26/05/2017 10:49 GMT+7

Khối Ả rập chưa bắt tay đã giận dỗi

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - “Sự cố truyền thông” xảy ra tại Qatar ngày 23-5 đang có nguy cơ phát triển thành một vụ xung khắc nghiêm trọng giữa nước này với nhiều quốc gia Ả rập láng giềng.

Từ trái qua: quốc trưởng Qatar Tamim Bin Hamad Al-Thani, thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed al-Nahyan, tổng thống Donald Trump, Vua Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud và Vua Jordan Abdullah II trong ảnh chụp chung tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia ngày 21-5 - Ảnh: Reuters
Từ trái qua: quốc trưởng Qatar Tamim Bin Hamad Al-Thani, thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed al-Nahyan, tổng thống Donald Trump, Vua Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud và Vua Jordan Abdullah II trong ảnh chụp chung tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia ngày 21-5 - Ảnh: Reuters

Mặc dù phía Qatar đã nhanh chóng gỡ các bài viết trên các trang mạng của thông tấn xã Qatar (QNA) cũng như các phương tiện truyền thông nhà nước khác liên quan đến sự kiện này, đồng thời giải thích rằng trang mạng của QNA đã bị tin tặc xâm nhập để tán phát các thông tin “hoàn toàn sai sự thật”, nhưng những động thái này của Doha không hạ nhiệt được những phản ứng gay gắt từ phía nhiều quốc gia Ả rập láng giềng.

Sự cố "tin tặc"

Các trang mạng quốc tế tiếng Ả rập, như al-Arabiya.net [do Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) quản trị], aawsat.com và alhayat.com (đều do Saudi Arabia bảo trợ) nhất loạt đăng nhiều bài để khẳng định rằng thông tin do QNA loan tải ngày 23-5, rồi bị xóa đi, “không phải là một sự cố truyền thông, mà thể hiện đường lối thực của Qatar” ủng hộ Iran, chống lại quan điểm của Mỹ và các nước Ả rập khác có chung lập trường chống Iran.

Alarabiya.net đưa ra những “bằng chứng” để cho rằng việc QNA đưa tin không phải là “tin tặc” mà là đúng sự thật về bài phát biểu của quốc trưởng Qatar tại lễ tốt nghiệp của lực lượng “Phục vụ quốc gia” tổ chức sáng 23-5.

Theo phân tích này, hãng tin QNA sử dụng các tiện ích thuộc loại được bảo mật tốt nhất của Facebook và Google mà tin tặc không dễ gì xâm nhập. Tin được phát cả ở trang tiếng Ả rập và trang tiếng Anh của QNA. Hơn nữa, không chỉ có QNA đưa tin này, đài truyền hình quốc gia cũng phát trong bản tin thời sự sáng sớm cùng ngày.

Phản ứng với tuyên bố của quốc trưởng Qatar nêu trên, các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE đã lập tức chặn tất cả các kênh truyền thông chính thức của chính phủ Qatar, kể cả kênh Aljazeera.net do Qatar quản trị.

Mỹ từng bị qua mặt

Phó tư lệnh an ninh và cảnh sát Dubai (UAE), ông Dahi Khalfan Tamim lên tiếng cho rằng Qatar đặt quan hệ với Iran và tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) lên trên Ả rập và thế giới Hồi giáo là đi ngược lại với lập trường chung thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh Ả rập - Hồi giáo vừa diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Ông này viết trên mạng Twitter: Qatar đặt Iran và MB trên Saudi, UAE, Bahrain, Kuwait là “một thảm họa chính trị”. “Chúng ta đã đạt được lập trường thống nhất Ả rập - Hồi giáo tại 3 hội nghị thượng đỉnh ở Riyadh mới đây. Hôm nay, Qatar bỏ ra khỏi hàng ngũ…”.

Liên quan đến sự kiện này, ngày 24-5, phát biểu trên đài Fox News của Mỹ, cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates cho rằng việc Qatar ký các thỏa thuận với tổng thống Donald Trump tại Riyadh mới đây là "không có gì chắc chắn".

Theo ông Gates, hồi năm 2014, Mỹ từng yêu cầu Qatar phong tỏa các tài khoản của nhóm Hamas và bắt giữ một số nhân vật của tổ chức này. Chính quyền Qatar gật đầu, nhưng rồi không làm gì cả!

Cựu bộ trưởng Gates cho rằng Mỹ cần phải cử phái viên đến gặp quốc trưởng Qatar, chuyển cho ông này bản danh sách liệt kê những việc mà Qatar cần chấm dứt yểm trợ cho phong trào MB. Nếu Qatar không làm theo các yêu cầu này, thì “cần phải thay đổi bản chất quan hệ với họ”.

Không phải lần đầu

Quan hệ giữa Qatar với Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Kuwait không phải bây giờ mới sóng gió.

Hồi tháng 3-2014, Saudi Arabia và UAE đã rút đại sứ ở Doha về nước, để phản đối điều mà hai nước Ả rập láng giềng này cho là Qatar “đã vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”.

Saudi Arabia và UAE khi ấy tố cáo Qatar “không ngừng ủng hộ các phần tử (phong trào MB) gây mất ổn định và đe dọa an ninh của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC)”…

Chỉ vài ngày trước đây, tổng thống Donald Trump còn lạc quan với thành quả tập hợp được sự đồng thuận rộng rãi của khối Ả rập - Hồi giáo với chính sách của Mỹ chống Iran.

Vậy mà nội bộ Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC), với Qatar, Saudi Arabia, UAE… cùng là thành viên nòng cốt của sự đồng thuận Ả rập - Hồi giáo này đang có biểu hiện rối tung lên vì không cùng lập trường chống Iran như Mỹ mong muốn.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên