26/06/2020 06:08 GMT+7

Khơi cống trả lại rạch cho TP.HCM, được không?

TRẦN VĂN TƯỜNG (kỹ sư xây dựng cầu đường)
TRẦN VĂN TƯỜNG (kỹ sư xây dựng cầu đường)

TTO - Có những con kênh thoát nước ở TP.HCM đang mất đi, được bêtông hóa bằng cống hộp, thu hẹp dòng chảy thoát nước. Đây cũng là một lý do gây ngập thêm ở đô thị này.

Khơi cống trả lại rạch cho TP.HCM, được không? - Ảnh 1.

Người dân tập dưỡng sinh vào mỗi sáng ven kênh Hàng Bàng (Q.6, TP.HCM), dòng kênh đầu tiên được phục hồi, khơi thông (giữa năm 2019) sau bao năm bị lấn chiếm - Ảnh: T.T.D.

Cần thận trọng và cân nhắc, đừng lấp rạch tràn lan để thay bằng cống. Đây là một mất mát lớn, rất khó bù đắp cho môi trường tự nhiên và việc thoát nước đô thị.

TP.HCM dự tính thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước ở 23 quận huyện (chỉ trừ huyện Cần Giờ). Theo đó, diện tích thoát nước từ 650km2 sẽ nâng lên tới 2.095km2.

Có thể hi vọng điều này ở tương lai từ 10 đến 30 năm sau. Nhưng hiện tại nhiều tuyến đường nội thành như Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh... vốn ngập nhiều năm, nay vùng ngoại thành cũng ngập. 

Tại quận Thủ Đức, từ khi đường Phạm Văn Đồng hình thành cao hơn mặt bằng trong khu vực càng gây ngập nặng trên các tuyến đường lân cận như Hiệp Bình, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân... 

Những khu đô thị mới vẫn không thể thoát khỏi cảnh ngập nước khi có mưa. Điển hình khu vực Thảo Điền (Q.2), chỉ một trận mưa cũng đã khiến nước thành "sông" trên đường Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương và ngập sâu 0,5m, kéo dài hơn 500m.

Cống thoát quá tải, nâng đường gây ngập cục bộ, hẻm thành sông... Nhưng còn có một thực trạng khác: lấp rạch thay thế bằng cống cũng là một trong các nguyên nhân chính gây ngập nước nặng hơn.

Tôi ví dụ như tại quận Bình Thạnh, rạch Phan Văn Hân (dài gần 500m) và rạch Tân Cảng (dài hơn 200m, rộng 20m), không chỉ thoát nước cho cả khu vực mỗi khi có mưa mà còn làm mát trong các ngày nắng nóng, nay đã bị lấp. Tuyến cống thay thế có tiết diện 1,6m x 2m và 2m x 2m, chỉ rộng bằng 1/10 so với con rạch cũ. 

Tại quận 2, rạch Bá Đỏ rộng 50m dọc theo xa lộ Hà Nội, gom nước trong khu vực thoát ra cả hai phía sông Sài Gòn và Rạch Chiếc, đã bị lấp gần hết, thay vào đó là cống hộp.

Giải pháp làm cống thay rạch, loại hình mương hở, là cách dễ thực hiện nhất và lợi ích trước mắt dễ nhận thấy là không còn tình trạng xả rác. Nhưng hậu quả sẽ lâu dài và rất nặng nề, không đảm bảo thoát nước cho cả khu vực. Thực tế cho thấy lắp đặt cống thay rạch (loại hình như mương hở thu nước dọc hai bên) chưa tương xứng yêu cầu thoát nước, tiết diện cống quá nhỏ không thoát nước tốt mỗi khi có mưa, ngập nặng khó tránh.

Diễn biến ngập nước ngày càng trầm trọng. Thiết kế thoát nước trong đô thị là ưu tiên cho giải pháp tự chảy, hướng thoát ngắn nhất, không tắc nghẽn hoặc gây ngập cục bộ những khu vực lân cận. TP.HCM có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên được tận dụng để thoát nước mưa ra sông, kênh, mương, rạch hay những khu vực có đất trống vùng trũng.

Hãy thận trọng và cân nhắc, đừng lấp rạch tràn lan để thay bằng cống, khó khắc phục về sau. Đáng lo hơn, khi lấp rạch thì chức năng điều tiết môi trường sẽ không còn nữa, thiếu cảnh quan sông nước, đô thị chỉ còn nhà ống, lòng kênh cũng thay bằng bêtông, càng thêm nóng bức, ngột ngạt. Đây là một mất mát lớn, rất khó bù đắp khi làm mất đi môi trường tự nhiên.

Đô thị hóa đã mở rộng ra các quận ven (quận 2, 9, 12, Bình Tân, Tân Phú), nơi trước đây có nhiều kênh rạch, đất trống thu nước và thoát nước. Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa và nước thải nương theo tự nhiên đã được nhiều người đề cập, nhưng thực tế cho thấy nhiều kênh rạch tự nhiên nay không còn, dòng chảy của nước bị tắc, gây ngập cục bộ các khu đô thị mới.

Giải pháp nào cho chuyện này để ngập không lan rộng, lan nhanh? Không thể phục hồi tình trạng trước đây, các hồ sinh thái quy hoạch đã lâu nay vẫn chưa rõ dạng hình, cách tốt nhất là giữ, nạo vét hệ thống kênh hiện tại, khơi dòng chảy của nước. Khi chưa thể mở rộng diện tích chứa nước, thoát nước đô thị thì đừng thu hẹp dòng chảy hiện có.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Chủ tịch UBND TP.HCM: 'Kiên quyết xử lý tình trạng lấn sông, kênh rạch'

TTO - Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Thành ủy sáng 29-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng không thể để tồn tại tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch.

TRẦN VĂN TƯỜNG (kỹ sư xây dựng cầu đường)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên