Phóng to |
Nhà máy xử lý phế thải nix được khởi công rầm rộ gần bốn tháng trước... nhưng đến nay vẫn còn là khu đất trống thế này - Ảnh: Thái Bình |
Xây nhà máy xử lý chất thải nixCái giá của xỉ đồngKiến nghị cho nhập xỉ đồng nghe... hơi kỳ lạHyundai Vinashin lại nhập hạt nix"Nhập 20.000 tấn hạt nix là ít đấy!"
Dự án xử lý nix thải của Hyundai Vinashin (HVS) do Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội làm chủ đầu tư được khởi công hoành tráng vào đầu tháng 12-2009. Nhưng gần bốn tháng sau lễ khởi công và hơn một năm kể từ ngày dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án vẫn còn nguyên là một bãi đất trống...
Mục tiêu quan trọng của dự án là góp phần xử lý ô nhiễm môi trường do nix thải của HVS gây ra. Hiện số lượng nix thải đã xấp xỉ 1 triệu tấn, tồn lưu nhiều năm nên HVS ký hợp đồng với Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội để giải quyết lượng chất thải khổng lồ này. Thế nhưng mới đây, chính HVS đã phải bày tỏ sự sốt ruột do dự án vẫn chưa được triển khai, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa cũng đã nhiều lần nhắc nhở về tiến độ của dự án.
Tháng 10-2010: phải xử lý hết nix thải tồn đọng Tháng 12-2008: Bộ Tài nguyên - môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa tạm dừng việc xem xét cho HVS nhập khẩu hạt nix đến khi có biện pháp xử lý xong nix thải. Đồng thời yêu cầu HVS có trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội đẩy nhanh tiến độ dự án xử lý nix thải để đảm bảo xử lý xong nix thải vào cuối năm 2010. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận: HVS phải đảm bảo đến cuối năm 2010 xử lý hết số nix thải đang tồn đọng tại kho chứa. |
Cạnh “núi” nix của HVS là khu đất rộng khoảng 10ha ở xã Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Nơi đây từng diễn ra lễ khởi công dự án xây nhà máy xử lý nix thải với vốn đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Cứ tưởng sau ngày trọng đại ấy sẽ có một đại công trường. Nào ngờ đến cuối tháng 3 này khu đất vẫn vắng lặng.
Ông Đào Nguyên Khoản - giám đốc quản lý dự án thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội - cho biết sau khởi công, dự án có làm một số công việc như san ủi mặt bằng khu đất rộng 10ha, nhổ cỏ phát quang, móc đất bùn ở suối... Ngoài một số việc mang tính chuẩn bị của dự án như ông Khoản nói, tại hiện trường chưa thấy có một hoạt động nào để có thể chứng tỏ dự án đã được khởi động thật sự.
Theo hồ sơ, từ tháng 1-2008, dự án được chủ đầu tư trình lên cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa. Khoảng ba tháng sau đó, dự án được ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) cấp giấy chứng nhận đầu tư. Mục tiêu của dự án là xử lý phế thải nix của HVS với quy mô 330.000 tấn nix thải/năm. Tổng vốn đầu tư lúc bấy giờ là 830 tỉ đồng. Theo giấy chứng nhận, “dự án sẽ hoàn thành xây dựng công trình và đi vào hoạt động tháng 10-2009”. Tuy nhiên, đầu năm 2009, Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội lại đệ trình hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Theo đó, tổng vốn đầu tư được nâng lên 1.492 tỉ đồng. Diện tích đất cũng nâng từ 10ha lên 25ha. Tại giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh có ấn định rõ tiến độ thực hiện của dự án là “hoàn thành xây dựng công trình và đi vào hoạt động từ tháng 10-2010”.
Phóng to |
Bãi chứa xấp xỉ 1 triệu tấn nix thải của HVS thải ra trong nhiều năm không được xử lý. Bãi chứa này hiện nằm cạnh khu đất triển khai dự án xử lý nix thải (ảnh chụp ngày 18-3) - Ảnh: QUỐC THANH |
Còn chờ vài giấy phép?
Giải thích thêm về việc dự án đang “án binh bất động”, ông Đào Nguyên Khoản nói còn phải chờ hoàn tất một số thủ tục, giấy tờ: giấy phép nổ mìn phá đá (để san lấp khu đất 11ha là triền núi), tìm mỏ đất và làm thủ tục khai thác để lấy đất san lấp, phải mang mẫu đất đi thí nghiệm để có giấy chứng nhận đất đạt tiêu chuẩn san lấp nền... Lúc khởi công chưa làm những thủ tục này, bây giờ làm cũng khá mất thời gian. Vì sao chưa làm đủ thủ tục mà đã khởi công dự án? Ông Khoản nói: “Chuyện khởi công có liên quan đến HVS. Lúc bấy giờ quan điểm là nếu chưa khởi công dự án xử lý nix thải, HVS chưa được phép nhập tiếp nix về. Do đó, công trình phải khởi công thì HVS mới được nhập nix thêm”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hòa - trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, đơn vị cấp chứng nhận đầu tư cho dự án - khẳng định đây là dự án có mục tiêu xử lý môi trường nên tỉnh Khánh Hòa ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho dự án triển khai ở các khâu. Theo ông, chưa thấy dự án còn gặp vướng mắc, trở ngại nào ngoài việc chủ đầu tư đề xuất xin điều chỉnh tổng thể mặt bằng và thiết kế cơ sở nên cần thời gian để thực hiện các điều chỉnh này. Ông Nguyễn Trọng Hòa còn cho biết ban quản lý đã hai lần đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện cam kết tiến độ dự án. Ông Hòa nói hết tháng 3 này, bước sang quý 2-2010, vẫn chưa thấy dự án thi công tích cực hơn thì sẽ yêu cầu chủ đầu tư giải trình rõ lý do. Nếu xét thấy lý do chậm không chính đáng sẽ đề xuất UBND tỉnh có biện pháp xử lý.
Ông Đào Nguyên Khoản khẳng định nhà đầu tư quyết tâm đạt tiến độ thi công. Khi các thủ tục xong sẽ thi công ồ ạt, các gói thầu sẽ được chia nhỏ để thi công cho nhanh. Trao đổi qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Hồng - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội - nói đang gấp rút hoàn tất các công việc chuẩn bị để sang quý 2-2010 sẽ tăng tốc thi công đồng loạt, chậm nhất là quý 3-2011 dự án sẽ hoàn tất.
Liên quan đến dự án này, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng nhắc nhở, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, nếu dự án không đảm bảo tiến độ phải báo cáo để UBND tỉnh có phương án khác xử lý nix thải. Trước đó, HVS gửi văn bản đến UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo tiến độ dự án xử lý nix thải nói rằng sau khi tổ chức lễ khởi công, Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội vẫn chưa thực hiện xây dựng các hạng mục của dự án.
HVS vẫn phải chịu trách nhiệm về nix thải
Trong khi gần 1 triệu tấn nix thải chưa được giải quyết thì HVS đã nhập 20.000 tấn nix mới (đợt tháng 12-2009) và tiếp tục phun nix làm sạch tàu biển. Điều này gây nhiều băn khoăn cho những người quan tâm đến môi trường về trách nhiệm xử lý chất thải nix của HVS.
Những năm trước đây, mỗi lần HVS xin nhập nix là UBND tỉnh Khánh Hòa đặt điều kiện phải có giải pháp xử lý nix thải tồn lưu. Thực tế cho thấy dù HVS không có giải pháp khả thi nào để xử lý nix thải nhưng vẫn được giải quyết cho nhập mỗi lần hàng chục nghìn tấn nix và sử dụng liên tục.
Cũng cần nói rằng UBND tỉnh Khánh Hòa đã thiếu cương quyết trong việc đốc thúc HVS giảm dần tỉ lệ sửa chữa tàu biển (phải sử dụng rất nhiều nix) để chuyển sang đóng mới như mong muốn ban đầu khi chấp nhận dự án. Mãi đến giữa năm 2006 (sau tám năm HVS đi vào hoạt động), UBND tỉnh Khánh Hòa mới kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu HVS chuyển qua đóng mới tàu biển vào năm 2007 để hạn chế tối đa việc sử dụng hạt nix tại nhà máy. Như HVS công bố, nhà máy đã đầu tư 100 triệu USD cho công nghệ đóng mới tàu biển và lượng nix sử dụng được khẳng định là ít hơn nhiều so với trước. Vậy mà sau một thời gian ngưng nhập nix, cuối năm ngoái HVS nhập nix trở lại với khối lượng lớn để phun làm sạch vỏ tàu biển trước khi sửa chữa.
Câu hỏi đặt ra: phải chăng HVS ký hợp đồng xử lý nix thải với Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội là có thể coi như đã làm xong trách nhiệm xử lý gần 1 triệu tấn nix đang tồn lưu, từ đây HVS có đầy đủ điều kiện quay lại việc sử dụng nix cho sửa chữa tàu biển? Lần ngược lại hồ sơ cho thấy tháng 6-2009, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi kết luận: “HVS là đơn vị phải chịu trách nhiệm đến cùng trong việc xử lý chất thải này”. Kết luận cũng khẳng định “tiến độ xử lý nix thải liên quan chặt chẽ đến quyền được nhập hạt nix nguyên liệu để sửa chữa tàu biển của HVS”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận