Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh Chinhphu.vn |
Dự lễ khởi công có Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, lãnh đạo các tỉnh, thành phố có đường cao tốc đi qua, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Im Hong-Jae, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi.
Thúc đẩy phát triển khu vực Tây Bắc
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việc khởi công xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đáp ứng sự mong đợi của nhiều tầng lớp nhân dân. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phía hữu ngạn sông Hồng, khu vực Tây Bắc, tạo đà chuyển dịch kinh tế của đồng bào các dân tộc, gia tăng cơ hội giao thương giữa 2 nước Việt Nam, Trung Quốc. Tuyến đường này sẽ kết nối Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu tạo thành tuyến cao tốc Côn Minh - Hải Phòng, một trong những tuyến đường hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, góp phần thực hiện thành công thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế.
Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các đơn vị liên quan trong việc hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đồng thời ghi nhận sự giúp đỡ của nhà tài trợ, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đi tiên phong trong việc khởi xướng Chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông và là nhà tài trợ chính cho dự án này.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải, VEC, sau gói thầu đầu tiên này để sớm khởi công 7 gói thầu còn lại. Chính quyền các tỉnh, thành phố có tuyến đường cao tốc đi qua chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước để tuyến đường được xây dựng đúng tiến độ. Chủ đầu tư áp dụng các công nghệ tiên tiến về tổ chức quản lý, xây dựng, khai thác để quản lý dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lãng phí. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành đúng mục tiêu dự án.
Tuyến đường chiến lược
Dự án đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai có tổng chiều dài 264km, tổng mức đầu tư toàn dự án theo tính toán của Tư vấn là gần 20.000 tỷ đồng do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Nhà thầu là Công ty Posco Engineering & Construction (Hàn Quốc); thời gian thực hiện hợp đồng là 40 tháng. |
Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai nằm trong hành lang đường bộ Côn Minh-Hải Phòng. Điểm đầu đường cao tốc nối với đường vành đai III trên đường Bắc Thăng Long-Nội Bài và đường cao tốc Hà Nội-Hạ Long.
Tuyến đường đi qua thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, kết thúc tại thôn An Quang huyện Bát Xát, nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu. Tuyến đường phù hợp với Quy hoạch hệ thống đường cao tốc được Chính phủ phê duyệt và được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A (TCVN5729-97), với vận tốc thiết kế 80-100km/h. Phần lớn đường cao tốc sẽ đi ven theo bờ sông Hồng, dọc các sườn đồi và thung lũng có cảnh quan đẹp, bên cạnh phục vụ vận tải còn tạo được tuyến đường cho du lịch.
Dự án được phân kỳ làm 2 giai đoạn, giai đoạn I đầu tư xây dựng 245 km, từ điểm đầu (Nội Bài) đấu nối vào đường Trần Hưng Đạo (QL4E đoạn Lào Cai - Cam Đường), tỉnh Lào Cai. Trong đó đoạn Nội Bài - Yên Bái dài 123 km, đi qua Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, vận tốc thiết kế tối thiểu 100 km/h, gồm 4 làn đường xe chạy, hai làn dừng xe khẩn cấp. Đoạn Yên Bái - Lào Cai có chiều dài 122 km, đi qua Yên Bái, Lào Cai, gồm hai làn đường xe chạy, hai làn xe dừng xe khẩn cấp.
Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được bố trí đầy đủ hệ thống các công trình phụ trợ phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc. Gồm hệ thống đường gom, hệ thống các nút giao cắt khác mức, hệ thống công trình đảm bảo an toàn giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống các trạm điện thoại dọc đường với mật độ 3km/trạm, hệ thống trạm dừng đỗ xe dọc đường, trạm dịch vụ nghỉ ngơi... Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 19.984 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ 249 triệu USD (Mỹ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận