![]() |
Sinh viên nhiều nước trong khóa học IAP |
Tôi gọi đó là khóa học "thập cẩm" và "liên hiệp quốc". "Thập cẩm" bởi thứ gì cũng học một chút và chỉ một chút thôi, từ cách viết một bài critical review (1) , cho đến việc học một vài khẩu ngữ mà người Úc thường dùng hằng ngày, thậm chí được nhắc lại cả cách dùng hàm IF hay VLOOKUP trong Excel. Còn "liên hiệp quốc" là bởi vì các sinh viên thuộc học bổng Ausaid từ nhiều nước được học chung và tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng nhau.
Tôi thích cái không khí "liên hiệp quốc" đó. Gần như hôm nào cũng được vài trận cười vỡ bụng mà nguyên nhân chủ yếu đến từ sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.
Chỉ cần học chung một hai buổi là dễ dàng cảm nhận được sự tự tin của các bạn Nam Mỹ, sự thân thiện của các bạn Châu Phi, sự hài hước sôi nổi của các bạn Indonesia và Philippinnes, sự điềm tĩnh của các bạn Mông Cổ hay sự thận trọng, dè dặt của các bạn Trung Quốc.
Nhờ học lớp này mà lần đầu tiên tôi biết rằng ở một số quốc gia trên thế giới, người ta sinh ra chỉ cần có tên mà không có họ. Cũng nhờ lớp học này tôi mới biết rằng ở Úc thường hay có tiệc BYO (bring your own), khi bạn được ai đó mời đến nhà ăn thì nhớ đừng choáng khi họ dặn bạn nhớ mang theo món gì đó, và cũng đừng choáng trong trường hợp đến chơi nhà ai, bạn nhận được lời đề nghị "khiếm nhã một cách lịch sự" (hoặc "lịch sự một cách khiếm nhã") rằng bạn nên ra về vì đã tới giờ cơm tối.
Nhiều khi, tôi tự hỏi rằng tại sao cùng sinh ra trên hành tinh này, cùng hít thở chung một bầu khí quyển, mà chúng ta lại có thể khác xa nhau đến thế?
Nhưng nhiều khi, tôi cũng bắt gặp hình ảnh của chính mình trong những người bạn quốc tế này. Đó là lúc một bạn người Tonga than thở với tôi về chi phí đắt đỏ ở Sydney và nỗi khó khăn của chị khi phải mang theo chồng con sang Úc. Hay là lúc một bạn người Philippinnes khen nức nở đồ ăn Việt Nam, đặc biệt là món "pỏ" (bạn ấy không cách gì phát âm được từ "phở") vừa ngon vừa rẻ. Hoặc thậm chí, một bạn người Mông Cổ còn biết thành phố Hồ Chí Minh được đặt theo tên của một vị lãnh tụ nổi tiếng của Việt Nam, và tỏ ra rất thích thú khi "Ghenghis Khan" của bạn có một cái tiếng Việt rất mỹ miều hoành tráng là "Thành Cát Tư Hãn".
Nên tôi chắc rằng, có thể chúng ta khác nhau về màu da, sắc tộc, giọng nói, nhưng chúng ta vẫn có những giá trị chung nhất định - những giá trị mà hơn 7 tỉ dân trên toàn cầu vẫn cùng nhau hướng đến và chia sẻ mỗi ngày. Như cách mà một bạn đến từ Châu Phi đã rất xúc động chia sẻ rằng, cũng như Việt Nam, ở đất nước của bạn ấy, gia đình là một điều gì đó rất thiêng liêng, và việc con cái chăm sóc bố mẹ khi lớn tuổi xuất phát từ tình yêu chứ không phải từ nghĩa vụ.
Phải nói rằng tôi rất thích không khí của lớp học này. Điều hối hận duy nhất là trí nhớ ngắn hạn (hay là sự khác biệt về hệ thống ngôn ngữ?) chỉ cho phép tôi nhớ được một vài cái tên khá quen thuộc như "Alison", "Ian", "Tamil" hay "Eggy", trong khi đó gần như thành viên nào trong lớp cũng có thể gọi tên tôi một cách rất thân thiện ngay khi thấy tôi từ đằng xa.
Dù mười lần thì hết chín lần, tôi cứ tưởng những "Lam", "Lăm" hay "Lem" mà các bạn ấy đang gọi là tên một người nào khác!
Chú thích: 1: Một dạng bài luận mang tính tóm tắt và phê bình các bài báo học thuật
|

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận