để mỗi người trẻ thật sự là chủ nhân tương lai của đất nước.

Tri ân người nằm xuống

Sáng 29-1, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn đến thăm gia đình liệt sĩ Hồ Hảo Hớn. Ông Phan Anh Điền (Ba Khắc) nói anh hùng Hồ Hảo Hớn không chỉ là người đồng đội mà chính là người thủ lĩnh với sự nghiêm nghị, kỷ luật nhưng sống giản dị, nghĩa tình.

Anh Lê Quốc Phong cho rằng sự hi sinh anh dũng của người bí thư Thành đoàn đầu tiên để đảm bảo giữ bí mật nghị quyết Quang Trung là bài học lịch sử vẫn nguyên giá trị mà thế hệ trẻ hôm nay mãi trân trọng.

Đoàn cũng đến viếng bia tưởng niệm các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định hi sinh tại dinh Độc Lập và tham quan di tích hầm chứa vũ khí bí mật phục vụ cuộc tổng tiến công, nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên