Theo ông Lê Thành Tùng - phó trưởng phòng cây lương thực, cây thực phẩm (Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT), hạn hán và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại hơn 180.000ha lúa đông xuân trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL.
Do mặn xâm nhập sâu, khả năng mùa mưa đến trễ nên sẽ có thêm khoảng 500.000ha lúa hè thu không xuống giống đúng thời điểm như dự kiến và vụ thu đông (vụ 3) cũng sẽ có thêm 350.000ha ở các huyện ven biển gặp khó khăn do thiếu nước ngọt.
Tuy nhiên, trong kế hoạch sản xuất lúa của toàn vùng Nam bộ trong năm 2016 sẽ xuống giống tổng cộng 4.605.551 ha (bao gồm vụ đông xuân, hè thu, thu đông và vụ mùa), tăng 11.823ha, sản lượng tăng hơn 100.000 tấn nên cho dù có bị thiệt hại khoảng 180.000ha lúa ở vụ đông xuân thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến năng xuất cả năm.
Trước tình hình đó, ông Lê Quốc Doanh đã yêu cầu các tỉnh phải thường xuyên theo dõi sát diễn biến hạn mặn để kịp thời vận hành cống đập nhằm tháo và lấy nước ngọt cho phù hợp để đáp ứng nước ngọt cho diện tích lúa đông xuân còn lại.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thế Năng, chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho rằng mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn đến diện tích lúa đông xuân ở nhiều tỉnh ĐBSCL nhưng nếu thực hiện tốt kế hoạch sản xuất lúa do các tỉnh đưa ra thì sản lượng lúa cả năm sẽ không thấp hơn bao nhiêu so với các năm trước, vì vậy không phải lo thiếu gạo cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Hiện nay giá lúa đang ở mức cao và dự báo sẽ còn duy trì lâu do tâm lý trữ hàng chờ giá của nông dân lẫn doanh nghiệp, thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục mua như năm 2015, Chính phủ mở thầu dự trữ 180.000 tấn gạo, tin đồn trúng thầu từ Indonesia...
Điều này đã khiến cho giá gạo trong nước đang cao hơn các nước cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan... từ 5-15 USD/tấn" - ông Năng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận